Jazz Bond mang trị liệu âm nhạc đến với nạn nhân da cam Việt Nam
Một số hình ảnh hoạt động của các thành viên Hiệp hội Jazz Bond trong các chuyến chữa bệnh và biểu diễn từ thiện tại Việt Nam năm 2010 và 2018. Ảnh: TTXVN
Với mong muốn tạo ra một phương pháp chữa bệnh mới bằng cảm thụ âm nhạc, họ đã đặc biệt thành công trong việc chia sẻ niềm cảm hứng này với những nạn nhân da cam và người khuyết tật ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới.
Marc Béhin et Véronique Béhin-Carlier đã thành lập Hiệp hội Jazz Bond vào năm 1992, nhằm mục đích ban đầu là dạy cảm thụ âm nhạc và chơi đàn ghi-ta. Sau đó, với mong muốn dùng âm nhạc để đánh thức những tâm hồn bất hạnh, tăng cường giao lưu và phá bỏ rào cản về tuổi tác, các nghệ sĩ của Jazz Bond đã nghiên cứu và phát triển phương pháp chữa bệnh trên nền tảng âm nhạc.
Họ đã kết hợp với các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các buổi biểu diễn, giao lưu văn nghệ, tổ chức nhiều lớp học cảm thụ âm nhạc cho người khuyết tật và đưa liệu pháp âm nhạc vào các trung tâm phục hồi chức năng.
Với hành trang là cây đàn và tình yêu âm nhạc, cùng phương pháp chữa bệnh mới, họ đã đến nhiều nơi trên thế giới, từ châu Âu (Pháp, Đức) qua châu Phi (Sénégal, Algéria, Maroc) đến châu Á (Ấn Độ, Việt Nam).
Lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2010, theo lời mời của tổ chức phi chính phủ Fleurs d’Espoir (Hoa Hy vọng) thuộc tỉnh Val-de-Marne, cặp vợ chồng Marc và Véronique đã có chuyến lưu diễn từ Bắc vào Nam, tổ chức các hoạt động giao lưu và biểu diễn âm nhạc phục vụ trẻ em nạn nhân chất độc da cam/dioxin từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh.
Đặc biệt tại Hà Nội, họ đã tổ chức các buổi chữa bệnh từ thiện bằng liệu pháp âm nhạc tại Làng Hữu nghị Vân Canh với sự giúp đỡ của các bác sĩ, điều dưỡng và thành viên của các hiệp hội từ thiện. "Rất nhiều người cảm thấy thích thú và đã bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các trải nghiệm này", ông Marc Béhin, thành viên của Jazz Bond, nhà soạn nhạc, kiêm nghệ sĩ ghi-ta, nhớ lại.
Năm 2018, một dự án khác trong khuôn khổ hợp tác địa phương đã cho cặp vợ chồng nghệ sĩ có cơ hội trở lại Việt Nam. Phối hợp với Hội đồng tỉnh Val-de-Marne của Pháp, địa phương có truyền thống hợp tác với Việt Nam từ 40 năm nay, nhóm Jazz Bond đã đến Yên Bái, một tỉnh miền núi phía Bắc, để tổ chức các buổi giao lưu, khơi dậy khả năng cảm thụ âm nhạc ở trẻ em khuyết tật, hướng dẫn phương pháp trị liệu bằng âm nhạc cho bác sĩ, y tá, điều dưỡng và cả người nhà bệnh nhân.
Chuyến đi đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng cặp vợ chồng nghệ sĩ Pháp. "Chúng tôi đã tổ chức một loạt các buổi trị liệu bằng âm nhạc tại các bệnh viện của Yên Bái, cũng như các buổi giao lưu âm nhạc với người dân tộc thiểu số Thái và Mông ở địa phương. Chúng tôi cũng đã tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn sử dụng âm nhạc để chữa bệnh cho các cán bộ y tế, điều dưỡng và cả những người nhà của bệnh nhân. Mục đích là dùng âm nhạc để mang lại niềm vui và nụ cười cho người bệnh, đồng thời giúp gia đình, người thân của họ vợi bớt nỗi buồn", ông Marc Béhin nhớ lại.
Món quà quí nhất là nụ cười trẻ thơ
Cặp vợ chồng Marc Béhin et Véronique Béhin-Carlier, thành viên sáng lập của Jazz Bond. Ảnh: Thu Hà
Nói về công việc của mình với tư cách là một nhà trị liệu âm nhạc, bà Véronique Béhin-Carlier, chủ tịch của Hiệp hội Jazz Bond, khẳng định liệu pháp âm nhạc có thể áp dụng cho tất cả mọi người nói chung và đặc biệt có vai trò quan trọng đối với người khuyết tật, giúp họ vượt lên tật nguyền. Bà chia sẻ : "Chúng tôi dùng liệu pháp âm nhạc để làm việc với người tàn tật, trẻ em thiểu năng trí tuệ, bệnh nhân alzheimer, hoặc người bị đột quỵ cần phục hồi chức năng. Phương pháp âm nhạc cho phép bệnh nhân lấy lại quyền tự chủ về ngôn ngữ, cử chỉ hoặc hành động. Với mỗi bệnh nhân sẽ có một cách trị liệu riêng. Nhưng các phác đồ điều trị đều dựa trên nền tảng cơ bản là sử dụng âm nhạc và nhạc cụ để chia sẻ, giao lưu và tương tác với người bệnh".
Với một sự khiêm tốn giản dị, bà cho rằng việc làm của mình chỉ như một "giọt nước nhỏ bé", và món quà quí giá nhất đối với bà là "nụ cười của những đứa trẻ" và những khoảng khắc đầy xúc động của gia đình họ khi chứng kiến con mình tiến bộ. Nhắc về những kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi ở Việt Nam, bà kể : "Tôi vẫn nhớ một bà mẹ ở Hà Nội, khi tôi trị liệu cho con họ bằng những bài hát tiếng Pháp, đứa trẻ đã trở nên thuần hơn, không còn gào thét như mọi khi. Bà mẹ đã rất cảm động và nói với tôi rằng con bà đã 10 tuổi và đây là lần đầu tiên bà nhìn thấy nó cười".
Nói về mong muốn của mình trong tương lai, cặp đôi nghệ sĩ người Pháp hy vọng sẽ tiếp tục phát triển phương pháp chữa bệnh này, tổ chức thêm nhiều những khóa học về cảm thụ âm nhạc cho người khuyết tật, đồng thời đào tạo thêm các giảng viên và chuyên gia về trị liệu bằng âm nhạc ở trong và ngoài nước.
Vì dịch bệnh COVID-19, nhiều kế hoạch đưa liệu pháp âm nhạc ra thế giới của họ đã phải gác lại, nhưng các thành viên của Jazz Bond vẫn luôn mong chờ đại dịch sẽ sớm chấm dứt để họ có thể "mang âm nhạc đến mọi nơi và tới với mọi người", trong đó có Việt Nam, đất nước mà họ "yêu thích và nóng lòng muốn quay trở lại".