HẢI PHÒNG: Mạnh tay xử lý tình trạng nuôi trồng thủy sản trên biển không phép
Sau khi thị sát vùng biển, nghe các cơ quan, đơn vị báo cáo công tác chuẩn bị cho việc thả phao, ông Tùng yêu cầu huyện Tiên Lãng và Kiến Thụy tổ chức rà soát, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị và lực lượng để tổ chức thả phao, dựng chòi quản lý, khai thác mỏ cát vào ngày 22/9/2022.
Các ngành, địa phương tổ chức bảo đảm an ninh trật tự, chủ động có các phương án xử lý kịp thời các tình huống phức tạp về an ninh trật tự, cản trở công tác thả phao, dựng chòi quản lý. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trên biển không phép, đồng thuận, ủng hộ việc cắm phao tiêu, dựng chòi bảo vệ phao tiêu; tự giác di dời, tháo dỡ các công trình phục vụ nuôi ngao và thu hoạch ngao nuôi ra khỏi khu vực đã được khoanh vùng…
Theo UBND Tiên Lãng, trên địa bàn huyện có khoảng 3.000ha mặt nước thuộc khu vực biên giới biển xã Vinh Quang. Những năm qua, một số hộ tự ý ra cắm cọc, dựng chòi nhận bãi để nuôi ngao; không được cấp có thẩm quyền cho phép. Từ 2018, huyện nhiều lần tổ chức họp với các hộ nuôi ngao để tuyên truyền, vận động tự giác di dời, tháo dỡ công trình vi phạm. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản yêu cầu các hộ tháo dỡ chòi trông coi, cọc quây bãi và chấm dứt hoạt động nuôi ngao trái phép. Tuy nhiên, các hộ không chấp hành các yêu cầu.
Tương tự, tại huyện Kiến Thụy, năm 2011 chỉ có 32 hộ nuôi ngao tự phát trên diện tích 147,1ha với 30 chòi trông coi. Sau đó, các hộ dân đã mở rộng diện tích nuôi, đến nay có 89 hộ nuôi ngao với diện tích hơn 2.500ha, lấn ra phía ngoài biển; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được UBND TP giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 263 ra ngày 20/9/2022)