1. Trang chủ /
  2. Kháng nghị bản án sơ thẩm “tuyên nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái không có tội”

Kháng nghị bản án sơ thẩm “tuyên nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái không có tội”

thứ ba, 28/11/2023 10:38 GMT+07
Ngày 17/11/2023, VKSND tỉnh Yên Bái đã ban hành quyết định số 12/QĐ-VKS-P1 kháng nghị phúc thẩm đối với Bản án hình sự sơ thẩm xét xử từ ngày 02/11/2023 đến ngày 04/11/2023 và 07/11/2023 của TAND tỉnh Yên Bái đối với vụ án Lăng Đức Hân và đồng phạm, phạm các tội “Vận chuyển, sử dụng trái phép vật liệu nổ” và “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” xảy ra tại khu vực mỏ núi Ngàng thuộc xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
VKSND tỉnh Yên Bái kháng nghị phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh.

Trước đó, vào chiều ngày 7/11/2023, TAND tỉnh Yên Bái đã tuyên án các bị cáo trong vụ án. Tại phiên toà, ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái được tuyên không có tội.

Tòa tuyên Đinh Tiến Hùng không có tội

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Yên Bái, bị cáo Hậu, Tuấn tại cơ quan điều tra, tại tòa nhiều lần thay đổi lời khai, nội dung khai báo về cuộc gặp với Đinh Tiến Hùng còn nhiều mâu thuẫn.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng VKSND tỉnh không thu thập được dữ liệu âm thanh, hình ảnh của buổi nói chuyện, không có người làm chứng, không có chứng cứ nào khác để xác định nội dung cuộc nói chuyện của Đinh Tiến Hùng với Hậu và Tuấn. Cáo trạng của VKSND tỉnh chỉ dựa duy nhất vào lời khai của bị cáo Hậu để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng, đặt vấn đề chia lợi nhuận và việc khai thác quặng trái phép tại mỏ núi Ngàng là không đúng chứng cứ chứng minh.

Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, ông Đinh Tiến Hùng không thừa nhận bất cứ nội dung nào về việc bàn bạc, trao đổi việc khai thác ở mỏ núi Ngàng với bất kỳ ai.

Đinh Tiến Hùng cũng khẳng định không sắp xếp, bố trí ai lên mỏ núi Ngàng, không thừa nhận có trao đổi điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến khai thác mỏ. Đồng thời không được bàn bạc, nhận và hưởng lợi gì từ việc khai thác quặng.

Xét lời khai của bị cáo Tuấn và nhiều bị cáo khác chỉ là một chiều riêng rẽ, không xác định được thời gian và nội dung trao đổi cụ thể. Các lời khai này không chứng minh được cho nhau, không chứng minh được vai trò, vị trí và tính liên quan trực tiếp của Đinh Tiến Hùng như cáo trạng truy tố.

Quang cảnh phiên toà sơ thẩm ngày 7/11/2023. (Ảnh Báo BVPL)

Ngoài ra, không có tài liệu chứng cứ nào khác thể hiện Đinh Tiến Hùng có hành vi cụ thể nào phù hợp với nội dung trao đổi tại quán cà phê Đồng Tâm ngày 18/10/2020 như cáo trạng truy tố.

Bên cạnh đó, không có chứng cứ chứng minh Đinh Tiến Hùng có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, quan hệ cá nhân để tác động, bao che việc khai thác trái phép, hưởng lợi.

Cáo trạng truy tố ông Đinh Tiến Hùng là đồng phạm về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên với vai trò là người tổ chức là không có căn cứ.

Theo quyết định của HĐXX sơ thẩm, các cáo buộc đối với Đinh Tiến Hùng về vai trò "người khởi xướng" trong vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" đã được bác bỏ. Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Trung Dũng tuyên ông Đinh Tiến Hùng không có tội.

HĐXX cũng tuyên 7 bị cáo lãnh án từ 10 đến 19 năm tù. Có 2 bị cáo bị tuyên án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo. Một số bị cáo còn bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 đến 100 triệu đồng.

VKSND tỉnh Yên Bái "tố" đã bỏ lọt người phạm tội

Đối với bản án hình sự sơ thẩm trên, VKSND tỉnh Yên Bái cho rằng, đã bỏ lọt người phạm tội khi tuyên Đinh Tiến Hùng không phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. VKSND tỉnh Yên Bái đã kháng nghị bản án sơ thẩm với 3 lập luận sau.

Thứ nhất, bản án sơ thẩm không khách quan, toàn diện khi đánh giá: Cáo trạng chỉ dựa vào lời khai duy nhất của Nguyễn Văn Hậu để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng việc khai thác quặng trái phép tại mỏ núi Ngàng.

