1. Trang chủ /
  2. Học thật, thi thật và cần sách giáo khoa thật

Học thật, thi thật và cần sách giáo khoa thật

thứ ba, 14/9/2021 21:36 GMT+07
(PLM) - Qua dư luận và hoạt động thực tiễn giảng dạy, nhiều cơ quan ngôn luận, giáo viên, phụ huynh học sinh phát hiện ra nhiều lỗi sơ đẳng trong sách giáo khoa (SGK) đang đặt ra câu hỏi ai phải chịu trách nhiệm cho việc này?

Thẩm định sơ sài?

Theo quy định tại Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT thì những thành viên Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (HĐQGTĐ SGK) phải “có phẩm chất đạo đức, tư tưởng tốt, có đủ sức khoẻ và thời gian tham gia thẩm định sách giáo khoa; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được thẩm định; đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa hoặc có ít nhất ba năm trực tiếp dạy học ở cấp học có sách giáo khoa được thẩm định”.

Như vậy, các thành viên của HĐQGTĐ SGK là những người có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn đảm bảo việc thẩm định một bộ sách giáo khoa theo đúng chuyên ngành của họ.

SGK Tiếng Việt 1 tập một, Tổng chủ biên không hiểu vì vô tình quên hay cố ý đã không dạy viết chữ hoa trong SGK dù chương trình 2018 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Mọi người đều tin rằng, hơn ai hết, trước khi vào thẩm định một bộ sách, họ phải đọc kỹ và hiểu thấu đáo các căn cứ pháp lý và những tiêu chí chuyên môn để tiến hành công tác thẩm định. Những căn cứ pháp lý và căn cứ quy định về khung chương trình từng môn học ở từng cấp học và ở mỗi khối lớp theo từng môn học đã được quy định cụ thể tại Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Thông tư 32/2018/ TT-BGD & ĐT).

Các quy định ghi trong Thông tư 32 chính là căn cứ pháp lý để cả người biên soạn sách giáo khoa và HĐQGTĐ SGK tuân theo khi tiến hành công vụ.

Vậy mà, trên thực tế, SGK Tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức và cuộc sống đã có những lỗi hết sức nghiêm trọng mà đã được HĐQGTĐ SGK làm ngơ cho qua. Đó là ngay trong SGK Tiếng Việt 1 tập một, Tổng chủ biên không hiểu vì vô tình quên hay cố ý đã không dạy viết chữ hoa trong SGK dù chương trình 2018 đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Hiện nay, dư luận đang phê phán gay gắt việc PGS-TS Bùi Mạnh Hùng đã tự ý gọt giũa, chế tác lại truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, khiến tác phẩm bị biến dạng, với câu chữ vô cảm, lạnh lùng. Bài học Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh - giờ là của PGS-TS Bùi Mạnh Hùng đã bị xử lý tàn bạo đến nỗi dứt hồn ra khỏi xác. Phi nội dung, phi nghệ thuật - đó là nhận xét của tất cả những ai đã đọc và học tác phẩm của nhà văn Thanh Tịnh. Được biết, đây là bài học của lớp 3 hiện hành, được Tổng chủ biên PGS -TS Bùi Mạnh Hùng lôi tuột xuống lớp 1, theo kiểu cố “cắt chân cho vừa giày” nên mới tạo ra sự phi lý này. Bởi vậy, “Tôi đi học” của Thanh Tịnh vào dạy ở lớp 1 là hoàn toàn không phù hợp với lứa tuổi, trình độ của các em nhỏ mới vào năm học đầu tiên của bậc phổ thông.

“Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh, khiến tác phẩm bị biến dạng, với câu chữ vô cảm, lạnh lùng.

Không chỉ vậy, thời gian qua, các cơ quan ngôn luận, các nhà giáo, nhà chuyên môn... còn phát hiện ra nhiều lỗi về giáo dục nhân cách cho trẻ em trong bộ sách này. Đó là dạy các em những mơ ước hão huyền, cứ thấy vàng là lấy để mua sắm mọi thứ mà mình thích, không cần biết đến nguồn gốc tiền vàng ấy ở đâu ra (trang 17, 18 SGK TV2 tập 1 “Niềm vui của Bi và Bống” ). Không những vậy, sách còn dạy học sinh an phận, không cần phấn đấu vươn lên vì số phận đã an bài (trang 96, sgk TV2 tập 1, “Chúng mình là bạn”. Đó còn là lỗi dạy học sinh ăn tham và láu cá vặt( trang 174, sgk TV2 bài tập “Ăn gì trước”). Đặc biệt hơn cả là sách giáo khoa Tiếng Việt tập 1 (trang 128, 129 - trong phần bài tập), có một bài thơ và hai bức tranh thể hiện rõ định kiến về giới. Đó là điều tối kỵ không được phép thể hiện, nhất là trong SGK.

