Hoàn thiện 'lá chắn' pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường phát triển nhưng sản phẩm chưa đa dạng
Thông tin tại Hội thảo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) do Trường Đại học Luật Hà Nội phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển tổ chức cuối tuần qua, TS. Tạ Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, tính đến ngày 10/8/2023, TTCKPS tròn 6 năm hoạt động. Thị trường đã có bước tăng trưởng tốt và ổn định, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư (NĐT) tham gia, góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK, thị trường tài chính Việt Nam.
Con số về quy mô thị trường và thanh khoản của sản phẩm Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số VN30 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng bình quân 38,65%/năm trong giai đoạn 2018 - 2022. Trong đó, năm 2020 được ghi nhận có tốc độ tăng trưởng cao nhất (79,9%). Năm 2022 tăng 43,8% so với năm 2021, tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Dù 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch bình quân đạt 225.178 hợp đồng, giảm 17,41% so với năm 2022, nhưng vẫn là mức giao dịch bình quân năm cao thứ nhì chỉ sau năm 2022.
Cũng theo TS. Tạ Thanh Bình, TTCKPS đã từng bước trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro cho NĐT. Trong giai đoạn thị trường giảm mạnh do tác động của cuối đại dịch COVID-19 năm 2022, thanh khoản TTCKPS (HĐTL trên chỉ số VN30) ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân tăng mạnh 43,8% so với năm 2021.
Hai yếu tố đóng góp vào thành công của TTCKPS được ông Tạ Thanh Bình nhắc tới là hệ thống pháp luật, quy chế nghiệp vụ ngày càng hoàn thiện và hạ tầng công nghiệ thông tin vận hành thông suốt, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của TTCKPS nói chung và sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 nói riêng còn có những tồn tại, hạn chế như: Đối tượng tham gia thị trường chủ yếu là NĐT cá nhân (dù tỷ trọng này đã giảm từ gần 99% giai đoạn đầu xuống còn 86% giai đoạn cuối năm 2019 và 67% hồi cuối tháng 7/2023), song điều này cho thấy tăng trưởng của thị trường tiềm ẩn rủi ro, phát triển không bền vững; Sản phẩm trên thị trường chưa đa dạng, chỉ có 03 sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 và HĐTL trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 05 và 10 năm trong đó các HĐTL TPCP chưa thành công, thanh khoản thấp và thậm chí không thanh khoản.
“Vì vậy, NĐT tập trung vào giao dịch một sản phẩm là HĐTL chỉ số VN30 khiến giao dịch sản phẩm có nhiều biến động bất thường thời gian qua, đặc biệt là vào các phiên đáo hạn. Điều này đặt ra yêu cầu cần thiết có thêm các sản phẩm phái sinh khác trên chỉ số…” - bà Bình phân tích.
Tiềm ẩn rủi ro pháp lý
Tại Hội thảo, các ý kiến chuyên gia đã chỉ ra một loạt rủi ro tiềm ẩn của TTCKPS, đặc biệt là rủi ro pháp lý như: Tình trạng phá sản mất khả năng thanh toán của chủ thể tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh (CKPS);Văn bản giao dịch CKPS; Đại diện và ủy quyền đại diện trong giao dịch CKPS; Tính hợp pháp và khả năng thực hiện các giao dịch CKPS đã được ký kết; Tranh chấp trong giao dịch CKPS…
Theo GS.TS Lê Hồng Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Pháp luật và Phát triển, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) lưu ý trong tất cả các rủi ro với thị trường, rủi ro đáng sợ nhất là rủi ro pháp lý. Dẫn khoản 9 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định về CKPS, ông Hạnh cho rằng pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ xác định có 3 loại CKPS (Hợp đồng quyền chọn, HĐTL, Hợp đồng kỳ hạn). Tuy nhiên, các định nghĩa về 3 loại CKPS này chưa thực sự hoàn toàn chính xác so với các định nghĩa trong pháp luật CKPS Mỹ và Trung Quốc xét về nội hàm. “Định nghĩa như vậy là khá đơn giản và chưa loại bỏ được yếu tố rủi ro của TTCKPS khi giá trị của CKPS rung và bản thân thị trường cũng rung lắc từng giờ” - GS.TS Lê Hồng Hạnh đánh giá.
Ông Lê Hồng Hạnh cũng thẳng thắn khi cho rằng, xét về nội dung điều chỉnh thì pháp luật Việt Nam hiện hành chưa thể tạo được nền tảng cho việc phát triển TTCKPS.
“Luật Chứng khoán 2019 điều chỉnh thị trường chứng khoán truyền thống với chỉ 11 lần nhắc đến CKPS, một lần nhắc đến TTCKPS. Hầu như chưa có quy định cụ thể nào trong Luật có thể tạo ra được đặc thù điều chỉnh loại CKPS dù đó là HĐTL, quyền chọn hay hợp đồng kỳ hạn” - GS.TS Lê Hồng Hạnh nói, đồng thời cho rằng phạm vi điều chỉnh của pháp luật về CKPS được xác định cần trả lời cho các câu hỏi: CKPS được hình thành từ những tài sản nào? Tài sản nào là cơ bản? Quan hệ nào phát sinh từ giao dịch liên quan đến tài sản cơ bản được coi là quan hệ giao dịch CKPS? Luật nào điều chỉnh các quan hệ giao dịch CKPS? Quan hệ giao dịch CKPS có chịu sự áp dụng của pháp luật nước ngoài theo nguyên tắc trị ngoại lãnh thổ?
“Đã đến lúc gỡ bỏ han chế, xây dựng Luật đủ sức kiểm soát rủi ro, tận dụng những lợi ích của TTCKPS, nhưng không để nó thành công cụ hủy duyệt hàng loạt…” - GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.
Theo TS. Đoàn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, TTCKPS đi vào hoạt động với phiên giao dịch đầu tiên là sản phẩm HĐTL chỉ số VN30 là sự kiện quan trọng của TTCK Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN và thứ 42 trên thế giới có TTCKPS. Đây là những con số rất ấn tượng thể hiện vị thế của Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Mặc dù là bộ phận thị trường mới, sự ra đời của CKPS, sự phát triển của TTCKPS nhằm hình thành đầy đủ các bộ phận thị trường chứng khoán, đồng thời tạo ra công cụ phòng ngừa rủi ro đối với NĐT và là tiền đề thuận lợi cho quá trình huy động và khơi thông các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây cũng là kết quả của Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2011 - 2020, hiện thực hoá Đề án xây dựng và phát triển TTCKPS Việt Nam tại Quyết định 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Các văn bản pháp luật về CKPS và TTCKPS được ban hành nhằm xây dựng khuôn khổ pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của thị trường này, đồng thời ghi nhận ở mức độ cao hơn tại Luật Chứng khoán 2019. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, do thị trường chứng khoán ở Việt Nam còn mới, hàng hoá và mức độ sôi động của giao dịch trên thị trường còn giới hạn. Do đó, việc đánh giá thực tiễn pháp lý ở Việt Nam, có tính tới những vấn đề kinh tế pháp lý trên phạm vi thị trường toàn cầu là cần thiết.