Hòa Bình: Hãy trả lại sự tôn nghiêm cho di tích đền Thác Bờ
Tương truyền, đền bà Chúa Thác Bờ thờ hai vị nữ tướng là bà Đinh Thị Vân, người dân tộc Mường và một bà (không rõ tên) người dân tộc Dao. Dưới thời vua Lê Lợi, hai bà đã có công giúp dân và quân vận chuyển lương thực, thuyền bè qua Thác Bờ lên Mường Lễ (Sơn La) dẹp loạn. Sau khi mất, hai bà thường hiển linh giúp người dân an toàn vượt qua con thác nổi tiếng hiểm trở, khắc nghiệt khi sông Đà chưa ngăn dòng. Nhân dân biết ơn nên lập đền thờ hai bà nhằm tỏ lòng thành kính và mong muốn hai bà sẽ phù hộ, che chở cho họ khỏi nguy hiểm khi đi qua dòng nước.
Được xây dựng theo thế nhìn sông, tựa núi với phong cảnh hữu tình, khu di tích đền Thác Bờ được chia làm 2 khu vực, đền bà Chúa Thác Bờ phía tả ngạn nằm trên đỉnh đồi Hang Thần, thuộc xã Vầy Nưa và đền Thác Bờ phía hữu ngạn nằm ở chân Thác Bờ, ngay cạnh sông Đà. Trải qua một số lần trùng tu, xây dựng lại, đền vẫn giữ được những nét độc đáo, đặc trưng. Đền phía tả ngạn có kiến trúc mặt bằng hình chữ đinh, gồm nhà đại bái và nhà hậu cung. Phía trước đền có 5 cửa được lợp bằng mái ngói vảy cá. Cửa chính treo bức đại tự viết bằng chữ Hán. Trên nóc có đắp nổi mặt rồng chầu. Đền phía hữu ngạn gồm 3 gian thờ chính và hậu cung, được xây 2 tầng tựa vào núi. Tầng 1 làm nơi nghỉ trọ cho khách hành hương, tầng 2 là nơi thờ tự các vị thần linh. Trong đền không chỉ thờ bà Chúa Thác Bờ mà còn thờ các vị thần thánh khác như: Công đồng quan lớn, ngũ vị tôn ông, bà chúa Sơn Trang, tứ phủ Thánh Cô, tứ phủ Thánh Cậu, Đức Đại vương Trần Quốc Tuấn, tứ phủ Chầu Bà…
Hàng năm, đền đón nhiều khách du lịch tới thăm quan, ngắm cảnh và tận hưởng không khí trong lành. Lễ hội đền diễn ra từ ngày mồng 7 tháng Giêng, kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch. Để đến đền, người đi lễ hay du khách phải đi 2 chặng, sau tuyến đường bộ là đến chặng đường sông với 3 tuyến đường chính: Từ cảng du lịch Thung Nai, xã Thung Nai (Cao Phong) là cảng gần đền nhất với thời gian di chuyển bằng thuyền máy khoảng 15 phút; từ cảng Bích Hạ, xã Hòa Bình (thành phố Hòa Bình) đến đền với thời gian khoảng 1 tiếng rưỡi; từ bến nước xã Bình Thanh (Cao Phong) đến đền chừng 45 phút.
Thế nhưng, theo quan sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, di tích đền Thác Bờ đang trên bờ vực bị xâm phạm, phá vỡ nghiêm trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan mà còn gây bất cập, lộn xộn cho một địa điểm linh thiêng, vốn phải được bảo tồn. Ngay tại bến tàu, nơi các công ty khai thác dịch vụ tàu thủy đưa du khách sau hành trình đi trên lòng hồ sông Đà đến với điểm di tích Thác Bờ, cảnh tượng toát lên sự nhếch nhác, lộn xộn, thiếu sự quản lý. Nó khiến chốn thanh tịnh trở thành bức tranh nhốn nháo, du khách ăn uống, nghỉ chân không theo bất kỳ quy tắc, luật lệ nào. Tình trạng tự ý xây dựng, chiếm dụng để làm nhà hàng, homestay với sự nhốn nháo, ồn ào của người ghé thăm đã phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản một cách nghiêm trọng.
Điều này khiến dư luận không khỏi thắc mắc, ai là người cấp phép cho các công trình xây dựng này? Trách nhiệm của Ban quản lý di tích đền Thác Bờ cùng các cơ quan chức năng là gì, khi để xảy ra việc xây dựng các công trình phá vỡ cảnh quan như vậy?
Bên cạnh đó, trên suốt đường lên - xuống của đền Chúa Thác Bờ, di tích này xuất hiện nhiều hàng quán bủa vây, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm do rác thải vương vãi.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.KTS Trương Ngọc Lân – Giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng Hà Nội) cho biết: Việc xây dựng lộn xộn xung quanh Khu di tích đền Thác Bờ đang làm ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta về cảnh quan ngôi đền, giảm tính trang nghiêm của ngôi đền và làm hình ảnh của đền bị những công trình xung quanh lấn át. Điều này không hay, tuy nhiên để biết các công trình xung quang đó có sai hay không thì phải xem nó có xâm phạm vùng bảo vệ di tích 1 và 2 được tỉnh phê duyệt hay không. Vì vậy, theo tôi để bảo vệ cảnh quan di tích chúng ta cần làm quy hoạch bảo tồn di tích và quản lý chặt chẽ đúng như quy hoạch.
Phải chăng, ngành Văn hóa Hòa Bình cần phối hợp với các Sở, ban ngành khác đặc biệt là địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nơi có di tích hiểu rõ ý nghĩa, giá trị di tích lịch sử-văn hóa để người dân thấy được trách nhiệm quyền lợi và nghĩa vụ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đồng thời cần tăng cường công tác quản lý đối với các di tích, phát hiện và ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm đến di tích.