Bản kháng nghị nêu, hồ sơ vụ án cho thấy ngày 18/10/2020, Đinh Tiến Hùng cùng Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Tuấn gặp nhau tại quán cà phê Đồng Tâm bàn bạc về việc tổ chức khai thác khoáng sản trái phép. Hai trong ba người tham gia cuộc gặp gỡ đều khai về nội dung cuộc gặp. Trong đó, bị cáo Nguyễn Trọng Tuấn có 7 lời khai và 3 bản tự khai; Nguyễn Văn Hậu có 10 lời khai, 2 bản tự khai; tại các biên bản đối chất giữa Tuấn, Hậu với Đinh Tiến Hùng,… các bị cáo này đều khai, Đinh Tiến Hùng chủ động đặt vấn đề về khai thác tại mỏ.

“Các tài liệu này đều được thu thập theo đúng trình tự pháp luật và có sự tham gia của luật sư bào chữa cho các bị cáo, Kiểm sát viên và ghi âm, ghi hình theo quy định, các lời khai nhất quán trong suốt quá trình điều tra vụ án”- quyết định kháng nghị của VKSND tỉnh Yên Bái nêu rõ.

Quá trình điều tra đã trích xuất được tin nhắn giữa Tuấn và Đinh Tiến Hùng về việc hẹn gặp tại quán cà phê Đồng Tâm ngày 18/10/2020. Tuấn đã giải trình rõ về nội dung tin nhắn là để hẹn gặp Đinh Tiến Hùng tại quán cà phê Đồng Tâm để cho Hậu yên tâm về việc khai thác tại mỏ.

Việc gặp gỡ ngày 18/10/2020 cũng phù hợp với nhiều tài liệu, chứng cứ khác. Ngoài ra, quá trình điều tra còn thu giữ, trích xuất được hàng loạt tin nhắn chiều ngày 18/10/2020 hỏi nhau về đường đi và hẹn gặp, khi Tuấn và Hậu đang trên đường di chuyển về TP.Yên Bái để gặp Đinh Tiến Hùng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Hậu giữ nguyên lời khai về cuộc gặp ngày 18/10/2020. Tuấn khai: Tại cuộc gặp ở quán cà phê Đồng Tâm, có lúc Tuấn nghe điện thoại nên chỉ “bập bõm” nghe và cũng không có ý kiến gì, sau khi ra về mới được Hậu nói lại về nội dung mà Đinh Tiến Hùng nói. Nội dung khai báo này của Tuấn thực chất là để làm mờ nhạt đi vai trò của bản thân, trốn tránh trách nhiệm, nhưng không vì vậy mà không thể hiện rõ hành vi phạm tội của Đinh Tiến Hùng.

Với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của Hậu, Tuấn tại Tòa hoàn toàn có đủ căn cứ để kết luận, ngày 18/10/2020, Tuấn, Hậu và Đinh Tiến Hùng đã bàn bạc, thống nhất khai thác khoáng sản trái phép.

VKSND tỉnh Yên Bái kết luận việc HĐXX sơ thẩm nhận định cho rằng, chỉ có lời khai duy nhất của Hậu, nên không đủ căn cứ để xác định Đinh Tiến Hùng có lời nói khởi xướng, ăn chia lợi nhuận về việc khai thác quặng trái phép tại mỏ núi Ngàng là không khách quan, toàn diện.

Bản kháng nghị dài 12 trang của VKSND tỉnh Yên Bái. (Ảnh PLM)

Thứ hai, bản án sơ thẩm đã sai lầm khi nhận định: Đinh Tiến Hùng không phải là người thúc đẩy hoạt động khai thác quặng trái phép ở mỏ núi Ngàng, việc khai thác chưa được triển khai trong thực tế, Đinh Tiến Hùng chưa được hưởng lợi gì nên không phạm tội.

Theo kết quả điều tra xác định, mỏ núi Ngàng của công ty Tuyên Huy đã hết hạn cấp phép khai thác từ năm 2009. Trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2020 (khoảng 11 năm), tại mỏ núi Ngàng không có bất cứ hoạt động khai thác khoáng sản nào. Mặc dù trong thời gian tháng 10/2020, Lăng Đức Hân đã đề xuất việc khai thác nhưng Hậu và Tuấn đều không đồng ý với lý do mỏ chưa được cấp phép khai thác khoáng sản. Chỉ đến ngày 18/10/2020, khi Đinh Tiến Hùng hứa hẹn đứng ra lo cơ chế, quan hệ thì Hậu và Tuấn mới đồng ý hợp tác triển khai. Các bị cáo đều khai do biết rõ Đinh Tiến Hùng có “quan hệ lớn”, có thể lo “cơ chế, quan hệ”, nên mới “tin tưởng và hoàn toàn yên tâm” khai thác. Quá trình điều tra đã trích xuất được tin nhắn thể hiện sự hứa hẹn và tin tưởng vào mối quan hệ của Đinh Tiến Hùng, kể cả đến khi vụ án được phát hiện.

