Kết nối startup đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động
Hội nghị là hoạt động nằm trong khuôn khổ Đề án thực hiện nhiệm vụ: “Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” mã số: 844.NV05.ĐHCĐ.09.22, do TS. Lê Cao Thắng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn, Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Đến dự Hội nghị có đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn; đại diện lãnh đạo Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố; các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, thành viên thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, Trường Đại học Công đoàn từ năm 2022 đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển các mạng lưới khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Trong giai đoạn vừa qua, Nhà trường đã từng bước nghiên cứu, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hình thành các chương trình đào tạo, hỗ trợ người học theo định hướng ứng dụng thực tiễn, tạo nguồn cho công đoàn cơ sở cũng như cho doanh nghiệp, gắn kết chiến lược của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng như các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
PGS.TS Lê Mạnh Hùng biểu dương và đánh giá cao kết quả của các thành viên thực hiện nhiệm vụ; đã quy tụ, tập trung được nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ từ các chuyên gia, nhà khoa học để triển khai tốt các hoạt động, hình thành mạng lưới các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công. Đồng thời bày tỏ mong muốn, các sản phẩm của đề án sẽ được tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao thành tài liệu học tập hữu ích dành cho người học.
Tại hội nghị, TS. Lê Cao Thắng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết, Hội nghị nhằm mục đích nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư góp vốn với các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện hoạt động Hội nghị kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo; kết nối, tư vấn, chia sẻ và rút kinh nghiệm trong hoạt động tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp của mạng lưới tư vấn viên các cấp Công đoàn.
Theo dự kiến, nhiệm vụ hoạt động Hội nghị được thực hiện nhằm kết nối thành viên mạng lưới với các Startup để tư vấn hỗ trợ các đơn vị trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên ngay trong quá trình triển khai Đề án, các tư vấn viên mạng lưới đã tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp Startup, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong hoạt động của mạng lưới để tư vấn hỗ trợ.
Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển. Hệ thống pháp lý thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khá đầy đủ, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này... Ở nước ta, Đảng và Nhà nước coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ngay từ giai đoạn khởi nghiệp cụ thể như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 , Luật 04/2017/QH14 Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định 39/2018/NĐ-CP…). Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng được cải thiện với các thành tố chính trong hệ sinh thái từng bước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng.
Trong khuôn khổ hội nghị, các doanh nhân khởi nghiệp đã chia sẻ những câu chuyện kinh doanh thực tế, những thay đổi tích cực sau khi tham gia các khóa đào tạo cơ bản, chuyên sâu trong khuôn khổ đề án. Bên cạnh đó, các chuyên gia, các diễn giả cũng đưa ra cái nhìn nhạy bén, khách quan, chân thực về cách doanh nghiệp khởi nghiệp để không chỉ tạo ra lợi nhuận mà còn đóng góp vào môi trường và xã hội.
Cụ thể, theo các chuyên gia các bước để thực hiện xây dựng nội dung tư vấn hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp gồm: Hiểu đối tượng của bạn, nghiên cứu và thu thập thông tin chi tiết, phát triển chiến lược nội dung, tạo nội dung chất lượng cao, tối ưu hóa cho các công cụ tìm kiếm, quảng bá nội dung của bạn, đo lường và tinh chỉnh, làm sao để xây dựng và phát triển mạng lưới, hiển thị và hoạt động, cung cấp giá trị một cách nhất quán, theo dõi và giữ liên lạc, chân thật và xác thực, tận dụng mạng hiện tại của bạn, đề nghị phát biểu hoặc trình bày, tham gia các nhóm tư vấn hoặc chương trình cố vấn.
Về chiến lược đưa sản phẩm vào thị trường theo các các chuyên gia, các doanh nghiệp cần trả lời 4 câu hỏi: Khách hàng của bạn là ai? Bạn đang giải quyết vấn đề gì cho khách hàng? Quá trình tìm hiểu về các giải pháp của khách hàng của bạn là gì? Khách hàng đang mua hay bạn đang bán?
Về quy trình liên kết mạng lưới tư vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động tại các tổ chức công đoàn. Các các chuyên gia đánh giá quy trình liên kết mạng lưới tư vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là bước rất quan trọng khi triển khai các hoạt động hỗ trợ các startup. Quy trình liên kết mạng lưới tư vấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm: Xác định các mạng lưới tư vấn tiềm năng - Đánh giá các đối tác tiềm năng- Thiết lập mối quan hệ-Xác định phạm vi hợp tác- Ký thỏa thuận -Triển khai quan hệ đối tác- Theo dõi và đánh giá quan hệ đối tác
Bên cạnh đó, cần nâng cao năng suất lao động tại các tổ chức công đoàn. Việc nâng cao năng suất lao động cho các cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp là một khía cạnh rất quan trọng trong việc đóng góp nên thành công của tổ chức và các hoạt động hỗ trợ startup. 2 chiến lược mà trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp có thể sử dụng để nâng cao năng suất lao động gồm: Hợp lý hóa các quy trình và quy trình làm việc và đầu tư vào đào tạo và phát triển .
Hội nghị Kết nối hỗ trợ Startup đổi mới sáng tạo và năng suất lao động đã chứng minh sức mạnh của cộng đồng và tầm quan trọng trong việc kết nối, chia sẻ kiến thức nhằm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động trong môi trường kinh doanh hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay.