Hà Nội: Lễ hội Chùa Láng phục dựng nhiều nghi thức truyền thống
Ngày 26/4 (tức mùng 7/3 Âm lịch), lễ hội Chùa Láng, quận Đống Đa, thủ đô Hà Nội, Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tưng bừng khai hội, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự.
Năm nay, lễ hội tổ chức quy mô lớn, phục dựng các nghi thức truyền thống, làm nên nét độc đáo riêng có của hội Xuân vùng Kẻ Láng.
Trải qua hàng trăm năm, có những giai đoạn lễ hội Chùa Láng bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng. Năm nay, lần đầu tiên sau 70 năm, nhiều nghi thức cổ truyền được phục dựng đầy đủ, làm nên nét hấp dẫn của “hội trận” độc đáo trong lễ hội cổ truyền Việt Nam.
Ngày 25/4 (mùng 6/3 Âm lịch), nhân dân thực hành lễ khao thỉnh, dâng lễ tại chùa Tam Huyền (nơi thờ Đức Thánh Phụ - cha của Đức Thánh Láng Từ Đạo Hạnh), đình Ứng Thiên và Chùa Láng.
Ngày 26/4 (mùng 7/3 Âm lịch) là chính hội với nghi thức hấp dẫn nhất: rước kiệu Thánh dọc sông Tô Lịch từ Chùa Láng ra Cầu Cót. Kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông Tô Lịch gọi là nghi thức “Độ hà” và dừng lại trên “Hòn ngọc” để chuyển tiếp sang bờ, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu.” Tại đây, điều làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn “hội Thánh” rất sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.
Ngày 27/4 (tức mùng 8/3 Âm lịch) sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ, dâng hương và hoạt động tín ngưỡng truyền thống, dẫn lục cúng...
Đặc biệt, một số nghi thức được thực hành nhằm tái hiện những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong đó có nghi thức “Đấu thần” diễn ra tại chùa Thánh Tổ - nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Đây là cuộc “Đấu pháo” độc nhất vô nhị, mô phỏng lại trận đấu giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên, với các tràng pháo thăng thiên kéo dài trong nửa giờ từ đoàn rước hướng sang chùa Thánh Tổ và ngược lại.
Ngoài ra, lễ hội Láng còn có nghi thức “Độ hà,” được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch mà không đi trên cầu, hàm ý “con không đi trên đầu cha,” do trước kia cụ thân sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh bị kẻ xấu sát hại và vứt xác xuống sông. Hành trình rước kiệu Thiền sư còn đi qua nhiều điểm di tích khác như chùa Nền, chùa Tam Huyền, chùa Hoa Lăng… trước khi quay trở lại điểm xuất phát. Ở mỗi điểm đến đều diễn ra hoạt động sôi nổi khác nhau để mừng hội Láng.
Tại Chùa Láng, khi kiệu rước trở lại cũng là lúc diễn ra các trò vui. Người dân sau khi lễ Phật, lễ Thánh sẽ tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, trò chơi dân gian.
Lễ hội Chùa Láng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội. Đó cũng là bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm… đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ tạo thành biểu tượng của vũ trụ, thiên tử và Phật pháp, qua đó góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa Hà Anh Tuấn khẳng định mỗi di tích lịch sử, lễ hội văn hóa là địa chỉ đỏ góp phần quan trọng trong giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Lễ hội Chùa Láng là một trong các lễ hội đặc trưng của khu vực Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lễ hội không chỉ quy tụ người dân trong vùng mà còn thu hút đông đảo du khách từ nhiều địa phương về dự, được coi là lễ hội liên vùng có khả năng ảnh hưởng, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Chùa Láng, nơi Đệ nhất Tùng lâm phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, đã trường tồn theo thời gian, tạo dựng nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Láng tên chữ là “Chiêu Thiền Tự” được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông (thế kỷ XII) thờ Phật và thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, hiện thân của Ngài là Vua Lý Trần Tông. Đây là một trong 12 di tích tiêu biểu của Thủ đô được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên vào năm 1962.
Trong lòng người dân Thủ đô, chùa Láng là chốn “Thiền Tâm” với hệ thống công trình kiến trúc được xây dựng bề thế, cân xứng với cảnh quan thiên nhiên, tạo nên một tổng không gian linh thiêng, cổ kính.
Cũng tại lễ khai hội, 9 cây muỗm và 3 cây nhãn trong khuôn viên Chùa Láng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam gắn biển công nhận Cây di sản Việt Nam./.