Hiệp Hòa (Bắc Giang): Người dân bức xúc vì hoạt động khai thác khoáng sản làm sạt lở đất đai
Theo tìm hiểu của PV, trong 3 năm liền từ 2018 - 2020, chỉ riêng khu vực sông Cầu qua địa bàn xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa), UBND tỉnh Bắc Giang đã cấp 3 giấy phép khai thác khoáng sản cho các đơn vị là Công ty cổ phần đầu tư Đức Long, Công ty TNHH Quỳnh Phương, Công ty cổ phần Cảng Tiên Du.
Dòng sông đang ngày đêm sôi sục với máy xúc, tàu cát hoạt động rầm rộ. Quá trình khai thác khoáng sản (cát, sỏi) bộc lộ nhiều bất cập khiến người dân vô cùng bức xúc.
Bác Nguyễn Văn Thúy (xóm 4, thôn Hương Ninh) chia sẻ, tập thể các hộ dân tại thôn Hương Ninh có cam kết chuyển nhượng đất cho Công ty Cảng Tiên Du và Công ty Quỳnh Phương. Hai doanh nghiệp đã bắt đầu vào khai thác từ năm 2020, đến bây giờ phần đất doanh nghiệp đã làm hết, giờ toàn mặt nước.
Người dân mong muốn các cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc Công ty Quỳnh Phương đã khai thác ngoài quy hoạch, xác định phần diện tích đất công ty Đại Hoàng Dương bị mất nằm giáp danh giữa 2 công ty.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Chi - công chức địa chính xây dựng xã Hợp Thịnh cho biết: “Phần diện tích ngoài, Ủy ban đã có báo cáo với UBND huyện đây là bản đồ đo lúc thăm dò cấp phép còn đến lúc được giao đất thì trước khi làm thủ tục giao đất những phần này đã sạt lở hết. Bản chất là khi tỉnh cấp phép và cho thuê đất theo mốc giới, thôn về lại giao sai để giữ lại bờ bao...”.
Nhưng trái với thông tin bà Chi cung cấp, nhiều người dân bức xúc cho biết, khi doanh nghiệp nhận đất vẫn còn phần lớn diện tích đất đai sát mép nước nằm ngoài quy hoạch được cấp cho doanh nghiệp.
Về vấn đề khai thác khoáng sản của Công ty Đức Long gây sạt lở bờ sông bà Nguyễn Thị Chi cho biết thêm: “Vừa rồi Ủy ban xã cũng mời công ty, thôn họp để khắc phục. Bây giờ chưa có kết quả chính thức, phần sạt lở là bờ bao chứ không phải sạt vào ruộng”.
Để có thêm thông tin, PV đã nhiều lần liên hệ với UBND huyện Hiệp Hòa và được giới thiệu gặp ông Toản - Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên sau nhiều lần liên hệ PV chỉ nhận được câu trả lời "đã giao đồng chí Chi thông tin".
Ông Toản nói thêm:“Em làm việc với xã, vì quản lý đất đai thuộc của xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện chỉ liên quan đến cấp phép. Đất đai do xã quản lý chứ huyện không quản lý vì đã giao cho xã quản lý đất đai trên địa bàn. Vi phạm cũng là do xã kiểm tra, lập biên bản”.
Theo như lời ông Toản nói, phải chăng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hiệp Hòa không có chức năng quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp, quản lý đất đai mà chỉ cấp phép khai thác khoảng sản rồi hết trách nhiệm...?
Trước thực trạng trên, để tránh xảy ra việc thất thoát tài nguyên khoáng sản, bức xúc dư luận, mất an ninh trật tự trên địa bàn xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa); đề nghị các ban ngành chức năng tỉnh Bắc Giang vào cuộc làm rõ.
Ngày 4/5/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích đã có công văn số 2218/UBND-KTN yêu cầu các sở ngành, UBND huyện, thành phố chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế hoạt động khoáng sản vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác quản lý quy hoạch khoáng sản, quản lý đất đai liên quan đến khoáng sản chưa đồng bộ; tiến độ cấp phép khai thác còn chậm, chưa đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng (đất san lấp, cát sỏi) cho các dự án, công trình xây dựng của tỉnh.
Công tác giám sát, kiểm tra sau cấp phép của cơ quan nhà nước chưa thường xuyên, quản lý sản lượng khai thác thực tế chưa chặt chẽ; công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời. Trong khi tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản đất san lấp, cát sỏi trái phép còn diễn ra tại một số địa phương nhưng chưa được phát hiện, kịp thời ngăn chặn.