1. Trang chủ /
  2. Kết nối nhưng không bị xé vụn

Kết nối nhưng không bị xé vụn

thứ hai, 28/8/2023 12:22 GMT+07
Đường đến đâu văn minh tới đó, là câu nói nhiều người từng nghe, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong các giai đoạn chiến tranh, xây dựng kinh tế qua các thời kỳ, luôn chứng minh rằng, giao thông luôn có vị trí “đi trước mở đường”.
Ảnh minh họa

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Đảng và Nhà nước đã tập trung bố trí nguồn lực (cả Trung ương và địa phương) để đầu tư xây dựng mạng lưới đường bộ cao tốc (ĐBCT). Nhờ vậy, cả nước đã có nhiều ngàn km ĐBCT và đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng các dự án ĐBCT Bắc - Nam phía Đông; các đường vành đai Vùng Thủ đô Hà Nội, TP HCM và các tuyến ĐBCT kết nối Tây Bắc; Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.

Thực tiễn đã chứng minh, ĐBCT được hình thành đã và đang tạo động lực quan trọng giúp các địa phương mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội trên từng địa bàn.

Tuy nhiên còn một số trường hợp, việc kết nối giữa tuyến ĐBCT và hệ thống đường bộ trên địa bàn các địa phương còn hạn chế, chưa gắn kết giữa ĐBCT và các quy hoạch; nên chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các không gian phát triển mới để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Đây chính là lý do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về rà soát việc kết nối với các tuyến ĐBCT nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

Thực tế cho thấy, sự đồng bộ của 5 hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa, giao thông hàng hải từ xưa đến nay; chúng ta chưa phát huy hết khả năng. Đây chính là một nguyên nhân làm cho chi phí logistics còn cao, là một nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quyết định 1454/QĐ-TTg) xác định “Phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ từng bước đồng bộ, hiện đại, bảo đảm an toàn; kết nối hiệu quả giữa các loại hình giao thông và giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương; kết nối vùng, miền, các đầu mối vận tải và quốc tế; phát huy thế mạnh là phương thức linh hoạt, hiệu quả đối với cự ly ngắn và trung bình, hỗ trợ gom và giải tỏa hàng hóa, hành khách cho các phương thức vận tải khác”.

“Đồng bộ” bao giờ cũng là yêu cầu cao nhất của các phương thức vận tải. Đáng tiếc do nhiều nguyên nhân, trong đó có tầm quy hoạch, nguồn lực tài chính hạn chế... nên một số phương thức vận tải vẫn bị “chia cắt”. Đặc điểm của ĐBCT là tốc độ cao, giao thông không hỗn hợp, không bị đô thị hóa. Do vậy, “kết nối” nhưng không bị “xé vụn” ĐBCT là “bài toán” cần giải quyết.