Xuất phát từ đề nghị của Đinh Tiến Hùng, do tin tưởng Đinh Tiến Hùng có “quan hệ lớn”, có thể lo “cơ chế, quan hệ”, Hậu và Tuấn đã đồng ý hợp tác, tổ chức khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ núi Ngàng. Thực tế các bị cáo đã tổ chức khai thác từ ngày 09/11/2020 đến ngày 30/12/2020, với số đá chứa quặng chì kẽm thu được là 1.073,90242 tấn, có giá trị hơn 2 tỷ đồng.

Do cùng bàn bạc, thống nhất với các bị cáo khác, dẫn đến việc khai thác trái phép khoáng sản tại mỏ núi Ngàng, nên Đinh Tiến Hùng phải đồng phạm chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”. VKSND tỉnh cho rằng bản án sơ thẩm đã sai lầm khi cho rằng bị cáo không phạm tội này.

Thứ ba, bản án sơ thẩm đã bỏ qua hàng loạt tài liệu, chứng cứ khi nhận định: Đinh Tiến Hùng không tham gia và không có vai trò gì trong hoạt động khai thác mỏ trái phép cũng như đối phó với cơ quan chức năng khi hành vi phạm tội bị phát hiện.

VKSND tỉnh cáo buộc ông Hùng gọi điện hỏi Đức về việc sửa chiếc máy xúc dùng để khai thác mỏ trái phép; nhắn tin hỏi số điện thoại của người làm công việc quản lý trên mỏ, nhắc Hân nộp tiền điện dùng vào việc khai thác mỏ: "A cho kế toán nộp tiền điện này cái nhé...K mai nó cắt"...

Sau khi vụ án được phát hiện Đinh Tiến Hùng đã cùng các bị cáo khác bàn cách đối phó với cơ quan điều tra. Trong file ghi âm do Nguyễn Mạnh Hùng giao nộp, thể hiện Đinh Tiến Hùng bảo Nguyễn Mạnh Hùng tránh đi một thời gian, phòng điều tra đang thụ lý vụ án ấy ít người, không làm gì được đâu, sẽ đóng án sớm thôi.

VKSND tỉnh đánh giá lời khai của các bị cáo còn lại phù hợp với tài liệu dữ liệu điện tử được cơ quan điều tra thu thập hợp pháp theo quy định. Tất cả đều cho thấy Đinh Tiến Hùng "thường xuyên theo dõi, chỉ đạo quá trình khai thác", nhưng HĐXX cấp sơ thẩm đã đánh giá không đúng, khi chỉ căn cứ vào lời khai chối tội của bị cáo để xác định Đinh Tiến Hùng không tham gia và không có vai trò gì trong hoạt động khai thác mỏ trái phép.

VKSND tỉnh khẳng định trong vụ án này Đinh Tiến Hùng là người khởi xướng việc phạm tội, rủ rê lôi kéo, thúc đẩy các bị cáo trong vụ án thực hiện hành vi phạm tội, tham gia chỉ đạo hoạt động phạm tội. Việc HĐXX cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo Đinh Tiến Hùng không phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” là bỏ lọt người phạm tội giữ vai trò tổ chức.

Bên cạnh đó, VKSND tỉnh Yên Bái cũng cho rằng Bản án sơ thẩm đã bỏ lọt hành vi phạm tội khi xác định bị cáo Trần Đắc Việt, Nguyễn Văn Báu không thực hiện hành vi “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” vào ngày 19/12/2020; đánh giá không đúng vai trò, quyết định hình phạt quá nhẹ với bị cáo Trần Đắc Việt.

Tại quyết định kháng nghị phúc thẩm số 12/QĐ-VKS-P1, VKSND tỉnh Yên Bái đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội căn cứ điểm a khoản 2 Điều 357, điểm c khoản 2 Điều 358 BLTTHS để xét xử lại vụ án hình sự nêu trên theo hướng bị cáo Đinh Tiến Hùng đã phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên”; các bị cáo Trần Đắc Việt, Nguyễn Văn Báu đã thực hiện hành vi phạm tội “Vận chuyển trái phép vật liệu nổ” vào ngày 19/12/2020; không cho bị cáo Trần Đắc Việt hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo các điểm s, t khoản 1 Điều 51, áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự và tăng hình phạt đối với bị cáo./.