1. Trang chủ /
  2. Kinh doanh lãi đậm với hàng loạt hệ sinh thái các trang tin, VCCorp bị IDG kiện vì sai phạm quản lý tài chính?

Kinh doanh lãi đậm với hàng loạt hệ sinh thái các trang tin, VCCorp bị IDG kiện vì sai phạm quản lý tài chính?

thứ bảy, 17/9/2022 15:51 GMT+07
Cổ đông lớn của VCCorp vừa thông báo khởi kiện doanh nghiệp này vì những dấu hiệu bất thường, sai phạm và vi phạm trong bộ máy quản lý. Trước đó, VCCorp chỉ lãi tượng trưng vài tỷ đồng mỗi năm, nhưng đã tăng vọt lên hàng trăm tỷ đồng trong ba năm gần đây.

Cổ đông lớn khởi kiện lãnh đạo VCCorp

Nhóm công ty IDGVV 15 Limited và công ty IDG Ventures Việt Nam vừa thông báo sẽ thực hiện quyền khiếu nại và khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với các lãnh đạo của VCCorp. Được biết, hai quỹ trên bắt đầu rót vốn vào VCCorp kể từ năm 2007 với tư cách cổ đông lớn. Tuy nhiên đến năm 2018, nhóm cổ đông IDG cho biết đã nhận thấy có các dấu hiệu bất thường, sai phạm và vi phạm trong bộ máy quản lý của VCCorp. Đại diện của Nhóm Cổ đông IDG đã yêu cầu cung cấp thông tin, giải trình trong HĐQT và Đại hội Cổ đông Bất thường, nhằm làm rõ các vấn đề về kiện toàn bộ máy quản lý của VCCorp cùng các nội dung khác trong chương trình họp.

Tuy nhiên, theo IDG các lãnh đạo VCCorp là ông Vương Vũ Thắng và ông Nguyễn Thế Tân đã không hợp tác, nhiều lần biện minh các lý do để không cung cấp hồ sơ. IDG nghi ngờ có hành vi che giấu các sai phạm trong việc quản lý tài chính, bổ nhiệm Ban kiểm soát trái Điều lệ, thông qua các Nghị quyết không tuân thủ theo Điều lệ và Hợp đồng đầu tư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng quyền lợi được pháp luật bảo vệ của cổ đông.

Ông Nguyễn Thế Tân -Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của VCCorp trong sự kiện ra mắt mạng xã hội Lotus
Ông Nguyễn Thế Tân -Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của VCCorp trong sự kiện ra mắt mạng xã hội Lotus


Nhóm cổ đông lớn này cho biết muốn giải quyết vấn đề nội bộ bằng cách nhiều lần gửi công văn, đối thoại và đặt ra các câu hỏi cho HĐQT và Ban giám đốc của VCCorp về việc yêu cầu cung cấp thông tin minh bạch các báo cáo, hồ sơ gồm biên bản, nghị quyết, phiếu lấy ý kiến bằng văn bản. Đồng thời phía IDG cũng đã gửi Thông báo tranh chấp tới Chủ tịch HĐQT nhằm thông báo tranh chấp giữa các Cổ đông và HĐQT. Tuy nhiên, từ 2018 đến nay, IDG đã không nhận được bất kỳ câu trả lời thỏa đáng hay thiện chí hợp tác nào.

Lãi đậm với hệ sinh thái trang thông tin đồ sộ, VCCorp là ai?

Qua tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, Công ty cổ phần VCCorp (VCCorp) được thành lập vào năm 2006 và tự giới thiệu là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và công nghệ cao ở Việt Nam. Theo đăng ký kinh doanh, VCCorp hiện có vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng, do ông Nguyễn Thế Tân, sinh năm 1971, là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. VCCorp cho biết đã xây dựng và ứng dụng hạ tầng Cloud Computing có khả năng lưu trữ và tính toán lượng dữ liệu lớn (Big Data, Data mining) hỗ trợ cho nền tảng công nghệ quảng cáo trực tuyến Admicro, phục vụ trên 50 triệu người dùng (chiếm trên 90% tổng số người dùng Internet tại Việt Nam) với hơn 200 website uy tín, gần 30 website trong số đó thuộc sở hữu độc quyền, phục vụ hàng tỷ lượt xem mỗi tháng.


Đặc biệt, theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận thì VCCorp chính là đơn vị "đứng sau" những trang thông tin điện tử đang "làm mưa, làm gió", có tầm ảnh hưởng lớn với một hệ sinh thái đồ sộ. Các nội dung kênh thông tin với độ phủ rộng bao gồm: Kinh tế tài chính (CafeF, CafeBiz), mảng xã hội (Soha News, kenh14) tới các nội dung chuyên biệt với từng tệp độc giả (Afamily, GenK, GameK, Autopro, Sport5).

Ngoài ra, VCCorp nằm trong top 3 công ty phát hành game trên nền tảng di động với thương hiệu Sohagame, và mới đây hệ sinh thái chuyển đổi số BizFly đang được VCCorp phát triển và triển khai mạnh mẽ. Đồng thời VCCorp cũng là đơn vị xây dựng mạng xã hội Lotus.

Với việc nắm trong tay một hệ sinh thái truyền thông và quảng cáo, không khó hiểu khi doanh thu của VCCorp thuộc top đầu thị trường hiện nay.

Doanh thu của công ty này tăng liên tục trong 5 năm gần đây, từ mức 766 tỷ đồng lên gần 1.000 tỷ đồng vào năm 2021. Lợi nhuận gộp cũng tăng cùng chiều với doanh thu, với tỷ lệ biên lãi gộp trong khoảng 40 - 55%, con số mà không nhiều doanh nghiệp kể cả lĩnh vực khác có thể đạt được.

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của VCCorp không một màu như tốc độ tăng trưởng doanh thu. Chính điều này cũng được nhắc tới trong thông tin khởi kiện của IDG.

Theo đó, trước năm 2018, lợi nhuận của công ty này thấp đến kinh ngạc, chỉ loanh quanh vài chục tỷ đồng mỗi năm, với biên lợi nhuận ròng trên doanh thu chưa tới 3%.

Dù vậy, kể từ khi IDG cho biết nhận thấy có các dấu hiệu bất thường, kết quả kinh doanh của VCCorp lại... bất ngờ khởi sắc. Lợi nhuận năm 2019 tăng vọt lên 135 tỷ, rồi tăng hơn gấp đôi lên 327 tỷ đồng vào năm 2020. Năm 2021, doanh nghiệp nãy vẫn đạt mức lãi hơn 190 tỷ đồng, gấp khoảng 15 lần năm 2018.

Thông tin tới báo Nhà báo & Công luận, phía nhóm cổ đông IDG cũng cho biết, đã đầu tư và hỗ trợ cho sự phát triển của VCCORP trong suốt hơn 15 năm. Tuy nhiên, trong suốt quá trình quản trị, quản lý và điều hành dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thế Tân và ông Vương Vũ Thắng, phía IDG nhận thấy VCCorp đã có nhiều dấu hiệu sai phạm khiến quyền lợi cổ đông bị vi phạm nghiêm trọng, cụ thể: Có dấu hiệu sai phạm trong các vấn đề quản trị kiểm soát nội bộ doanh nghiệp bao gồm việc thành lập, bổ nhiệm các vị trí chủ chốt trong HĐQT và Ban Kiểm soát.

Bên cạnh đó, VCCorp còn có dấu hiệu vi phạm các quy định trong Điều lệ công ty, Hợp đồng Liên doanh trong việc quản lý tài chính. Nhất là dấu hiệu vi phạm các vấn đề về cung cấp các thông tin, các quy định về quản lý vận hành và bảo vệ quyền lợi của cổ đông theo quy định của pháp luật Việt Nam.