1. Trang chủ /
  2. Hoàn thành việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

Hoàn thành việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19

thứ sáu, 10/3/2023 11:39 GMT+07
Đến nay, cả nước đã hoàn thành việc triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ dành cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19

Kịp thời giúp đỡ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Chính phủ đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2021 là kiên quyết thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp năm 2020 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất cần tiếp tục ban hành các chính sách để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Các đối tượng đủ điều kiện nhận hỗ trợ dành cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội đã khảo sát nhanh tình hình tại một số địa phương, tiếp tục rà soát kỹ lưỡng từng chính sách, từng đối tượng không để sót, để thiếu... hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 tập trung vào 2 nhóm đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch COVID-19, chủ yếu là công nhân và người lao động trực tiếp.

Nghị quyết số 68/NQ-CP được ban hành nhanh chóng, kịp thời, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động trước tác động của đại dịch, được người dân, doanh nghiệp, người lao động tích cực ủng hộ thực hiện, qua đó ngày càng tạo được niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác chăm lo, đảm bảo an sinh toàn dân.

Sau hơn 1 năm rưỡi triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, cả nước đã hoàn thành việc thực hiện chính sách.

Cụ thể, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước đã hỗ trợ cho gần 36 triệu lượt người lao động, người dân, xấp xỉ 400.000 đơn vị sử dụng lao động và 508.000 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là khoảng 46.000 tỷ đồng.

Trong đó, theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, với nhóm chính sách về bảo hiểm, 11,8 triệu người lao động đã được hỗ trợ số tiền gần 5.600 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ Bảo hiểm xã hội và Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Đối với nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền, số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy, có 7,2 triệu người và 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng số tiền trên 14.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động hỗ trợ 15,6 triệu người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù với số tiền là 21.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Với nhóm chính sách hỗ trợ cho vay vốn, theo báo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết năm 2022 (thời điểm ngừng giải ngân theo quy định), gần 5.000 tỷ đồng đã được giải ngân, đạt 63,8% kế hoạch theo Nghị quyết 68 (mục tiêu đề ra là hỗ trợ vốn vay 7.500 tỷ đồng). Số tiền này dành cho trên 3.500 lượt người sử dụng lao động vay để trả lương cho 1,2 triệu người lao động.

Đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện có những vướng mắc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai, tuy nhiên đều có sự uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm việc thực hiện các chính sách đúng đối tượng, đúng chế độ, đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức và cá nhân.

Nghị quyết 68 của Chính phủ được xem là quyết sách kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng khẳng định một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 68. Trong đó, việc tổ chức, triển khai thực hiện ở địa phương đôi khi còn khó khăn, thiếu thống nhất.

Ngân sách có nơi còn khó khăn, nguồn vốn có lúc chưa được phân bổ kịp thời, giải ngân hỗ trợ các đối tượng còn chậm. Việc sử dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách vẫn còn hạn chế.

Đánh giá về chất lượng của chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 126 (sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Nghị quyết 68) được thiết kế trong ngắn hạn, đối tượng, điều kiện và tiêu chí áp dụng chỉ áp dụng trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết các mục tiêu đặt ra đến nay đã được đảm bảo. Vì vậy, Bộ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị không gia hạn chính sách đã hết hiệu lực quy định tại 2 nghị quyết.

Đề cập đến 3 địa phương (Cần Thơ, Tài Bình, Bạc Liêu) chưa nhận được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung Ương theo quy định của Nghị quyết 68 nên vẫn còn một số đối tượng chưa nhận được hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết 68, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xem xét, thực hiện. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn của địa phương tiếp tục rà soát để hoàn thành việc chi trả các chế độ cho các đối tượng theo quy định.