1. Trang chủ /
  2. Hình tượng rồng trong tâm thức người Việt

Hình tượng rồng trong tâm thức người Việt

thứ bảy, 10/2/2024 17:31 GMT+07
Trong 12 con giáp, rồng là con vật không có trong đời thực nhưng lại mang biểu tượng của vương quyền và tín ngưỡng, xuất hiện nhiều trong văn hoá và tâm thức người Việt.

Khác với quan niệm của phương Tây, rồng là con vật hung ác, con rồng trong văn hóa Việt nói riêng và văn hoá phương Đông nói chung lại đứng đầu trong tứ linh "Long, Ly, Quy, Phượng"; rồng là một linh vật cao quý và linh thiêng, đại diện cho sức mạnh, quyền lực.

Rồng xuất hiện trong nền văn hóa Việt Nam từ rất sớm, có thể từ thời đại đồ đồng. Những dấu tích sớm nhất của rồng được tìm thấy trên đồ đồng Đông Sơn như trống đồng Ngọc Lũ, trống đồng Hoàng Hạ. Trên những chiếc trống này, rồng được thể hiện với hình dáng đơn giản, có thân dài, uốn lượn, đầu có sừng, mắt to, miệng há rộng.

hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 1
Cụm linh vật rồng ở Bình Định lấy chủ đề "Tự hào truyền thống Cha Rồng - Mẹ Tiên”. Ảnh: D. Nhân

Mỗi người dân Việt Nam hẳn đều được nghe về truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”, như một cách giải thích về cội nguồn dân tộc. Trong truyền thuyết, Lạc Long Quân - Âu Cơ, sinh ra bọc trăm trứng, nở ra trăm con, 50 người theo cha xuống biển, 50 người theo mẹ lên rừng. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu làm vua, lập nên nước Đại Việt, lấy niên hiệu Hùng Vương. Từ đó, người Việt luôn tự hào về dòng giống Tiên - Rồng của mình.

Thời kỳ Hùng Vương, với đặc thù của cư dân lúa nước sinh sống ven các con sông, hình tượng rồng là con vật có thân dài, vẩy cá sấu còn được gọi là “Giao Long”.

Theo tiến trình lịch sử, trải qua các triều đại khác nhau, hình ảnh con rồng luôn hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần, là biểu tượng cho sự vươn lên và niềm tự hào dân tộc. Trong thười kỳ quân chủ, rồng gắn liền với hình ảnh bậc đế vương, hình tượng rồng được chạm khắc trên ấn tín, thêu trên hoàng bào và đồ dùng của vua để thể hiện sức mạnh vương quyền.

hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 2
Hình tượng rồng thời Lý. Ảnh: TL

Ở thời Lý, tên của vùng kinh đô gọi là Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên. Rồng thời Lý được tạo hình mình dài, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi.

Thời Trần, hình ảnh rồng thừa kế những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng có những biến đổi về chi tiết. Thân rồng mập mạp khỏe khoắn hơn, móng vuốt ngắn và to hơn, xuất hiện nhiều tư thế mới.

Thời Hậu Lê, rồng có đầu to, thân rồng lượn hai khúc lớn tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Đầu rồng không còn bổ luống mà chia thành từng dải đều nhau, lông mày, râu cằm và lông khuỷu chân loe ra, hai sợi râu mép uốn cong lại. Đến giữa thế kỷ XVIII, hình tượng rồng có đuôi xoáy, thân mảnh hơn. Kiểu tạo hình rồng như thế này được cho là xuất hiện sớm nhất trên các sắc phong.

hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 3
Rồng thời Lê tại thềm điện Kính Thiên. Ảnh: TL

Đến thời Nguyễn, hình tượng rồng tiếp tục kế thừa thời trước đó nhưng thay đổi về tạo dáng. Độ uốn khúc của rồng chỉ vồng lên hai khúc vừa phải, thân rồng nhỏ thấp dần về đuôi, phần đuôi rồng không còn xoắn ốc mà duỗi ra, trán rồng thường lõm vào và trượt về phía sau.

