1. Trang chủ /
  2. HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM: Giải quyết hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác

HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM: Giải quyết hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác

thứ hai, 8/8/2022 08:36 GMT+07
(PLM) - Theo đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, (Bộ Tư pháp), trong thực tiễn, vẫn còn một số vấn đề pháp lý liên quan đến xác định quyền ưu tiên của bên nhận bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để bảo vệ và giải quyết hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu cung ứng vốn phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Ảnh minh họa

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (ĐKQGGDBĐ), Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn quốc tế tốt nhất trong điều chỉnh quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản”.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện VNBA tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, tín dụng ngân hàng được sử dụng như một đòn bẩy, một động lực to lớn trong việc phát triển nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, hoạt động cấp tín dụng thường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó, các biện pháp bảo đảm được áp dụng tương đối phổ biến để phòng ngừa và dự phòng rủi ro. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, biện pháp bảo đảm không phải là điều kiện bắt buộc khi cấp tín dụng, nhưng là một trong các yếu tố quan trọng để tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá, quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho số tiền vay.

Cũng theo ông Minh, trong những năm qua, pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã được Nhà nước quan tâm, không ngừng hoàn thiện và đã hướng dần theo thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại gây khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình xử lý TSBĐ, có thể còn phát sinh mối quan hệ với chủ thể khác có quyền trong giao dịch có đối tượng là tài sản được dùng để bảo đảm, chủ thể được bồi thường thiệt hại, cơ quan thuế...

“Có thể thấy, trên cùng một tài sản có thể có nhiều mối quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác. Các mối quan hệ pháp lý này có thể phát sinh các tranh chấp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm là các TCTD...”- Đại diện VNBA phân tích và khẳng định: việc điều chỉnh mối quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng một tài sản là một phương thức giúp các TCTD hạn chế các rủi ro.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục ĐKQGGDBĐ nhấn mạnh, qua công tác xây dựng thể chế cũng như qua thực tiễn, TSBĐ không chỉ đơn giản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà nó còn là hàng hóa và là đối tượng của nhiều giao dịch hàng hóa khác, đối tượng quản lý của nhà nước. TSBĐ cũng có thể là đối tượng tranh chấp không chỉ trên lãnh thổ Việt Nam mà còn ở lãnh thổ quốc tế, thẩm quyền tài phán không chỉ thuộc tòa án, trọng tài Việt Nam mà còn thuộc tòa án, trọng tài quốc tế. Bên cạnh đó, có thể có nhiều chủ thể xung đột lợi ích với bên nhận bảo đảm. Để xử lý mối quan hệ như trên đòi hỏi có cơ chế pháp lý đa dạng.

“Khi hạn chế quyền chủ thể này để xác lập quyền chủ thể khác thì cơ chế phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử, đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế và giữ các quyền cho các bên...”- Ông Hải khẳng định và cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã rất cố gắng để xây dựng thể chế để giải quyết hài hòa các lợi ích xung quanh TSBĐ, cố gắng đem lại quyền lợi và hạn chế rủi ro cho bên nhận bảo đảm. Tuy nhiên, cho đến nay, về cơ bản chúng ta mới giải quyết được mối quan hệ giữa các bên nhận bảo đảm với nhau, giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ khác chưa có hệ thống nhất quán mà giải quyết tùy từng quan hệ dẫn tới nhiều trường hợp xung đột pháp lý với nhau...

Tại buổi hội thảo, đại diện Cục ĐKQGGDBĐ đã khái quát quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về quan hệ pháp lý giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác trên cùng

một TSBĐ.

Theo đại diện Cục ĐKQGGDBĐ, xử lý mối quan hệ pháp lý về quyền và lợi ích giữa bên nhận bảo đảm với các chủ nợ, người có quyền khác xác lập trên TSBĐ, trong đó có quyền ưu tiên là một nội dung đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực thi quyền của bên nhận bảo đảm.

Chính vì vậy, các nhà lập pháp Việt Nam luôn quan tâm đến việc hoàn thiện khung pháp lý về nội dung này. Tuy nhiên, trong thực tiễn, vẫn còn một số vấn đề pháp lý liên quan đến xác định quyền ưu tiên của bên nhận bảo đảm cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện để bảo vệ và giải quyết hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của bên nhận bảo đảm với các chủ thể khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu cung ứng vốn phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

 (Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 220 ra ngày 8/8/2022)