Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định xử lý gần 68 tỷ đồng sau Kết luận thanh tra
Ngày 7/2/2023, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra số 2326/KL-TTCP ngày 29/12/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ, về thực hiện về trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2015-2020; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất tại tỉnh Nam Định, giai đoạn 2010-2020.
Đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý sử dụng đất đai tại tỉnh Nam Định theo Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Thanh tra Chính phủ.
Theo Kết luận Thanh tra, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả đạt được, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan còn một số hạn chế, thiếu sót, bất cập trong quá trình thực hiện các lĩnh vực nêu trên.
Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở lĩnh vực như khiếu nại, tố cáo và công khai minh bạch trong chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản thu nhập còn hạn chế.
Việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai vẫn còn một số nội dung thiếu cụ thể, chưa kịp thời… Việc xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra tại một số đơn vị còn chậm chưa cụ thể về phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra, chưa chú trọng việc thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, thanh tra trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng chưa thực hiện thường xuyên.
Chủ tịch UBND các cấp, sở, ngành của Nam Định chưa thực hiện tiếp dân định kỳ đầy đủ; tồn tại việc ủy quyền, phân công cho cấp phó tiếp; công tác ghi chép lại sổ tiếp dân không đủ thông tin; một số cơ quan chậm sửa đổi, bổ sung quy chế tiếp dân theo quy định tại Luật Tiếp công dân 2013...
Công tác giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo còn chưa đầy đủ về trình tự thủ tục, chậm báo cáo, kết luận giải quyết vụ việc…
Chưa kịp thời hủy bỏ một số quy định về cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư không phù hợp; Sở Xây dựng chưa thực hiện công bố giá một số vật liệu cho các dự án giao thông, thủy lợi đã có trên thị trường; UBND tỉnh và UBND các huyện còn chậm rà soát, thành lập các Ban quản lý dự án chuyên ngành, Ban quản lý dự án khu vực.
Qua thanh tra 6 dự án đầu tư xây dựng vốn ngân sách nhà nước cho thấy, vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót như: Thường trực HĐND tỉnh đồng ý chấp thuận chủ trương đầu tư dự án mà không thông qua HĐND tỉnh; áp dụng hình thức quản lý dự án, bố trí nguồn vốn cho dự án chưa phù hợp; có dự án chậm bàn giao đưa vào sử dụng…
Có 6 dự án thuê đất tại Nam Định với tổng diện tích 1,77 ha, chủ đầu tư đã sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính; tỉnh Nam Định cho Công ty TNHH MTV Phương Hiển thuê 512,6 m2 đất tại thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) nhưng không thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Qua thanh tra cũng đã phát hiện 17 doanh nghiệp được cổ phần hóa đang sử dụng khoảng 57,52 ha đất chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý như: lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất.
Một số dự án sử dụng dưới 10 ha đất lúa có văn bản chấp thuận của Thường trực HĐND tỉnh Nam Định nhưng không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa.
Tại dự án đầu tư xây dựng đường tỉnh lộ 489C đoạn từ nút giao Quốc lộ 21 cầu Lạc Quần đến cầu Sa Cao (huyện Xuân Trường) sử dụng 27,5 ha đất trồng lúa nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng.
Qua thanh tra với 3 dự án sử dụng đất, gồm: Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Dương; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Thịnh Long (huyện Hải Hậu), phát hiện chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Yên Dương đã xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất.
Tại dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Thịnh Long, UBND tỉnh Nam Định giao 825.257,9 m2 đất cho Công ty TNHH MTV Đóng tàu Thịnh Long thực hiện nhưng thiếu thủ tục quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ đầu tư không tổ chức lập, điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khi diện tích giảm còn 418.028 m2 theo Quyết định số 54/QĐ-UBND ngày 29/1/2015 của UBND huyện Hải Hậu.
Triển khai san lấp mặt bằng, đầu tư một số hạng mục công trình vào năm 2007 - 2008 khi chưa được giao đất và cấp phép xây dựng; chậm triển khai dự án từ năm 2013, không làm thủ tục điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Trong Kết luận, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức rà soát và xử lý về kinh tế tổng số tiền tạm tính là gần 68 tỷ đồng.
UBND tỉnh Nam Định phải tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền; đồng thời chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến những thiếu sót, vi phạm trong kết luận thanh tra; chỉ đạo Thanh tra tỉnh tăng cường thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất trên địa bàn.
Được biết, ngày 15/2, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị ký ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Kết luận thanh tra số 2326/KL-TTCP ngày 29/12/2022 của Tổng Thanh tra Chính phủ (về trách nhiệm của UBND tỉnh Nam Định trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2015-2020; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất tại tỉnh giai đoạn 2010-2020).
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.