Đặc biệt rồng có những sợi lông sắc nhọn đâm tua tủa, mang ảnh hưởng của rồng nhà Minh. Thân rồng cuộn hoa văn lửa hoặc mây, râu uốn sóng từ dưới mắt chìa ra, rồng được thể hiện trong nhiều tư thế ẩn hiện trong đám mây, hoặc lưỡng long triều nhật, lưỡng long chầu hoa cúc, lưỡng long chầu chữ thọ...


hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 4
Hình tượng rồng được điêu khắc ở công trình kiến trúc đình, chùa. Ảnh: TL

Hình tượng rồng thời kỳ này biểu đạt rất rõ ở những công trình trang trí kiến trúc, nhất là các thềm bậc cung đình Huế và các lăng tẩm vua chúa nhà Nguyễn. Qua điêu khắc, tạo hình, rồng Việt Nam cũng có bản sắc riêng, khác biệt. Chẳng hạn, hình ảnh rồng Trung Quốc tạo dáng thường gai góc hung tợn thì rồng Việt Nam có những đường nét mềm mại, hiền hòa hơn.

Đặc biệt, từ nửa cuối thế kỷ XIV, hình tượng rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình để có mặt trong các kiến trúc dân dã như điêu khắc ở đình chùa hoặc điêu khắc trên đá và đồ gốm… Hình tượng rồng cũng được sáng tạo đa dạng, phong phú phụ thuộc vào quan niệm từng vùng miền và chất liệu.

Trong chốn cung đình, biểu tượng cho bậc đế vương, hình tượng rồng luôn được thể hiện ở tư thế uy nghi, mạnh mẽ nhưng ở ngoài dân gian, hình tượng rồng được thể hiện nhiều trên các đồ gốm sứ, theo lối vẽ kết hợp với mảng đậm nhạt, có hình mây lửa tạo sự lung linh huyền diệu. Bên cạnh cách thể hiện bằng chạm khắc và bút vẽ thì nghệ thuật đắp vữa, gắn sành sứ tạo hình rồng cũng rất phổ biến trên nóc, mái các cung điện, đền đài.

hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 5
“Thập nhị giáp - Long chủ”. Tranh của Lê Trí Dũng

Trong đời sống, hình tượng rồng cũng thể hiện rất phong phú thông qua các hoạt động văn hóa, như múa rồng vào các dịp lễ hội; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ nhỏ; rồng trong tranh dân gian…

Đến thời kỳ hiện đại, rồng vẫn giữ được vị trí quan trọng trong văn hóa Việt Nam. Rồng vẫn được coi là biểu tượng của điềm lành, sức mạnh, quyền lực, may mắn, tài lộc. Hình tượng rồng được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa, thậm chí cả kinh tế như khi Việt Nam được ví như con Rồng châu Á…

Rồng vẫn là hình tượng được chọn để trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ hay được thêu trên bộ áo dài truyền thống. Ở các sự kiện lớn, lễ khai trương, khánh thành thường có biểu diễn múa rồng, với ý nghĩa mang đến sự hân hoan, may mắn và thịnh vượng.

hinh tuong rong trong tam thuc nguoi viet hinh 6
Năm mới Giáp Thìn 2024 được cho sẽ là một năm nhiều may mắn, mang lại những điều tốt lành, thịnh vượng. Ảnh: PLO

Dù đã bước vào thời đại công nghiệp, người Việt Nam vẫn không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được trân trọng. Rồng vẫn luôn là biểu tượng của sự cất cánh, bắt đầu từ giấc mơ của vua Lý Thái Tổ và vùng đất mới Thăng Long. Hình tượng rồng trong cảm thức của đông đảo người Việt hôm nay và mai sau vì thế luôn gắn với những gì đẹp đẽ, phát triển và trường tồn.

Người Việt tin rằng, sự hiện diện của rồng và năm Thìn mang lại sự may mắn, thịnh vượng và thành công trên cả mọi lĩnh vực. Năm mới Giáp Thìn 2024 được cho sẽ là một năm nhiều may mắn, mang lại những điều tốt lành, thịnh vượng đến với mỗi cá nhân, cũng như toàn dân tộc Việt Nam.