1. Trang chủ /
  2. Hà Trung (Thanh Hóa): Sự “thờ ơ” của chính quyền đã “dung túng” cho doanh nghiệp tiếp tục vi phạm ô nhiễm môi trường?

Hà Trung (Thanh Hóa): Sự “thờ ơ” của chính quyền đã “dung túng” cho doanh nghiệp tiếp tục vi phạm ô nhiễm môi trường?

thứ tư, 3/8/2022 10:16 GMT+07
(PLM) - Sau khi nhận được phản ánh của Báo điện tử Xây dựng về tình trạng ô nhiễm môi trường khu dân cư kề cận tại các xưởng sản xuất đá tại thôn Nam Thôn, xã Hà Tân (Hà Trung), Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã kiểm tra, làm rõ vi phạm. Tuy nhiên, hơn 1 tháng từ ngày có thông báo về kết quả kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính, tình hình vẫn không biến chuyển.
Các xưởng sản xuất đá tại thôn Nam Thôn vẫn hoạt động sản xuất bình thường và không hề có biện pháp khắc phục sau thông báo của Sở Tài Nguyên và Môi trường. Các xưởng sản xuất đá tại thôn Nam Thôn vẫn hoạt động sản xuất bình thường và không hề có biện pháp khắc phục sau thông báo của Sở Tài Nguyên và Môi trường.

Như đã nêu trong các bài viết trước, ngày 27/6/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã có Công văn số 129/TB-STNMT, thông báo về “Kết quả kiểm tra, xác minh theo phản ánh về ô nhiễm môi trường tại một số cơ sở sản xuất đá xẻ, chế biến đá ốp lát trên địa bàn thôn Nam Thôn, xã Hà Tân, huyện Hà Trung”. Theo đó, cả 6 cơ sở sản xuất đá được kiểm tra đều có những vi phạm gần giống nhau. Cụ thể như đối với Công ty TNHH Châu Quý (Công ty Châu Quý), “qua kiểm tra cho thấy, cơ sở còn một số tồn tại như: Các ao chứa nước thải và lắng bột đá được xây dựng chưa bảo đảm quy cách; công tác vệ sinh môi trường công nghiệp trong các nhà xưởng chưa gọn gàng, sạch sẽ; một phần bột đá, đá cắt cạnh thải với khối lượng khoảng 600-700kg đang đổ thải trái quy định (phía ao tiếp giáp với mương Đồng Hang) có nguy cơ tràn xuống mương khi có mưa lớn”.

Đối với Công ty TNHH Hồng Gấm (Công ty Hồng Gấm), thông báo nêu “Cơ sở còn một số tồn tại như: Vệ sinh công nghiệp trong khuôn viên chưa gọn gàng, sạch sẽ, bột đá, đá cạnh thải đổ tại nhiều vị trí trong khuôn viên, bụi sân nền đường còn phát tán; một phần bột đá, đá cắt cạnh thải khối lượng khoảng 500-600kg đang đổ thải trái quy định (phía ao tiếp giáp với mương Đồng Hang) nguy cơ tràn xuống mương khi có mưa lớn”.

Căn cứ những vi phạm trên, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt 6 cơ sở về hành vi vi phạm: Đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định; xả nước thải ra môi trường vượt quy chuẩn cho phép, với tổng số tiền 39 triệu đồng.

Cùng với xử phạt, thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường còn yêu cầu về biện pháp khắc phục như sau: “Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu và kiến nghị: Công ty Châu Quý, Công ty Hồng Gấm; Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nam Sơn Dũng, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tuấn Hiền: Rà soát, đầu tư đầy đủ các công trình thu gom, xử lý chất thải, đảm bảo chất thải được đạt QCCP, lập hồ sơ đề nghị UBND huyện Hà Trung cấp giấy phép môi trường cho dự án theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; gia cố bờ ao lắng nước thải để ngăn bột đá lẫn nước thải chảy tràn ra mương Đồng Hang, cải tạo ao lắng đảm bảo có các ngăn lắng lọc; định kỳ nạo vét bột đá tại ao lắng; nghiêm cấm đổ thải trái quy định ra môi trường; quy hoạch nơi tập kết chất thải sản xuất để đưa về lưu chứa; tăng cường vệ sinh môi trường, thu gom chất thải, rác thải; có trách nhiệm cùng chính quyền khơi thông, nạo vét định kỳ mương Đồng Hang…”.

Cùng với đó, thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND huyện Hà Trung thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện việc chấp hành yêu cầu, quy định của pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp trên. Đồng thời, yêu cầu tạm dừng hoạt động, xử lý nghiêm các cơ sở không chấp hành đầy đủ các yêu cầu sử dụng đất, bảo vệ môi trường; kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng cho Cụm công nghiệp Hà Tân. Đảm bảo có khu xử lý chất thải tập trung, hướng dẫn các cơ sở hoàn thiện hồ sơ về đất đai, bảo vệ môi trường theo quy định, báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/8/2022.

Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND xã Hà Tân tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; giám sát việc thực hiện các yêu cầu của Đoàn kiểm tra đối với các cơ sở, nếu cơ sở nào thực hiện không nghiêm túc, xả thải gây ô nhiễm môi trường kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền.

