Khối Tây Phi thống nhất can thiệp quân sự vào Niger, nhóm đảo chính dọa giết Tổng thống Bazoum
Mệnh lệnh trên được đưa ra theo nghị quyết của ECOWAS về cuộc đảo chính ở Niger tại Cuộc họp bất thường của ECOWAS ở Abuja vào thứ Năm (10/8). Tuyên bố đã được bởi đích thân Chủ tịch ECOWAS, Omar Alieu Touray, đọc tại hội nghị này.
Sự thống nhất và lời đe dọa
ECOWAS cho biết tất cả các nỗ lực nhằm đối thoại với chính quyền quân sự đã bị nhóm đảo chính bác bỏ một cách đầy thách thức, đồng thời nói thêm rằng họ lên án việc tiếp tục giam giữ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và các thành viên gia đình của ông.
Họ cũng kêu gọi Liên minh châu Phi (AU), các quốc gia đối tác và các tổ chức khác ủng hộ nghị quyết mà cơ quan này đưa ra. Nghị quyết có đoạn: “Yêu cầu Ủy ban của Tổng tham mưu trưởng Quốc phòng kích hoạt lực lượng thường trực ECOWAS với tất cả các đơn vị của mình ngay lập tức… để khôi phục trật tự hiến pháp tại Cộng hòa Niger”, song vẫn “cam kết tiếp tục khôi phục trật tự hiến pháp thông qua các biện pháp hòa bình”.
Theo AP, ngay sau khi tuyên bố của khối ECOWAS đưa ra, chính quyền quân sự của Niger đã nói với một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ rằng họ sẽ giết Tổng thống Bazoum nếu các nước láng giềng cố gắng can thiệp quân sự để khôi phục chính quyền dân sự của ông.
Các đại diện của chính quyền quân sự cũng đã nói với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland về mối đe dọa đối với Bazoum trong chuyến thăm Niger vào tuần này, theo một quan chức quân sự phương Tây cho biết.
Trong cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Abuja của Nigeria nói trên, có 9 trong tổng số 11 nguyên thủ quốc gia được mời đã có mặt, bao gồm các nước thành viên ECOWAS là Senegal, Ghana, Bờ Biển Ngà, Togo, Benin, Guinea-Bissau và Sierra Leone. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo không thuộc ECOWAS của Mauritania và Burundi cũng tham gia cuộc họp kín này.
“Điều quan trọng là chúng tôi ưu tiên đàm phán ngoại giao và đối thoại làm nền tảng cho cách tiếp cận của chúng tôi”, Tổng thống Bola Ahmed Tinubu của Nigeria, nước hiện đang là chủ tịch của khối, cho biết trước phần bế mạc của cuộc họp. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo phải hành động “với tinh thần khẩn trương”.
Trước cuộc đảo chính, Niger là quốc gia cuối cùng ở khu vực Sahel phía nam Sa mạc Sahara mà các quốc gia phương Tây có thể hợp tác để chống lại các chiến binh khủng bố Hồi giao cực đoan al-Qaeda và ISIS, những kẻ đã giết chết hàng nghìn người và khiến hàng triệu người phải sơ tán.
Sự ủng hộ và những lo ngại
Hiện một số quốc gia đã lên tiếng ủng hộ kế hoạch can thiệp quân sự của ECOWAS vào Niger, trong đó có Pháp, nước có quan hệ lâu đời với Niger và từng thuộc địa nước này trong quá khứ.
Mỹ cũng đã đưa ra tuyên bố ủng hộ khi Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố vào thứ Năm: "ECOWAS, một tổ chức tập hợp các quốc gia Tây Phi, đang đóng một vai trò quan trọng trong việc làm rõ sự cấp thiết của việc quay trở lại trật tự hiến pháp, và chúng tôi rất ủng hộ sự lãnh đạo của ECOWAS".
Hiện, Pháp và Mỹ có hơn 2.500 nhân viên quân sự ở Niger. Họ cùng với các quốc gia châu Âu khác đã rót hàng trăm triệu đô la viện trợ quân sự để hỗ trợ các lực lượng của nước này. Phần lớn viện trợ đó hiện đã bị đình chỉ.
Tổng thống Bờ Biển Ngà Alassane Ouattara cũng cho biết các quốc gia Tây Phi đã đồng ý tán thành sử dụng vũ trang đối với chính quyền quân sự Niger "càng sớm càng tốt".
Khoảng 25 triệu người Niger đang cảm thấy tác động của lệnh trừng phạt và bất ổn sau cuộc đảo chính. Một số khu phố ở thủ đô Niamey có ít điện và thường xuyên bị cắt điện trên toàn thành phố. Đất nước này có tới 90% điện năng từ Nigeria, quốc gia đã cắt một số nguồn cung cấp.