1. Trang chủ /
  2. Khẩn trương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 2

Khẩn trương khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 2

thứ hai, 15/8/2022 11:34 GMT+07
(PLM) - Mưa to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão trong các ngày từ 10 - 13/8 đã gây tổn thất nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình bị thiệt hại; huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả.
Lực lượng chức năng xử lý sạt lở đường tại tỉnh Hoà Bình. Lực lượng chức năng xử lý sạt lở đường tại tỉnh Hoà Bình.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho biết, mưa lũ sau bão số 2 ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã khiến 7 người chết, 2 người mất tích.

Hòa Bình là địa phương chịu thiệt hại nặng nề về người với 5 người chết do lũ cuốn trôi, trên 120 hộ dân bị thiệt hại và ảnh hưởng đến nhà ở; trên 1.050ha lúa, hoa màu bị ngập úng, thiệt hại và ảnh hưởng, hàng trăm vật nuôi bị nước lũ cuốn trôi; nhiều diện tích ao cá bị ngập, tràn… Ước tính giá trị thiệt hại lên tới 7,1 tỷ đồng.

Khi xảy ra mưa lũ, chính quyền các địa phương đã kịp thời huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương triển khai biện pháp tiêu thoát úng cho hoa màu; cắm biển cảnh báo khu vực mất an toàn và huy động nhân lực, máy móc khắc phục tạm thời những vị trí sạt lở; dọn dẹp đất đá, sửa chữa nhà ở ổn định đời sống người dân...

Dự báo từ nay đến khoảng tháng 10, tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp nên UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động và có biện pháp kiên quyết, cưỡng chế phải di dời đối với các hộ có nhà ở và sinh sống trong khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn xảy ra. Cắm biển cảnh báo, chăng dây khu vực nguy hiểm, các điểm sạt lở, khu vực ngầm bị ngập nước, cấm các phương tiện giao thông và người di chuyển qua lại. Đối với gia đình có trẻ nhỏ cần tổ chức quản lý, trông giữ, không để trẻ chơi đùa, đi lại khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực ngập nước, tránh để xảy ra sự việc đau lòng.

Tại tỉnh Tuyên Quang, mưa to kèm dông liên tiếp đã làm hư hỏng 4 nhà dân và gây ngập úng gần 40ha lúa, ngô, hoa màu, gây sạt lở một số tuyến đường liên thôn, liên xã. Tuyến đường xã từ đèo Tượng đi đèo Trám, xã Công Đa, huyện Yên Sơn bị sạt lở ta-luy dương khoảng 400m3 ; đường giao thông thôn tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương bị sạt lở ta-luy dương khoảng 100m3 …

Ngay sau khi thiệt hại xảy ra, UBND các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, phụ trách xuống các xã bị thiệt hại nắm tình hình và thống kê, cập nhật tình hình thiệt hại; chỉ đạo lực lượng xung kích thực hiện san, gạt đất, đảm bảo giao thông đi lại của người dân, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về nhà ở, ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Yên Bái, đã có 4 nhà dân ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu bị hư hỏng do sạt lở ta-luy dương; đường bê tông thôn Hồng Hà, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên bị sạt taluy âm. Ngoàira, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, các sông suối trên địa bàn tỉnh xuất hiện một đợt lũ đạt gần mức báo động, hiện lũ trên các sông suối đang tiếp tục lên.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, hôm nay (15/8) khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.Theo cảnh báo của các chuyên gia khí tượng, lũ quét thường xảy ra bất ngờ tại các sông, suối khu vực miền núi; lũ lên nhanh và cũng xuống nhanh, có sức tàn phá lớn, thường đi kèm với sạt lở đất, đá.

Người dân cần cảnh giác trước các dấu hiệu xuất hiện lũ quét như mưa lớn nhiều ngày ở vùng thượng lưu, nước sông hoặc suối chuyển màu đục, có tiếng động bất thường của đất đá hoặc âm thanh lạ trong lòng đất... Khi thấy các dấu hiệu trên, người dân cần nhanh chóng di chuyển khỏi khu vực có thể xảy ra lũ quét để đến nơi có vị trí cao hơn

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 227 ra ngày 15/8/2022)