1. Trang chủ /
  2. Hướng đến "không dám" và "không muốn" vi phạm giao thông

Hướng đến "không dám" và "không muốn" vi phạm giao thông

thứ ba, 19/9/2023 23:16 GMT+07
Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an sẽ phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giao thông, hướng đến để người tham gia giao thông "không dám" và "không muốn" vi phạm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp với Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Chiều 19/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, chủ trì cuộc họp của Thường trực Ủy ban.

Vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu

Theo báo cáo, ước tính chín tháng năm 2023, tình hình trật tự an toàn giao thông có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2022; tai nạn giao thông được kiềm chế và kéo giảm.

Đặc biệt số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước. Bên cạnh đó, số vụ ùn, tắc giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm vào các dịp cao điểm được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình vi phạm tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe tại các địa phương được xử lý một cách căn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông còn những tồn tại, hạn chế như: Một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng còn xảy ra, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng sạt lở, lũ quét trong mùa mưa lũ làm hư hại nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa vẫn diễn biến phức tạp; còn tồn tại tình trạng xếp hàng lên xe ôtô tải không đúng quy định, khiến hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông.

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép còn xảy ra tại một số địa phương. Ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng ngày càng phức tạp.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng. Hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế.

Sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

"Không dám" và "không muốn" vi phạm giao thông

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hoàn thiện và trình Quốc hội hai luật (Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ và Luật Đường bộ) để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, quản lý tốt hơn phương tiện và người tham gia giao thông.

Hai Bộ sẽ phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý giao thông, hướng đến để người tham gia giao thông "không dám" và "không muốn" vi phạm.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đường bộ. Kinh nghiệm cho thấy phát triển đường cao tốc góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giảm xung đột các phương tiện trong quá trình lưu thông. Bộ sẽ tái cơ cấu lại thị trường vận tải, theo hướng giảm tỷ trọng vận tải hành khách bằng đường bộ (đang chiếm gần 91%) và vận tải hàng hóa (đang chiếm gần 73%).

Theo các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm và liên tục vi phạm kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là giải pháp rất hữu hiệu, có tác dụng giáo dục, răn đe trực tiếp, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông theo hướng tốt hơn.

Thường trực Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa nội dung giáo dục kỹ năng về an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy vào trong nhà trường, coi đây là giải pháp để hình thành văn hóa giao thông.

Nỗ lực tích cực của các cơ quan chức năng đã giúp kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Quyết liệt hơn trong tuần tra xử lý vi phạm

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận nỗ lực của các cơ quan chức năng đã tích cực thực hiện các giải pháp giúp kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc đảm bảo an toàn giao thông, nâng cao ý thức của người dân là việc làm thường xuyên, lâu dài, trong bối cảnh nhiều khó khăn, dân số gia tăng, kết cấu hạ tầng có phát triển đáp ứng được yêu cầu, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn, quyết liệt hơn các giải pháp. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến giao thông.

Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về trật tự an toàn giao thông; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; hoàn tất việc xây dựng các quy hoạch ngành, quy hoạch của các địa phương theo quy định.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu để luật hóa việc đánh giá tác động của các công trình hạ tầng xã hội đối với giao thông đô thị để tránh tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng rà soát các quy định pháp luật, trong đó sửa đổi, bổ sung có chất lượng hai dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự An toàn Giao thông Đường bộ./.