Hơn 12 năm “cõng điện”, mang rạp chiếu phim lên núi dành tặng bản làng khó khăn
Hơn 12 năm làm thiện nguyện
Sinh ra trong một gia đình khó khăn, thuở bé anh Hồ Hoàng Liêm (SN 1989, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) luôn quen thuộc với hình ảnh cùng bạn bè xếp hàng để được phát đồ chơi, đồ ăn từ thiện. Năm 2009, anh Liêm bắt đầu tham gia những chuyến đi tình nguyện lên vùng cao và bắt đầu biết thêm nhiều câu chuyện vất vả, khó khăn của trẻ em vùng núi.
Sau đó, anh Liêm quyết định cùng những người bạn thành lập Câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Ban đầu, cả nhóm làm mọi việc như đi bán kẹo, hoa, tổ chức các đêm nhạc đường phố để gây quỹ, trải qua 5 năm hoạt động, ngoài việc trích lương làm từ thiện, nhóm dần có thêm những mạnh thường quân hỗ trợ tìm đến các điểm trường vùng sâu, vùng xa để lắp điện mặt trời, máy lọc nước, tạo sân chơi cho trẻ em…
Ý tưởng lập rạp chiếu phim lưu động xuất hiện khi anh Liêm bắt gặp ánh mắt ngỡ ngàng của những đứa trẻ vùng cao khi nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, ô tô trong chiếc điện thoại của anh.
“Có một ước mơ nhỏ mà tôi ấp ủ khi tôi lên vùng cao, tiếp xúc với những đứa trẻ nơi đây, chúng không biết gì ngoài ruộng đồng, con suối và mái nhà lá... Mong muốn có thể cho chúng nhìn ra bên ngoài thế giới, để thấy thế giới bao la và đẹp đẽ biết nhường nào bằng internet với màn hình kết nối máy tính, để bọn trẻ cố gắng phấn đấu, học hỏi và trải nghiệm tốt hơn để một ngày đủ lớn, chúng sẽ ấp ủ ước mơ bay cao và xa hơn”, anh Liêm nói.
Kể từ ngày đưa ra ý tưởng ấy, tới thời điểm hiện tại, anh Liên cùng các đồng đội trong Câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng đã “cõng” tới 5 rạp chiếu phim lên núi và rạp thứ 6 đang sẵn sàng.
Khoảng năm 2014, anh Liêm bắt đầu tiến xa hơn với việc kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ lắp đặt điện mặt trời cho các bản làng xa xôi, hẻo lánh. 17 trạm pin mặt trời lần lượt thắp sáng các bản làng miền núi từ Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định… Chia sẻ về những lần đi bộ cõng pin mặt trời lên núi, anh Liêm cho biết rất vất vả nhưng khi nhìn thấy khoảnh khắc điện bật sáng giữa bản làng thì mọi mệt mỏi đều đổi lại niềm hạnh phúc.
Mang niềm vui tới những bản heo hút
Anh Liêm cho biết, tại vùng cao, nhiều học sinh ở xa, phải vượt qua nhiều ngọn đồi, núi để đến trường, quãng đường thậm chí 10km, 20km nên bắt buộc phải học nội trú tại trường. Các bé thường xuyên bỏ học vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ.
“Tôi sẽ dùng rạp chiếu phim trên núi này, ngay tại trường các em học, đầu bên kia sẽ đặt tại nhà trưởng thôn, hay ngôi trường nhỏ hơn là điểm kết nối tập trung của phụ huynh, như vậy thì cuối tuần vào mỗi giờ sinh hoạt, con cái có thể gọi nói chuyện với phụ huynh, mặt nhìn mặt với nhau qua các ứng dụng như Mesenger, Zalo... khi được kết nối 3G”, anh Liêm nói.
Trong quá trình mang niềm vui tới những bản làng heo hút, anh Liêm chia sẻ có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, trong đó có những hành trình tới với những bản làng biệt lập.
“Rạp chiếu phim trên núi số 2 tại Trường tiểu học Canh Liên (vùng Trũng làng Canh Tiến, xã Canh Liên huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) là ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng, lối đi vào làng là đi đò qua Hồ Núi Một dài khoảng 10km. Làng Canh Tiến có 1 trường mẫu giáo với 43 trẻ và 1 trường tiểu học 55 học sinh, bà con ở đây chủ yếu là người Ba Na và Chăm”, anh Liêm chia sẻ.
Anh Liêm cho biết, ngôi làng sinh sống tự cung tự cấp, ngoài ra thi thoảng sẽ có những tạp hoá tạm từ bên ngoài đi đò vào bán cho người dân. Không điện lưới, sóng điện thoại chập chờn, uống nước hồ, không chợ búa, không bệnh viện thuốc men... Các thầy cô đi dạy phải gùi theo đồ ăn để nấu nướng xuyên suốt 1 tuần. Bên cạnh rạp số 2, rạp số 4 là một trong 2 chương trình khó, xa và nguy hiểm nhất trong 12 năm qua.
Dù nhiều khó khăn nhưng anh Liêm cho hay: “Chứng kiến cảnh lần đầu tiên các con được coi bộ phim hoạt hình, sung sướng khi được nhận món đồ chơi, chiếc cặp sách mới thơm tho... bao khó khăn mệt mỏi trong anh em chúng tôi đều tan biến”.
“Có những rạp chiếu phim trên núi mà cái phong cảnh phía sau nó hùng vĩ đẹp và thơ hơn đến nao lòng, ở đây chúng tôi nhìn thấy những tuổi thơ mình đã từng, có những mãnh đời chưa may mắn, đầu trần chân đất, mặt mũi lem luốc hồn nhiên và ngây ngô đến lạ, thế giới này không màng đến chuyện ngày mai”, anh Liêm xúc động.
Cùng với tặng màn hình máy chiếu phim và lắp đặt pin năng lượng mặt trời, suốt 12 năm qua anh Liêm cùng các thành viên trong câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng đã thực hiện rất nhiều chuyến thiện nguyện tặng hàng chục ngàn áo ấm cho học trò vùng cao từ Tây - Đông Bắc cho đến các tỉnh miền Trung, hỗ trợ kết nối phẫu thuật sứt môi hở hàm ếch cho trẻ nhỏ, hỗ trợ đồng bào lũ lụt, tặng cây con giống cho người nghèo…