Hơn 500 diễn viên tham dự Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer
Tham dự liên hoan, có hơn 500 diễn viên của 13 đơn vị nghệ thuật, trong đó, các đoàn nghệ thuật công lập trong khu vực ĐBSCL, gồm Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau, Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) đều tham gia.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa, tư nhân, đội văn nghệ quần chúng đến từ Trà Vinh, Sóc Trăng và Cà Mau.
Tại liên hoan lần thứ hai, có 13 vở diễn của các đơn vị được giới thiệu. Mỗi đơn vị sẽ biểu diễn từ các vở tuồng dù kê mang đề tài dân gian, lịch sử hoặc hiện đại từ 90 -130 phút. Nội dung của tuồng biểu diễn ca ngợi truyền thống vẻ vang của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người. Những anh hùng kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc. Giáo dục lịch sử văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong quần chúng nhân dân.
Phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan, ông Lê Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, nghệ thuật Sân khấu Dù kê ra đời vào những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người Khmer ở Nam Bộ. Trải qua hơn 01 thế kỷ hình thành và phát triển, Nghệ thuật Sân khấu Dù kê đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều phương diện, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
Loại hình nghệ thuật này đã tiếp thêm sức mạnh, tinh thần để con người vượt qua những khó khăn trong cuộc sống; giáo dục, bồi dưỡng các giá trị nhân văn cho con người; tạo sự gắn kết giữa các cá nhân, các dân tộc trong xã hội; góp phần phục vụ công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc; tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Đại diện cho Đội văn nghệ quần chúng Khmer chùa Xoài Xiêm Thmây, Đại đức Thạch Nhứt phấn khởi cho biết, đến với Liên hoan lần này có giải hay không không quan trọng, chủ yếu để giao lưu học hỏi kinh nghiệm và góp phần bảo tồn nghệ thuật sân khấu Dù kê mà cha ông đã để lại.
“Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam bộ là sự kiện rất ý nghĩa. Vì Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện để cho các thế hệ những người yêu mến nghệ thuật Dù kê được phát huy tài năng của họ. Tham gia giải có đoạt giải hay không không quan trọng, mà quan trọng được tham gia Liên quan quy mô như vậy, được đóng góp một phần công sức để bảo tồn nghệ thuật Dù kê là vui rồi”, Đại đức Thạch Nhứt nói thêm.
Được biết, sau 10 năm kể từ Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ I được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng (năm 2013), tỉnh Trà Vinh vinh dự được chọn đăng cai tổ chức Liên hoan lần thứ II năm 2023. Liên hoan lần này không chỉ là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng, giao lưu văn hóa, trao đổi học tập kinh nghiệm, mà còn là dịp để đánh giá thực trạng và tìm hướng đi, nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo đối với loại hình nghệ thuật sân khấu Dù Kê ở Nam Bộ nói chung và từng địa phương trong vùng nói riêng.
sau lễ khai mạc, các đại biểu và đông đảo khán giả được thưởng thức chương trình thi diễn đầu tiên của đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh (Trà Vinh) với vở diễn “Hoàng tử Vê Son Đo”.
Theo kế hoạch, liên hoan Nghệ thuật Sân khấu Dù Kê Khmer Nam Bộ lần thứ II diễn ra đến hết ngày 7/4.