1. Trang chủ /
  2. Điện khí, điện gió ngoài khơi cần cơ chế đặc thù

Điện khí, điện gió ngoài khơi cần cơ chế đặc thù

thứ ba, 26/12/2023 10:49 GMT+07
Các chuyên gia nhận định, nếu không có cơ chế đặc thù thì với thời gian thực hiện các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi (thường mất khoảng 7 - 8 năm), việc hoàn thành các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện (QHĐ) VIII là "bất khả thi".
Dự án điện khí cần cơ chế đặc thù để hiện thực hóa QHĐ VIII.

Việc phát triển nguồn điện nền của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau 2030 theo cam kết với quốc tế. Trong bối cảnh này, điện gió và điện khí LNG được xem là nguồn quan trọng vừa để bổ sung nguồn điện vừa thực hiện được cam kết trung hoà carbon đến năm 2050.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia ngành điện cho rằng, tiến độ chuẩn bị đầu tư xây dựng, vận hành các nhà máy điện này khá dài.

Thực tế, để triển khai một dự án điện khí từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch đến khi vào vận hành cần khoảng thời gian từ 7 - 8 năm. Trong đó, thời gian lựa chọn nhà đầu tư 1 - 2 năm; hoàn thành Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu cứu khả thi và các văn bản pháp lý cần thiết cho dự án khoảng 1 - 2 năm; đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA), thu xếp vốn vay khoảng 2 - 3 năm và khoảng thời gian của giai đoạn này khó xác định và có độ dao động rất lớn, vì điều này phụ thuộc vào năng lực kinh nghiệm và tài chính của nhà đầu tư và các yêu cầu cụ thể trong Hợp đồng PPA; Cùng với đó, thời gian xây dựng khoảng 3,5 năm.

Chưa kể, với các dự án điện khí LNG, còn 3 vướng mắc cần được tháo gỡ mà chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng, bao gồm: Bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; Cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện; Cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Ông Nguyễn Duy Giang - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power) cho rằng, giá khí đầu vào cho các dự án hiện đang neo theo giá thế giới, do đó cần có một cơ chế cho việc chuyển giá khí vào trong giá điện. Bởi nếu các vấn đề không được tháo gỡ dứt điểm, nếu không có những cơ chế về quy trình dài hạn và chuyển giao khí thì rõ ràng dự án có thể bị các nhà cho vay từ chối bất kỳ lúc nào, gây tổn thất cho không chỉ chủ đầu tư mà tổn thất cho cả hệ thống điện quốc gia và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện Quy hoạch điện VIII.

Ông Phạm Văn Phong - Tổng Giám đốc PV GAS cho biết, PV Gas đang đầu tư 4 dự án kho cảng LNG, với tổng mức đầu tư ước khoảng 4 tỷ USD, thời gian thu hồi vốn lên đến khoảng 20 năm. Do đó, cần có cơ chế về việc mua bán khí LNG cho các nhà máy điện, luật hóa việc xác định chi phí dự trữ, phân phối và vận chuyển khí đến nơi tiêu thụ và cam kết khối lượng tiêu thụ khí tối thiểu để bảo đảm thu hồi vốn cho nhà đầu tư.

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc nhận định, các dự án điện khí có nhiều điểm khác biệt so với những nguồn điện khác, đặc biệt là vấn đề giá thành và đầu vào. Vậy nên, nếu trong khuôn khổ pháp lý của thị trường điện hiện nay thì rất khó để điện khí có thể tham gia một cách “sòng phẳng”.

“Tôi nghĩ rằng cần phải có cơ chế đặc biệt đối với các nguồn điện này. Điều này đòi hỏi quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế đặc thù cho các nguồn điện đặc thù để có thể tham gia hòa lưới và phát điện” - ông Hồi phân tích và cho rằng cần phải có cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện một cách linh hoạt, theo đúng tín hiệu của thị trường mới bảo đảm được sự phát triển bền vững của các nguồn điện.

Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, chuyên gia đã chỉ ra một số vướng mắc còn tồn tại liên quan đến việc phát triển dự án điện gió, như Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện lực; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, muốn giải quyết được những vấn đề này, cần sớm báo cáo Chính phủ để kiến nghị với Quốc hội có Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho việc triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi, đáp ứng tiến độ theo QHĐ VIII. Riêng dự án Điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần được áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt.

Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị (Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Pháp chế) tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ những vướng mắc đối với quy định của pháp luật hiện hành trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo QHĐ VIII trước ngày 30/12/2023.