Không đưa vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi) những vấn đề chưa rõ
Sáng 22/9, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm của công tác pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là thí dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực tháo gỡ vướng mắc khó khăn trước đây và không phát sinh khó khăn, vướng mắc mới; năng lực thể hiện tính công khai, minh bạch trong xây dựng pháp luật.
Đồng thời, theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là thí dụ sinh động nhất cho việc thực hiện tốt chủ trương của Trung ương, Đảng về chống tiêu cực, cài cắm lợi ích trong công tác xây dựng pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị quá trình sửa đổi luật phải bám sát các chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 16/6/2022, từ chủ trương đó thể chế hóa bằng quy phạm pháp luật, chứ không nhắc lại tinh thần và lời văn của Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý những vấn đề đặt ra nhưng chưa đủ độ chín, chưa đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương tuyệt đối không đưa vào dự thảo Luật, mà chỉ cụ thể hóa những vấn đề đã chín, đã đủ rõ và có quyết sách của Trung ương.
Về quan điểm xây dựng luật, ngoài những quan điểm đã nêu trong dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung quan điểm bảo đảm nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính chất ổn định về pháp luật đất đai qua các thời kỳ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt và được Trung ương khẳng định.
Theo Chủ tịch Quốc hội, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn nhưng phải bảo đảm tính tổng thể, chiến lược lâu dài, tuyệt đối tránh hợp thức hóa các vi phạm hiện nay. Cơ quan soạn thảo cần đánh giá kỹ lưỡng, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của từng chủ thể.
Trong quá trình xây dựng Luật cần tách bạch rõ quan hệ đất đai mang tính chất công (quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất…) với quan hệ đất đai mang tính chất tư (giao dịch, góp vốn, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế đất…).
Đối với việc áp dụng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cơ quan thẩm tra xem xét để vừa thể hiện Luật Đất đai vừa là luật căn bản, cơ bản về đất đai nhưng phải tuân thủ nguyên tắc của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong việc áp dụng luật.
Trong đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu lại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Luật Đất đai trong mối quan hệ với các luật khác.
Liên quan vấn đề giá đất và cơ chế tài chính về đất đai, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là vấn đề khó nhất, cần quy định làm sao để vận hành trong thực tế. Việc bỏ khung giá đất nhưng vẫn có bảng giá đất, vai trò của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, cơ quan tham mưu, cơ quan tư vấn trong việc định giá đất như thế nào… cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cân nhắc kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất, bảo đảm quyền lợi của người dân
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Đất đai, đồng thời đánh giá cao quá trình chuẩn bị tích cực, khẩn trương, công phu của cơ quan soạn thảo đối với dự án Luật.
Về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 70 của dự thảo Luật, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với các trường hợp như Chính phủ quy định dự kiến.
Tuy nhiên căn cứ vào Hiến pháp và thực tiễn, bà Thanh đề nghị việc mở rộng các trường hợp Nhà nước thu hồi đất lần này cần thể hiện nhằm thể chế hóa chủ trương tạo quỹ đất, bảo đảm sự chủ động của Nhà nước trong việc phân bổ, điều tiết thị trường và đáp ứng nhu cầu đất của các dự án đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất, góp phần tăng thu cho ngân sách.
Việc mở rộng diện đất đai phải thu hồi áp dụng trên cơ sở chỉ thu hồi khi chứng minh được việc thu hồi đất ngoài vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội phải bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo đảm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Trên cơ sở đó, bà Thanh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại những trường hợp thu hồi đất để phục vụ dự án thương mại, dịch vụ theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 70 của dự thảo Luật xem đã bảo đảm điều kiện nêu trên hay chưa.
Trưởng Ban Công tác đại biểu ủng hộ quan điểm cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Nên cho phép chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất trong việc nhận chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; hạn chế thực hiện việc thu hồi đất để tránh khiếu kiện về đất đai.
Nêu rõ thu hồi đất là một chế định quan trọng trong Luật Đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cần phải quy định chặt chẽ nội dung này, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại Nghị quyết 18-NQ/TW để bảo đảm tính minh bạch.
Trong đó, lưu ý nghiên cứu bổ sung quy định về nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể, tiêu chí cụ thể để Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW; rà soát kỹ lưỡng các trường hợp thu hồi đất để bảo đảm tính chính xác và phù hợp, tránh việc lạm dụng trong thực tiễn.
Tham gia thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ yêu cầu quán triệt Nghị quyết 18-NQ/TW, nhất là việc tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân.
Theo ông Cường, thực hiện điều này sẽ tạo ra ổn định xã hội bởi khi đạt được thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp sẽ góp phần giảm khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Kết quả cuối cùng của quá trình xây dựng, thông qua Luật Đất đai là thí dụ sinh động nhất để đánh giá năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức, cơ quan hữu quan; năng lực thể chế hóa chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