1. Trang chủ /
  2. Hoàn thiện dự thảo về đấu giá biển số xe trên tinh thần ích nước, lợi dân

Hoàn thiện dự thảo về đấu giá biển số xe trên tinh thần ích nước, lợi dân

thứ bảy, 10/9/2022 08:54 GMT+07
(PLM) - Trong quá trình góp ý hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, nhiều ý kiến đồng tình nhất trí việc cấp biển số đẹp thông qua tổ chức bán đấu giá vừa đáp ứng được nhu cầu của tổ chức, cá nhân, tạo sự công bằng cho các chủ thể có nhu cầu và cũng là một kênh để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Dự thảo với nhiều điểm có lợi hơn cho người trúng đấu giá

Bộ Công an là đơn vị được giao chủ trì việc xây dựng dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá.

Theo dự thảo, giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá tại Hà Nội và TP HCM là 40 triệu đồng, các địa phương còn lại là 20 triệu đồng. Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe (khi chưa làm thủ tục đăng ký, người trúng đấu giá chỉ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng biển số trúng đấu giá).

Cơ quan đăng ký xe có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi được sử dụng không đúng quy định của pháp luật. Theo đó, người trúng đấu giá biển số được quyền sử dụng biển số trúng đấu giá. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu. Người trúng đấu giá cũng được quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe.

Tuy nhiên, người trúng đấu giá không được chuyển nhượng riêng biển số trúng đấu giá, mà phải chuyển nhượng kèm theo xe. Còn người được chuyển nhượng xe có gắn biển số trúng đấu giá không được quyền giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác.

Trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu thì biển số được bán cho người đó. Số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỉ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Đây được xem là điểm mở, tạo điều kiện sử dụng hơn cho người đấu giá khi mà Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành chỉ xác định biển số "là tài liệu của cơ quan Nhà nước" mà chưa coi như tài sản cá nhân.

Hoàn thiện khung pháp lý để sớm triển khai thực tế

Bộ Công an xây dựng dự thảo với tinh thần người trúng đấu giá được hưởng đầy đủ các quyền (quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt), còn người được chuyển giao sẽ bị hạn chế một phần. Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho rằng, trước nay nhiều người dân đã quá quen với khái niệm biển đẹp phải là "tứ quý", "ngũ quý", "tiến đều", "lộc phát", "phát lộc". Với nhiều người, "số đẹp là số tôi thích, là số của riêng tôi". Vì thế, cơ quan soạn thảo đã xây dựng quy định người tham gia đấu giá được lựa chọn bất kỳ biển số nào trong kho số đấu giá của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để tham gia đấu giá trực tuyến nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong cuộc họp thẩm định dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Bộ Công an làm rõ 3 kho số: Kho số chưa được đăng ký, kho số đấu giá và kho số không đấu giá.

Mục tiêu chính của nghị quyết thí điểm là tăng cường quản lý Nhà nước, tăng thu ngân sách nên cần quản lý chặt phương tiện trên từng địa bàn, không làm ảnh hưởng tới việc đăng ký biển số xe theo thủ tục thông thường. Đặc biệt, lưu ý cần kiểm soát chặt quyền lợi gắn với biển, quyền lợi biển gắn với xe để tránh tình trạng một người tham gia đấu giá nhiều biển đẹp, rồi mua xe, gắn biển đẹp rồi bán cho người có nhu cầu.

"Cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ căn cứ giá khởi điểm, theo dự thảo nghị quyết là 20 triệu và 40 triệu, nhưng Luật Đấu giá quy định giá cọc là giá khởi điểm, mà cọc thấp thì nguy cơ bỏ cọc là hiện hữu, rồi sau đó chúng ta lại phải tổ chức đấu giá lại, tốn kém chi phí và gây dư luận không tốt" - Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đặt vấn đề.

Trên thực tế, năm 1993, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an TP Hải Phòng nghiên cứu và tổ chức thí điểm đăng ký, cấp biển số, thu lệ phí biển số xe tự chọn. Đến năm 2008, công an một số địa phương như: Bình Dương, Nghệ An, Hà Nội, Khánh Hòa, Kiên Giang, Tiền Giang, Bắc Ninh, Sơn La đã báo cáo, xin ý kiến Bộ Công an về việc đấu giá biển số xe. Sau khi trao đổi thống nhất với các Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép đấu giá biển số xe. Qua thí điểm đấu giá cho thấy số tiền thu về cho ngân sách rất lớn. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ sở pháp lý nên Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm dừng việc đấu giá biển số.

Việc xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá lần này là rất cần thiết để đảm bảo các quy định pháp lý chặt chẽ hơn, đảm bảo được quyền lợi tối đa của người trúng đấu giá biển số xe, và cũng là nguồn bổ sung cho ngân sách Nhà nước.