Học sinh các lớp đầu cấp đều tăng, Hà Nội giải bài toán thiếu trường lớp thế nào?
Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2023 - 2024, học sinh các lớp đầu cấp tại Hà Nội đều tăng, đặc biệt là học sinh lớp 6.
Dự kiến trong năm học tới, số lượng tuyển sinh mẫu giáo 5 tuổi khoảng 157.000 trẻ; tuyển vào lớp 1 khoảng 156.200 học sinh (tăng 11.400 em); tuyển sinh vào lớp 6 khoảng 188.450 học sinh (tăng 38.500 em). Số lượng tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT tăng gần 110.000 học sinh so với năm học 2022- 2023.
Trong bối cảnh thiếu trường lớp trầm trọng, sĩ số học sinh cao, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 136/KH-UBND về xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại theo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025".
Kế hoạch có nhiều nội dung, trong đó đáng chú ý là việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô đào tạo của 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại làm cơ sở lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, nhiệm vụ thiết kế.
Việc lập, thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, đề xuất phân kỳ đầu tư nhằm bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư của các dự án, phù hợp với khả năng bố trí vốn của ngân sách thành phố, ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình phục vụ học tập.
Kế hoạch cũng bao gồm nội dung tổ chức việc thi tuyển phương án kiến trúc tuân thủ đúng quy trình, quy định hiện hành; lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của các dự án, làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư; triển khai đầu tư 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại và hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng bảo đảm tiến độ, chất lượng, quy định về quản lý đầu tư xây dựng.
Để hoàn thành tốt các nội dung này, UBND thành phố giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện liên quan tham mưu, trình UBND thành phố phê duyệt tiêu chuẩn cơ sở vật chất, quy mô đào tạo của 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại. Đối với những tiêu chuẩn cao hơn so với quy định hiện hành, Sở GD&ĐT xin ý kiến Bộ GD&ĐT trước khi trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt.
Sở GD&ĐT tạo chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, các đơn vị, địa phương liên quan thống nhất xây dựng cơ chế quản lý, mô hình tổ chức, cách thức vận hành, tuyển dụng, lựa chọn lãnh đạo quản lý và giáo viên.
Trước đó, theo kế hoạch dự thảo được công bố để lấy ý kiến nhân dân từ ngày 28/3 của UBND TP Hà Nội, Hà Nội dự kiến xây 7 trường liên cấp "tiên tiến, hiện đại". 7 trường này dự kiến đặt tại quận Hà Đông và huyện Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất.
Mỗi trường liên cấp có tối đa 68 lớp, trong đó tiểu học 20 lớp, THCS và THPT mỗi cấp 24 lớp. Ngoài khu phòng học và các phòng thiết yếu, các trường sẽ có sân thi đấu trong nhà, sân tập võ, aerobic, cầu lông, sân tennis, bóng rổ, bóng đá, bể bơi, phòng gym, yoga, phòng sáng tạo nghệ thuật, khu cắm trại và hoạt động ngoài trời.
Theo dự thảo, mỗi trường cần 130 giáo viên, 44 nhân viên. Để quản lý và vận hành 68 lớp học, ban giám hiệu các trường này sẽ có 5 thành viên, trong đó một hiệu trưởng, một hiệu phó phụ trách chung, mỗi hiệu phó còn lại quản lý một cấp học.
Giữa năm 2022, Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất cải tạo và sửa chữa 123 trường học thuộc quản lý của Sở, từ nay đến 2025. Ngoài ra, thành phố cần xây thêm 16 trường, gồm 7 trường liên cấp. Tổng mức đầu tư cho 139 dự án này là 8.526 tỷ đồng, từ ngân sách thành phố.