1. Trang chủ /
  2. Hiệu sách độc lập - xu thế mới cổ vũ văn hóa đọc

Hiệu sách độc lập - xu thế mới cổ vũ văn hóa đọc

thứ sáu, 14/1/2022 08:37 GMT+07
(PLM) - Trải qua đại dịch, một xu thế thưởng thức sách mới được nhiều người dân lựa chọn, đó là quay lại với những hiệu sách độc lập nhỏ xinh, có gu.

Một hiệu sách độc lập được các bạn trẻ yêu thích.

Từ mở một hiệu sách nhỏ…

Mở một tiệm sách nhỏ, trang trí xinh xắn, dễ chịu, bán sách theo gu cá nhân, đó là xu thế đang diễn ra tại nhiều nước phương Tây hiện nay, sau thời gian đại dịch bùng phát mạnh mẽ. Nước Anh đang chứng kiến sự ra đời của hàng loạt hiệu sách độc lập. Lần đầu tiên trong gần một thập kỷ, có hơn 1.000 hiệu sách độc lập đang mở cửa kinh doanh ở Anh, đó là sự phát triển mạnh so với dự đoán.

Mở hiệu sách độc lập đa số là những người yêu sách, có tâm huyết với ngành xuất bản. Đó có thể là một người hưu trí muốn trải qua khoảng thời gian cuối đời vừa nghỉ ngơi vừa làm việc với một hiệu sách nhỏ, cũng có thể là một người trẻ tuổi với những dự án giáo dục, mà mở màn là một hiệu sách độc lập.

Hai năm vừa qua, tại nước Anh và một số nước châu Âu, người ta chứng kiến các hiệu sách độc lập được mở nhiều, do những người như hiệu trưởng hưu trí, nhà báo, vloger... Nhiều chuyên gia dự đoán, trong thời gian tới, tại các nước châu Âu, xu thế hiệu sách độc lập sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa với nhiều hiệu sách thú vị ra đời từ thành thị đến các làng quê.

Tại Việt Nam, những năm qua, xu thế mở nhà sách thường là các hiệu sách quy mô lớn, có kiến trúc độc đáo, có góc “check in sống ảo”, như Nhà sách Cá Chép, Nhà sách Hải An, Nhã Nam, Phương Nam, Khai Tâm, Thăng Long... Các nhà sách này này không chỉ là nơi để giới yêu sách đến đọc sách mà còn là điểm đến, vui chơi, tham quan của giới trẻ.

Tuy khái niệm hiệu sách độc lập chưa được biết đến nhiều tại Việt Nam nhưng những năm qua cũng đã có những hiệu sách độc lập nho nhỏ của những người yêu sách mở ra phục vụ nhu cầu bạn đọc.

Đến “dòng chảy ngầm” trong thị trường sách

Cách đây nhiều năm, Nhà sách Hà Nội toạ lạc trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, TP HCM là điểm đến yêu thích của giới mê đọc sách. Đây gần như là một trong những hiệu sách độc lập có tiếng của TP HCM thời điểm 2010. Tại đây, người đọc dễ dàng tìm được những quyển sách hay nhiều thể loại: văn hoá, lịch sử, nghiên cứu, sách thiếu nhi...

Lượng sách đa dạng, có nhiều sách hiếm, cộng với mức chiết khấu cao, nhà sách thu hút lượng lớn người mua sách hàng ngày. Tuy nhiên, sau đó, đến thời của những nhà sách lớn, hoành tráng, cùng với sự ra đời của Đường sách TP HCM và sự phát triển của mảng sách online, nhà sách Hà Nội trở nên thưa vắng.

Thực tế, hiệu sách độc lập xuất phát điểm là những cửa hàng sách do cá nhân mở, cách đây vài chục năm. Ở thời điểm chưa thịnh hành các nhà sách quy mô, hiệu sách cá nhân chính là nơi duy nhất mà người có nhu cầu tìm đến để mua sách. Với xu hướng tìm về những giá trị xưa cũ, đến nay, như một dòng chảy ngầm, các nhà sách độc lập hiện nay lại bắt đầu xuất hiện.

Có thể kể đến các nhà sách đang hoạt động âm thầm mà hiệu quả như hiệu sách Kính vạn hoa, Tri Văn, Kafka, Momo, Neta… Các nhà sách độc lập thường chọn cho mình như lối đi riêng. Như Momo thiên về dòng sách cũ, Tri Văn tập trung vào dòng sách học thuật, nghiên cứu, sách hiếm, Kính Vạn Hoa chỉ chuyên dòng sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Nhiều nhà sách độc lập được trang trí như một quán cafe nho nhỏ với những góc đọc sách rất nên thơ.

Cạnh các hiệu sách độc lập được mở tại chỗ đón khách, còn có các hiệu sách độc lập online. Các hiệu sách này chỉ bán trực tuyến và cũng chọn những phân khúc riêng. Như hiệu sách Mèo già chuyên dòng sách cũ, Bình Bán Book chuyên sách “săn”, những đầu sách được chủ tiệm tâm đắc, giới thiệu...

Từ những tiệm sách tư nhân nhỏ bé, rồi gần như biến mất trên thị trường cùng với thời kì cực thịnh của các nhà sách quy mô hoành tráng, thời thịnh hành sách đọc online, đến nay, người ta quay lại với hiệu sách độc lập nhỏ xinh, có gu. Tất nhiên, khó lòng để hiệu sách độc lập có thể cạnh tranh trực diện với các nhà sách lớn về mặt chiết khấu hay độ phong phú đầu sách. Nhưng cách mà những chủ tiệm yêu sách chọn cho mình lối đi riêng khiến họ có được một lượng khách nhất định đủ để duy trì, phát triển nhẹ nhàng.

Dịch COVID-19 làm cho nhiều hoạt động văn hóa bị đình trệ. Tuy nhiên, khoảng lặng này lại vô tình mang đến cơ hội lan tỏa thói quen đọc sách ở khắp nơi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Không chỉ các cá nhân mà nhiều đơn vị, tổ chức cũng tích cực thực hiện thói quen bổ ích này.

Thời gian qua, Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL đẩy mạnh chương trình “Đọc sách cùng bạn” với các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kỹ năng và phương pháp đọc sách. Bên cạnh đó, hoạt động giới thiệu sách trực tuyến của các thư viện trong nước cũng được đẩy mạnh.

Nhiều thư viện đưa ra các sáng kiến phục vụ bạn đọc tốt hơn, như nhận phục vụ nhu cầu mượn sách qua email và gửi sách đến nhà cho bạn đọc; mở dịch vụ miễn phí đọc sách cho học sinh, sinh viên trong những ngày các em phải nghỉ học; tư vấn hướng dẫn bạn đọc sử dụng thư viện trực tuyến.