Hiện hữu nguy cơ lạm phát
Dai dẳng nỗi lo biến động giá nhiên liệu
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2022 của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan này đưa ra cảnh báo, Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến giá lương thực thực phẩm và các mặt hàng cơ bản. Đồng thời, dù giá nhiên liệu gần đây đã hạ nhiệt, nhưng biến động giá nhiên liệu trên toàn cầu vẫn khó lường.
Theo phân tích chung, sự tăng, giảm của nhiều mặt hàng thiết yếu trên thị trường không chỉ chịu sự tác động của giá thế giới mà còn chịu sự tác động về chính sách điều hành giá cả, hàng hóa xuất nhập khẩu và cả tâm lý tăng giá đón đầu của một vài DN.
Chẳng hạn với mặt hàng sữa, giá nhiều loại sữa tươi đang tăng. Đơn cử như các loại sữa Đà Lạt, Vinamilk tăng 10.000 đồng/ thùng. Chị Hoàng Thu Thủy, chủ một cửa hàng tạp hoá chuyên kinh doanh đồ sữa – bỉm mẹ và bé ở Ngọc Thuỵ (Long Biên - Hà Nội) cho hay, cuối tháng 8, đầu tháng 9 giá sữa đã được điều chỉnh tăng.
Giá thịt lợn cũng đang có xu hướng tăng. Tại một số chợ cóc ở Hà Nội, thịt lợn đang neo ở mức 100.000 – 120.000 đ/kg, sườn thăn ngon 135.000 đồng/kg.
Trong khi đó, nhiều cửa hàng ăn cũng đã điều chỉnh giá bán hàng theo chiều hướng tăng. Nhân viên một quán bán đồ nướng ở địa chỉ 33 Bùi Thị Xuân, Hà Nội chia sẻ, cửa hàng vừa thay đổi giá thực đơn. Giá một suất nướng tự chọn từ 248.000 đồng/người lên 345.000 đồng/người.
Giới chuyên gia đánh giá, mặc dù lạm phát nửa đầu năm 2022 được kiểm soát tốt, nhưng dư địa không còn nhiều, bên cạnh đó áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 và năm 2023 là rất lớn. Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, tạo áp lực lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó tạo áp lực lên lạm phát. Đồng thời, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc kiểm soát tốt lạm phát trong 8 tháng giúp Việt Nam có dư địa để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 nhưng vẫn còn rất nhiều yếu tố có khả năng tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), lạm phát trong những tháng còn lại của năm.
Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn đang ở mức cao trong khi Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất. Bởi vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, gây áp lực lớn cho lạm phát. Bên cạnh đó, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong ngắn hạn nhưng rủi ro tăng trở lại là khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt và khi kinh tế Trung Quốc phục hồi có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Ngoài ra, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm, nhất là khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại như thời gian trước khi đại dịch diễn ra. Mặc dù Việt Nam là quốc gia có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào nhưng sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng từ giá thế giới khi nguồn cung phân bón và ngũ cốc dùng làm thức ăn chăn nuôi sụt giảm mạnh.
Chú trọng các giải pháp
Tiến sĩ Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho rằng, lạm phát vẫn chưa đạt đỉnh do lạm phát tại các nước vẫn ở mức cao và có một độ trễ nhất định về thời gian trước khi ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Do vậy Chính phủ cũng thực hiện bình ổn giá các mặt hàng gồm xăng, dầu, lương thực, thực phẩm, nhà ở, là những nhóm mặt hàng đóng góp 80-90% vào chỉ số lạm phát ở Việt Nam.
Ông Lực dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chịu áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, tác động tới hoạt động xuất khẩu và đầu tư, lạm phát có thể tăng cao hơn, dự kiến nằm trong khoảng 4-4,5%.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng nêu lên một số yếu tố gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc kiềm chế lạm phát, gồm bất ổn địa – chính trị toàn cầu, việc thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất của một số quốc gia, gây khó khăn cho sản xuất và tiêu dùng, dẫn đến mất việc làm, giảm đầu tư và rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế; giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng khó dự báo; thiếu hụt, gián đoạn nguồn cung khiến chi phí sản xuất, vận tải toàn cầu gia tăng, qua đó tạo áp lực lên lạm phát, giá cả hàng hóa trong nước.
Theo kiến nghị của TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, các cơ quan quản lý cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát. Đồng thời, chọn lọc chính sách hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đặc biệt chú trọng rà soát và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao, phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics.
Bên cạnh đó, nhà quản lý cũng cần chú trọng tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân có thể tiếp cận nguồn vốn vay cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân, việc trước tiên cần quan tâm là kiểm soát lạm phát. Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong kiểm soát lạm phát. Khi giá dầu lên vượt quá 140 USD/thùng, mà sự kiện này năm 2008 đã xảy ra, lúc đó lạm phát của Việt Nam lên tới 23%. Nhưng năm nay khi giá xăng dầu đã có lúc lên đến đỉnh điểm, thế nhưng lạm phát đã kiểm soát được ngay, vì chúng ta thực hiện ngay việc giảm các loại thuế, phí liên quan xăng dầu.