Các thành viên trong HĐQGTĐ SGK hẳn đã đọc kỹ về “điều kiện tiên quyết đối với SGK quy định rất cụ thể, nghiêm cấm SGK đưa ngữ liệu, hình ảnh…định kiến về giới. Vậy tại sao một lỗi tày trời như vậy mà HĐQGTĐ lại nhắm mắt làm ngơ cho qua?

Bất chấp quy định, ai phải chịu trách nhiệm?

Dư luận chưa hết bất ngờ sau những lùm xùm quanh bài thơ dở in trong SGK Ngữ Văn 6 tập một bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, ngay sau đó bỗng phát hiện ra một loạt sai phạm trong cuốn sách giáo khoa này. Theo định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì ở cấp Trung học cơ sở (THCS) bộ môn Ngữ văn phải dạy các loại tác phẩm văn học và các loại văn bản. Chương trình cũng quy định rõ ở lớp Sáu học sinh học các thể loại văn học nào. Những quy định này mang tính pháp lý mà từ cá nhân đến tổ chức biên soạn hay thẩm định sách giáo khoa đều phải nghiêm túc chấp hành. Tuy nhiên sách Ngữ Văn 6 tập một đã cố từng không thực hiện điều này.

Trách nhiệm để sách giáo khoa xuất hiện nhiều lỗ sơ đẳng, cẩu thả thuộc về ai? (ảnh minh họa)

Đối chiếu Thông tư 32/2018/TT-BGD&ĐT, thì Tổng chủ biên Bùi Mạnh Hùng bất chấp Bộ GD&ĐT, làm sai lệch Chương trình Ngữ văn 6, tự ý xây dựng bộ sách dạy theo nội dung các ngữ liệu văn học theo chủ điểm giống như dạy tập đọc ở Tiểu học, chứ không dạy theo thể loại như chương trình yêu cầu. Mỗi bài học có đến 6, 7 câu hỏi gợi ý nhưng tuyệt nhiên không có câu hỏi nào gợi ý để học sinh nhận biết được thể loại tác phẩm văn học.

Đơn cử : chương trình yêu cầu giới thiệu thơ lục bát, thì Tổng chủ biên lại đưa rất nhiều bài thơ thể tự do , đặc biệt là thơ năm chữ vào dạy, không những vậy, lại chọn bài phản cảm, bài thơ dở Bắt nạt vào dạy (không đúng quy định của Chương trình). Đặc biệt, thể loại tuỳ bút được quy định dạy ở lớp Bảy thì lại đưa bài tuỳ bút “Cây tre Việt Nam“ của Thép Mới vào sách.

Trong bài trả lời phỏng vấn gần đây của PV Vanvn.vn, PGS-TS Bùi Mạnh Hùng lại cho rằng: đây là đổi mới, đây là tích hợp và đổ vấy cho dư luận, xã hội đang thiếu cởi mở khi tuyên bố rằng, “nếu xã hội thiếu cởi mở, cái mới dễ bị cái cũ lấn át” (!?!).

Với những lỗi to tày trời mang tính hệ thống suốt từ SGK tiếng Việt lớp 1, lớp 2 và sách Ngữ văn lớp 6 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống như vậy mà Hội đồng quốc gia thẩm định cho qua, đó là điều không thể hiểu nổi?

Câu hỏi đặt ra là, Bộ GD&ĐT và HĐQGTĐ tại sao lại không thể chọn ra một Tổng chủ biên có năng lực chuyên môn và uy tín cá nhân, uy tín xã hội để làm SGK không? Và, năng lực của HĐQGTĐ sự có phát huy được không ?

Nếu cứ tình trạng này, liệu các năm sau học sinh có tiếp tục là “nạn nhân” của sự thí điểm “cách tân”, “đổi mới”, xé rách ý tưởng, chắp nối nội dung?.

Dư luận đặt ra câu hỏi, HĐQGTĐ SGK đã làm hết trách nhiệm của mình được quy định tại Thông tư 33/2017/TT- Bộ GD & ĐT chưa, khi để lọt những ấn phẩm chất lượng không tốt vào dạy trong trường phổ thông.

Chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi sự đổi mới cần phải tuân theo pháp luật. Chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ký ban hành còn nguyên hiệu lực. Mọi hành vi làm trái các quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đều có thể được coi là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Việc xử lý những sai phạm về SGK của bộ sách Kết nối rất cần sự vào cuộc nghiêm khắc tức thời và đầy trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

(Bài viết theo quan điểm và góc nhìn của tác giả)