1. Trang chủ /
  2. Hà Nội: Nhiều hình thức phổ biến pháp luật mới, hiệu quả

Hà Nội: Nhiều hình thức phổ biến pháp luật mới, hiệu quả

thứ năm, 8/6/2023 10:34 GMT+07
Sáng 7/6, Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (PBGDPL) đã tổ chức Toạ đàm làm việc tại Sở Tư pháp thành phố Hà Nội để trao đổi, nắm bắt thông tin về việc triển khai công tác PBGDPL và tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg năm 2022, 06 tháng đầu năm 2023.
Toàn cảnh buổi làm việc của Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tại Sở Tư pháp Hà Nội.

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp – Tổ trưởng Tổ Thư ký giúp việc Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và đồng chí Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội đồng chủ trì buổi làm việc.

Về tình hình thực hiện công tác PBGDPL trong thời gian qua, Thành phố Hà Nội thường xuyên, liên tục triển khai các hoạt động PBGDPL dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các ngành, cơ quan đơn vị, địa phương đã sáng tạo, áp dụng nhiều hình thức, mô hình PBGDPL mới, hiệu quả, tiết kiệm được nguồn lực, phù hợp với đối tượng, địa bàn và tình hình kinh tế-xã hội ở địa phương, đẩy mạnh việc PBGDPL qua phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác này.

Về tình hình thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL giai đoạn 2022 - 2027”, các đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao và điều kiện, tình hình thực tiễn đã chủ động lựa chọn những văn bản pháp luật có tác động lớn tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn Thành phố, được dư luận quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của đơn vị.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí ở trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn theo quy định. Sở cũng tham mưu UBND Thành phố: đưa nội dung tuyên truyền dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong các kế hoạch hằng năm về công tác tuyên truyền, PBGDPL, xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp các ngành Thànhphố; ban hành kế hoạch tăng cường thông tin tuyên truyền dự thảo chính sách đề xuất xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)…

Tuy nhiên, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo trong công tác truyền thông dự thảo chính sách còn hạn chế nên một số cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo chưa tích cực triển khai truyền thông dự thảo chính sách; né tránh, ngại va chạm đưa nội dung thông tin để truyền thông, chưa xác định trách nhiệm của mình trong truyền thông dự thảo chính sách, đùn đẩy trách nhiệm. Bên cạnh đó, nhân sự thực hiện nội dung truyền thông dự thảo chính sách chưa được trang bị bài bản, chưa có tài liệu hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ này.

Tại buổi làm việc, đại diện Sở Tài chính cho biết, Sở xác định công tác truyền thông dự thảo chính sách có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Qua đó, Sở Tài chính đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân bằng hình thức phù hợp.

Theo Sở Thông tin & Truyền thông, công tác truyền thông chính sách của thành phố Hà Nội đã được thực hiện chủ động, công khai, minh bạch, có định hướng nhằm tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, công tác truyền thông cũng góp phần quan trọng đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính sách; từ đó thống nhất nhận thức, ý chí và hành động trong triển khai thực hiện, tạo đồng thuận trong xã hội.

Ông Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao công tác PBGDPL và truyền thông chính sách tại Hà Nội.

Kết luận buổi làm việc, ông Lê Vệ Quốc ghi nhận và đánh giá cao công tác PBGDPL và truyền thông chính sách tại Hà Nội. Đồng thời đề nghị Thành phố tiếp tục đẩy mạnh nội dung, hình thức PBGDPL, truyền thông chính sách và tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân phù hợp với đối tượng, địa bàn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.

Bên cạnh việc truyền thông những chính sách lớn có tác động đến người dân theo Đề án 407, các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan phải tích cực, chủ động cung cấp thông tin mà người dân, doanh nghiệp quan tâm cho các cơ quan thông tấn, báo chí; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, nhà khoa học để có những đóng góp tích cực, hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô. Ngoài ra, cần sớm tổ chức tập huấn và ban hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ đối với truyền thông dự thảo chính sách tác động lớn đến xã hội.