1. Trang chủ /
  2. Hà Nội: Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT

Hà Nội: Thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT

thứ ba, 21/3/2023 00:46 GMT+07
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội phối hợp Sở Y tế triển khai thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT).
UBND Thành phố yêu cầu 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT. UBND Thành phố yêu cầu 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa có Công văn số 653/UBND-KGVX yêu cầu BHXH thành phố Hà Nội, Sở Y tế, Sở Tài chính và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tăng cường quản lý, kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT.

UBND Thành phố yêu cầu 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

Theo đó, BHXH thành phố Hà Nội phối hợp Sở Y tế triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể: Hàng tháng, hàng quý phân tích, đánh giá dữ liệu chi phí khám chữa bệnh BHYT các cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, xác định các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường như: Chỉ định bệnh nhân vào nội trú, kéo dài ngày điều trị, chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế quá mức cần thiết... làm cơ sở tổ chức kiểm tra, giám định, đồng thời cung cấp danh sách các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường cho Sở Y tế để phối hợp làm việc với các cơ sở khám chữa bệnh yêu cầu rà soát, điều chỉnh.

Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh BHYT về sử dụng quỹ BHYT và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh có chi phí gia tăng bất thường. Phối hợp Sở Y tế thực hiện dừng hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh không chấp hành quy định của pháp luật về BHYT.

UBND Thành phố đề nghị Sở Y tế phối hợp BHXH Thành phố và các cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 193/KH-UBND ngày 26/8/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc thực hiện các giải pháp phòng, chống hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; tăng cường kiểm tra thực hiện quy chế chuyên môn, quy trình kỹ thuật tại các cơ sở khám chữa bệnh; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh; thực hiện việc trích chuyển dữ liệu điện tử chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Thông tư số 48/2017-TT-BYT ngày 18/12/2017 của Bộ Y tế Quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; 100% các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT.

Riêng với các cơ sở y tế, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, tính chính xác của chứng từ và dữ liệu chi phí khám chữa bệnh BHYT đề nghị cơ quan BHXH thanh toán theo đúng quy định của Luật BHYT; nghiêm cấm việc lập hồ sơ, bệnh án khống để thanh toán BHYT (khám, kê đơn thuốc không có bệnh nhân, không có bệnh nhân nằm viện; bệnh nhân mượn thẻ BHYT; kê tăng số lượng hoặc thêm loại thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, chi phí giường bệnh...).