Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng
Viện trưởng Viện CL&KHTT TS Nguyễn Quốc Văn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TH
Đây là 1 trong 4 hội thảo khoa học được tổ chức trong khuôn khổ Đề tài Độc lập cấp quốc gia “Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam” do Viện CL&KHTT là đơn vị chủ trì.
Hội thảo với mục đích thu thập, chia sẻ thông tin, quan điểm, nhận thức về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, trực tiếp phục vụ cho việc nghiên cứu đề tài.
Đồng thời nhằm nhận được sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng các nhà khoa học, của các cơ quan chức năng, các cán bộ thực tiễn và người dân trong công cuộc kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam.
Phát biểu dẫn đề, Viện trưởng Viện CL&KHTT TS Nguyễn Quốc Văn cho biết, kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực là việc sử dụng cơ chế, thiết chế, phương thức, biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.
Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013 - 2020 đã nhấn mạnh tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, là một trong những "sản phẩm" của "sự tha hóa" quyền lực, không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng, cho nên phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, "phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế".
Theo đó, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ bằng cơ chế, quyền hạn phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.
Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế để kiểm soát quyền lực trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng, tiêu cực cao.
Kiểm soát quyền lực nhằm PCTN, tiêu cực phải phù hợp với đặc điểm thể chế chính trị của nước ta, tuân thủ đúng các nguyên tắc về tổ chức, hoạt động của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực; tiến hành kiểm soát bên trong và kiểm soát từ bên ngoài đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức vụ, quyền hạn.
Toàn cảnh hội thảo: Ảnh: TH
TS Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh: Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đã có những định hướng lớn về tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm PCTN là sứ mệnh lịch sử khách quan của hệ thống chính trị và người dân.
Các quan điểm lớn của Đảng về hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới đòi hỏi các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần phải có sự quan tâm nghiên cứu thấu đáo, toàn diện về mối liên hệ giữa kiểm soát quyền lực và PCTN làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp tổng thể, chiến lược về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung làm rõ các triết lý, tư tưởng, quan niệm về quyền lực, kiểm soát quyền lực và kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; các đặc trưng lý thuyết của kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong thể chế chính trị Việt Nam.
Thực tiễn vận hành của các cơ chế, thiết chế, phương thức kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam (trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước; trong kiểm soát các thiết chế Nhà nước...) thời gian qua. Qua đó, có một sự định danh hay quy nạp mang tính lý thuyết, có thể làm có sở xây dựng các tiêu chí đánh giá thực trạng và đề xuất quan điểm, giải pháp phù hợp, khả thi nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực nhằm PCTN thời gian tới.
Đồng thời, các tham luận cũng tập trung làm rõ khung lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN ở Việt Nam, bao gồm: Khái niệm, đặc điểm, chủ thể, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; sự cần thiết kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; thiết chế, cơ chế, mô hình kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; những yếu tố tác động, điều kiện bảo đảm kiểm soát quyền lực nhằm PCTN; tổng hợp kinh nghiệm kiểm soát quyền lực nhằm PCTN trong lịch sử Việt Nam; mô hình, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực nhằm PCTN và rút ra những giá trị tham khảo đối với Việt Nam.
Hội thảo cũng nhận được những chia sẻ, thống nhất nhận thức khi tiếp cận phạm vi kiểm soát quyền lực nhằm PCTN phải được thực hiện trong cả hai khu vực công và tư; tiếp cận kiểm soát quyền lực theo hướng chủ thể kiểm soát luôn có thể là đối tượng bị kiểm soát và tiếp cận các cơ chế kiểm soát hiện có bao gồm cơ chế kiểm soát của Đảng, cơ chế kiểm soát của Nhà nước và cơ chế kiểm soát của xã hội; phải tiếp cận các phương thức kiểm soát bên trong - bên ngoài hệ thống; kiểm soát cứng - kiểm soát mềm; tiền kiểm - hậu kiểm; kiểm soát quyền trong ban hành chính sách và quyền trong thực thi chính sách; kiểm soát bằng công nghệ 4.0...