Như vậy, qua công tác kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã bước đầu làm rõ một trong các vấn đề nổi cộm tại các doanh nghiệp sản xuất đá tại Hà Tân (vi phạm về bảo vệ môi trường). Cùng với đó, đã yêu cầu, kiến nghị các biện pháp khắc phục cụ thể đối với các doanh nghiệp, UBND huyện và xã với thời gian báo cáo kết quả thực hiện được ấn định trước ngày 15/8/2022.

Một số hình ảnh ghi nhận tại xưởng sản xuất của Công ty Châu Quý và Công ty Tuấn Hiền.

Tuy nhiên, bất chấp yêu cầu của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cho đến nay, đã hơn một tháng kể từ ngày có thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường và thời hạn hoàn tất, yêu cầu báo cáo đã gần đến, nhưng mọi việc vẫn “giậm chân tại chỗ”. Trao đổi với PV, lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Hà Trung cho biết: Sau khi có thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện để lên phương án, kế hoạch kiểm tra, khắc phục vi phạm tại các xưởng đá Hà Tân. Tuy nhiên, do trong đầu năm 2022, huyện đã có một số đợt thanh tra, kiểm tra tại đây nên “để tránh chồng chéo, thanh tra quá nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp”, tới đây huyện sẽ chỉ tổ chức các tổ kiểm tra, dự kiến triển khai vào tháng 8 đối với công tác khắc phục vi phạm môi trường tại đây. Huyện cũng đã giao cho UBND xã tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời báo cáo để có giải pháp xử lý. Trường hợp doanh nghiệp nào cố tình không khắc phục, huyện sẽ có “giải pháp mạnh”.

Về phía chính quyền cơ sở, cho đến nay, UBND xã Hà Tân đã “tăng cường kiểm tra” bằng cách ra văn bản (ngày 13/7/2022) gửi các doanh nghiệp, yêu cầu “Tập trung khắc phục các bể chứa nước thải, bột đá, hệ thống rãnh thoát nước không để tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường các khu dân cư cận kề. Thời gian khắc phục đến hết 30/10/2022”. Ngoài gia hạn về thời gian, công văn cũng nêu thêm “Trong thời gian trên, Công ty vẫn để các bể chứa nước thải, bột đá hệ thống rãnh thoát nước tràn ra gây ô nhiễm môi trường, UBND xã sẽ xử lý theo quy định, báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý”.

Có lẽ sự “đủng đỉnh” của chính quyền cơ sở đã dẫn đến việc “nhờn luật” của các doanh nghiệp sản xuất, chế tác và khai thác đá tại Nam Thôn. Mới đây, PV Báo điện tử Xây dựng đã trở lại 2 trong số các doanh nghiệp tại đây nhằm chứng kiến sự chuyển biến về công tác bảo vệ môi trường sau kết quả kiểm tra. Nhưng tại xưởng sản xuất của Công ty Châu Quý và Công ty Tuấn Hiền, tình hình vi phạm môi trường vẫn diễn ra một cách “bình thường”, không hề có dấu hiệu của việc xử lý, khắc phục.

Tại Công ty Châu Quý, bụi đá phủ đầy sân, nền khu vực nhà xưởng, còn có phần dầy hơn trước vì sự vắng bóng của chiếc máy gạt bụi chuyên dụng. Trong nhà xưởng, công nhân vận hành vẫn có người đội nón lá thay cho mũ bảo hộ. Cùng với đó là cảnh tượng bề bộn, thiếu vệ sinh với những đống đá cạnh, đá thải chất đống, vứt ngổn ngang, những vũng nước, ao chứa đầy bột đá và nước thải, nhiều chỗ nước đọng lênh láng. Tại Công ty Tuấn Hiền những vi phạm vệ sinh môi trường vẫn hiển hiện khắp nơi, những đống đá thải loại vứt chỏng chơ, những vũng nước pha lẫn bột đá và bùn đất, những ao chứa không hề có dấu vết được cải tạo, gia cố, nạo vét, bụi phủ dày khắp nơi, công nhân thao tác máy xẻ, móc dây cẩu làm việc trong phân xưởng có người còn đội mũ vải, không mang găng tay.

Thực tế trên đã cho thấy tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đối với công tác bảo vệ môi trường tại các xưởng sản xuất đá thôn Nam Thôn. Sự “thờ ơ” của chính quyền đã “dung túng” cho doanh nghiệp tiếp tục hành vi vi phạm, vẫn xả thải đầu độc môi trường. Đáng chú ý hơn, UBND xã Hà Tân trong Công văn ngày 13/7/2022 gửi các doanh nghiệp, tại phần 1 đã viện dẫn thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường để yêu cầu doanh nghiệp khắc phục vi phạm đã được làm rõ. Tuy nhiên điều “khó hiểu” là, theo thông báo trên thì việc khắc phục, xử lý vi phạm phải được hoàn tất, báo cáo trước ngày 15/8, nhưng UBND xã lại “hào phóng” cho thời hạn đến tận ngày 30/10. Trong trường hợp này, phải chăng xã “to” hơn Sở?

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, trả lại môi trường trong lành cho người dân địa phương, đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp, ngành phối hợp với UBND huyện Hà Trung nhanh chóng có các “giải pháp mạnh”, buộc các doanh nghiệp vi phạm phải hoàn tất việc khắc phục, chấm dứt vi phạm vè bảo vệ môi trường theo đúng thời hạn (ngày 15/8) như yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường.