1. Trang chủ /
  2. ‘Khoe’ thành tích của con trên mạng xã hội: Lợi bất cập hại

‘Khoe’ thành tích của con trên mạng xã hội: Lợi bất cập hại

thứ năm, 1/6/2023 16:06 GMT+07
"Khi đăng bảng điểm, giấy khen của con lên mạng xã hội được bạn bè, đồng nghiệp, người thân vào chúc mừng như: "Con trai của bố Cương giỏi quá, bố Cương dạy con xuất sắc thế... là tôi rất sung sướng".
Cha mẹ đưa thành tích con lên mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng.

Đó là chia sẻ của anh Trần Công Cương (SN 1985, ở Thanh Miếu, Việt Trì, Phú Thọ) có con trai hết hè này sẽ lên lớp 6. Anh Cương cho biết, cứ vào cuối năm học anh đều khoe thành tích và bảng điểm của con lên mạng xã hội với niềm tự hào. "Tôi chỉ suy nghĩ đơn giản, khi cha mẹ vui vì kết quả học tập của con cái mình thì muốn chia sẻ với mọi người thôi".

"Khoe tí thì có làm sao..."

Chị Đào Thị Khuyên (ở Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hai con, một bé 7 tuổi và một bé 11 tuổi chia sẻ, chị rất vui khi năm học vừa qua hai con của chị đều được nhận giấy khen và các giấy chứng nhận là học sinh xuất sắc từ nhà trường và từ các cuộc thi tiếng Anh. Đây chính là lý do mà chị Khuyên đã đăng hình ảnh con kèm giấy khen lên mạng xã hội để chia sẻ niềm vui với họ hàng, bạn hè, đồng nghiệp, hàng xóm...

Bài đăng của chị Khuyên nhận được hàng trăm lượt thích, nhiều lời bình luận chúc mừng các con và dành cho gia đình những lời khen ngợi về sự giáo dục, dạy dỗ rất tốt từ phía nhà trường và gia đình.

"Tôi vẫn thường xuyên đăng ảnh và thành tích học tập của các con lên mạng xã hội để khoe với bạn bè người thân và cũng là một cách để facebook lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ của con. Hơn nữa, năm học vừa qua, các con của tôi đều đạt được nhiều thành tích tốt như vậy thì sao lại không khoe. Khoe tí thì có sao...", chị Khuyên tâm sự.

Còn với chị Cẩm Tú (ở Vĩnh Phúc) có con năm nay sẽ vào bước vào cấp THPT thì chia sẻ: "Những năm trước, năm nào tôi cũng đưa hình ảnh cuộc sống hằng ngày cũng như các thành tích về học tập của con lên facebook nhưng vào năm ngoái, khi con bắt đầu sử dụng mạng xã hội và xem được những thông tin tôi đăng thì con có nói là không thích mẹ khoe con học giỏi cũng như đưa ảnh con lên mạng. Tôi có giải thích với con là vì mẹ thương con, vì con học giỏi nên mẹ mới khoe con. Con nói: "Vậy nếu năm sau con học ở mức trung bình và không có các loại giấy khen nữa thì mẹ ghét con ư".

"Sau khi nghe con nói vậy cộng với việc theo dõi tin tức về những việc lộ lọt thông tin cá nhân của phụ huynh và học sinh thời gian gần đây nên hai năm nay, vợ chồng tôi rất hạn chế việc đăng ảnh của các con lên mạng xã hội", chị Tú chia sẻ.

 "Khoe" con trên mạng xã hội tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn

Là một chuyên gia an ninh mạng tại Hà Nội và cũng là một phụ huynh có con năm nay đang học phổ thông, anh Nguyễn Văn Thứ cho rằng, hiện nay, không khó để tìm ra những đoạn phim, hình ảnh về thành tích học tập, các hoạt động của con trẻ tham gia, thói quen sinh hoạt của trẻ… trên các trang mạng xã hội do chính cha mẹ đăng tải. Trong đó, nhiều hình ảnh chứa đầy đủ thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, sở thích, lớp, trường học, giáo viên...

Theo anh Thứ, với các bậc cha mẹ, con cái chính là "tài sản" lớn nhất, vậy nên thường khi cha mẹ "khoe" hình ảnh của con cũng là một cách gián tiếp để thể hiện giá trị của bản thân mình. Tuy nhiên, việc "khoe" con trên mạng xã hội lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn trên không gian mạng khi thông tin của con trẻ được "phơi bày" một cách công khai.

"Kẻ xấu sẽ đánh cắp để dùng cho các mục đích xấu như phá tài khoản ngân hàng hoặc lợi dụng để truy cập và xâm phạm các dữ liệu cá nhân; thu thập dữ liệu cá nhân và thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, nhắn tin tinh vi sau này hay trục lợi thông qua những hình ảnh của các bé... Để bảo đảm an toàn cho con, cha mẹ nên có sự tiết chế trong cách "khoe" con. Thay vì chia sẻ hình ảnh con ở chế độ công khai, thì bố mẹ nên chia sẻ ở những hội nhóm kín đáo, riêng tư hơn dành cho gia đình, người thân...", anh Thứ khuyên các bậc phụ huynh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề phụ huynh đưa điểm số của con lên mạng xã hội, cô Nguyễn Thị Lợi, nguyên giáo viên Trường THPT Công nghiệp (Việt Trì, Phú Thọ) cho rằng, khi con cháu có kết quả thành tích học tập tốt thì đó là niềm tự hào của cha mẹ, của gia đình và dòng họ. Vì thế, việc phụ huynh đưa bảng điểm, giấy khen của con mình lên mạng là điều không khó hiểu và không ai cấm. 

"Tuy nhiên, khi phụ huynh đưa những thông tin của trẻ trên mạng xã hội cần trao đổi với xem con có thích được "tuyên dương" như vậy không, liệu con có ngại không, có bị ảnh hưởng tới tâm lý không. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần có lời lẽ khiêm tốn, đúng mực, tránh tình trạng đẩy những học sinh, phụ huynh có con chưa đạt được kết quả cao gặp áp lực, so bì, ngậm ngùi…

Theo tôi, các bậc cha mẹ cần cân nhắc kỹ và thật cẩn trọng trước khi đăng thông tin về việc học tập của con lên mạng xã hội bởi giấy khen, điểm số chỉ là vỏ bọc bên ngoài, giá trị năng lực bản thân mới là điều các con cần".

"Khoe" thành tích của con trên mạng xã hội: Lợi ít mà hại nhiều - Ảnh 2.
Các bậc phụ huynh cần tránh cho học sinh những áp lực không đáng có trong học tập. Ảnh minh họa

Về nguyên nhân lộ lọt thông tin cá nhân của trẻ em, bà Đinh Thị Như Hoa - Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, việc lộ lọt thông tin cá nhân có thể xuất phát từ hai nguyên nhân là yếu tố vi kỹ thuật và kỹ thuật.

Với yếu tố vi kỹ thuật, vấn đề đầu tiên là nhận thức về việc chia sẻ thông tin. Hiện nay, nhiều cha mẹ, người lớn chưa lưu ý đến vấn đề chia sẻ thông tin của trẻ.

Cụ thể, thời gian gần đây, các cấp học bế giảng, nhiều cha mẹ đã chia sẻ mà không che những thông tin cá nhân của con như bảng điểm, giấy khen, bằng khen, lớp học, tên tuổi... Chính điều này "giúp" kẻ xấu dễ dàng tiếp cận được các thông tin cá nhân của trẻ, vô tình là lỗ hổng để kẻ gian thực hiện hành vi lừa đảo.

Nguyên nhân thứ hai là vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, rất nhiều trang web thu thập thông tin nhưng chưa có cam kết với người sử dụng, dẫn đến việc lộ lọt thông tin bởi chính người quản lý dữ liệu hoặc bên thứ 3. Bên cạnh đó, nhiều trang web lừa đảo được thiết lập. Trẻ em và bố mẹ hạn chế kiến thức về an toàn an ninh mạng rất dễ truy cập vào các đường link này và cập nhật thông tin cá nhân, từ đó lộ lọt thông tin cá nhân nói chung và của trẻ nói riêng.

Bà Hoa cho biết, thực tế hiện nay có nhiều hệ thống thông tin chứa các thông tin cá nhân của trẻ chưa được phê duyệt về mức độ đảm bảo an toàn thông tin cho trẻ, cũng như triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin tương ứng. Từ việc này, các đối tượng rất dễ dàng khai thác thông tin và lừa đảo.

Về các quy định xử lý vi phạm, theo bà Hoa, Bộ TT&TT đã bổ sung các quy định về xử lý vi phạm thu thập thông tin cá nhân. Mức phạt có thể lên đến 40 triệu - 60 triệu đồng. Điều cần là chúng ta nâng cao nhận thức của các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân. Bộ TT&TT cũng đang triển khai đánh giá sản phẩm, dịch vụ số bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, trong đó sẽ tiến hành đánh giá 2 nhóm sản phẩm gồm bảo vệ trẻ em; hỗ trợ trẻ em trong học tập vui chơi, giải trí. Bên cạnh hành lang pháp lý về thanh tra, kiểm tra, việc nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc bảo vệ dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân.