1. Trang chủ /
  2. Kinh nghiệm bảo tồn, khai thác tinh hoa di sản thế giới

Kinh nghiệm bảo tồn, khai thác tinh hoa di sản thế giới

chủ nhật, 26/11/2023 10:56 GMT+07
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, câu chuyện “đánh thức” tiềm năng di sản cần nhiều giải pháp đồng bộ từ thể chế, chính sách đến sự phối hợp, chung tay của cộng đồng địa phương để phát triển một cách bền vững.
Machu Picchu phải kiểm soát lượng khách vì quá tải. (Nguồn: Telegraph)

Từ chính sách đến thực tế

Hoạt động quản lý Nhà nước có vai trò quan trọng trong công cuộc khai thác và bảo tồn di sản. Ở những quốc gia phát triển mạnh mẽ về du lịch di sản, vấn đề này thậm chí được đặt lên hàng đầu.

Đơn cử, xứ sở hoa anh đào Nhật Bản có những quy định nghiêm ngặt về các lĩnh vực cần bảo tồn, được chia thành: Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản văn hóa dân gian, tài sản văn hóa, di tích lịch sử, danh thắng và danh thắng tự nhiên, di sản văn hóa là quần thể kiến trúc. Hoạt động bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản của đất nước này đã bắt đầu từ rất sớm. Một số mốc quan trọng như, Nhật Bản thành lập Cục Điều tra và Bảo tồn Bảo vật quốc gia lâm thời vào năm 1888, tiến hành điều tra bảo vật quốc gia trên cả nước vào năm 1897, Chính phủ ban hành Luật Bảo tồn Di tích chùa chiền cổ năm 1898, ban hành Luật Bảo tồn di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên năm 1911. Đặc biệt là vào năm 1929, Luật Bảo tồn bảo vật quốc gia được thực hiện trên khắp Nhật Bản - đây được coi là tiền đề để hoàn thiện bộ luật bảo tồn di sản hoàn chỉnh vào năm 1950. Những năm gần đây, chính phủ tiếp tục sửa đổi Đạo luật Bảo vệ tài sản văn hóa, ban hành Luật Quy hoạch thị trấn lịch sử; Ban hành Luật Phát triển các điểm đến du lịch; Gia tăng ngân sách dành cho phát triển văn hóa và du lịch.

Nhật Bản có những quy định nghiêm ngặt về bảo tồn di sản. (Nguồn: Getty)
Nhật Bản có những quy định nghiêm ngặt về bảo tồn di sản. (Nguồn: Getty)

Tại Trung Quốc, “Thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia” là một cơ chế bảo vệ di tích văn hóa được thành lập vào năm 1982. Theo Luật Bảo tồn di sản văn hóa của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, “Thành phố lịch sử và văn hóa” bao gồm các thành phố có di tích văn hóa đặc biệt phong phú, có giá trị lịch sử quan trọng hoặc có ý nghĩa cách mạng. Từ góc độ quy hoạch hành chính, “Thành phố lịch sử và văn hóa” không nhất thiết phải là “thành phố”, cũng có thể là “quận, huyện” hoặc “trấn”. Tính đến ngày 2/5/2018, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công nhận 135 thành phố lịch sử và văn hóa cấp quốc gia và có những chính sách bảo vệ đặc biệt đối với các di sản văn hóa của những thành phố này. Một số các thành phố tiêu biểu nằm trong danh sách như: Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu, Tô Châu, Lạc Dương, Quế Lâm, Thành Đô, Côn Minh, Thượng Hải, Lệ Giang, Vô Tích… Năm 2005, “Hướng dẫn bảo vệ và quy hoạch các thành phố lịch sử và văn hóa” đã chính thức xác lập các nguyên tắc, biện pháp, nội dung và ưu tiên bảo vệ. Năm 2008, “Quy định về việc bảo vệ các thành phố, trấn và làng lịch sử và văn hóa” đã có hiệu lực, tiêu chuẩn hóa việc phê duyệt và công nhận các thành phố, trấn và làng lịch sử, văn hóa.

Ngoài việc kiện toàn hành lang pháp lý, đầu tư tôn tạo, chính quyền nước này cũng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để vừa bảo tồn di tích, vừa hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Với tiềm năng du lịch to lớn, một khi được công nhận là di sản thế giới sẽ là động lực cho du lịch, giúp phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Trung Quốc chủ trương kết hợp bảo tồn di sản với phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh mang lại lợi ích cho người dân thông qua nhượng quyền, chia sẻ lợi ích và các hình thức khác tùy theo đặc điểm địa phương. Nhiều di sản thế giới như Tử Cấm Thành được Trung Quốc bảo tồn gần như nguyên trạng. Xung quanh đó là các khu phố cổ, nhà ở của người dân được giữ gìn, tôn tạo như cách đây hàng trăm năm. Cảnh quan không bị phá vỡ do có quy định trong bán kính nhất định không được xây dựng kiến trúc cao tầng.

Di sản Tử Cấm Thành được Trung Quốc bảo tồn gần như nguyên trạng. (Nguồn: Getty)
Di sản Tử Cấm Thành được Trung Quốc bảo tồn gần như nguyên trạng. (Nguồn: Getty)

Mặt khác, tại Vương quốc Anh, chính sách quốc gia này quy định hai đơn vị Quỹ Di sản Xổ số Quốc gia (National Lottery Heritage Fund) và Quỹ Di sản Lưu niệm quốc gia (National Memorial Heritage National Fund) là hai cơ quan lớn nhất hỗ trợ các dự án liên quan đến di sản ở cấp độ quốc gia và địa phương từ tài trợ từ Chính phủ. Phạm vi công việc của các quỹ này là hỗ trợ tất cả những tổ chức làm việc liên quan đến di sản, bao gồm các khu di tích lịch sử, công nghiệp và hàng hải, bảo tàng, thư viện và kho lưu trữ, công viên và vườn, cảnh quan và thiên nhiên. Giá trị của các tổ chức này là tập trung vào việc bảo vệ các di sản mà có thể đóng góp vào cuộc sống của người dân. Trong bốn thập kỷ qua, Quỹ Di sản Lưu niệm Quốc gia đã lưu giữ hơn 1.200 vật thể và địa điểm mang tính biểu tượng nhất của Vương quốc Anh, chẳng hạn như tàu chiến của Vua Henry VIII, ngôi nhà đồng quê lớn nhất nước Anh, Flying Scotsman…

Phối hợp nhiều giải pháp

Khi di sản được “đánh thức” và thu hút đông đảo du khách thì thực trạng du lịch quá tải lại trở thành một vấn nạn. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến di sản thiên nhiên cũng đang đứng trước tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu. Bởi vậy, những biện pháp nhằm kiểm soát lượng du khách nhưng vẫn bảo đảm trải nghiệm, ứng phó với các diễn biến thời tiết thay đổi thất thường, cực đoan là những vấn đề được quan tâm nhiều năm nay.

Đơn cử, Khu bảo tồn lịch sử Machu Picchu, tàn tích của nền văn minh Inca và là “viên ngọc quý” của du lịch Peru, từng đón trung bình 4.000 khách du lịch mỗi ngày trong năm 2018 và 2019. Nhiều nhà bảo tồn đánh giá con số này gần gấp đôi lượng du khách phù hợp đến di sản này. Do đó, năm 2020, Bộ Văn hóa Peru thông báo giới hạn lượt khách tham quan Machu Picchu ở mức 2.244 du khách mỗi ngày để giữ gìn hiện trạng của di sản này. Tuy nhiên, dự án sân bay gần thành phố Cusco dự kiến hoàn thành vào năm 2025 khiến chính quyền địa phương phải thay đổi định mức giới hạn lượt khách và mô hình phát triển bền vững. Trọng tâm công tác bảo tồn là xây dựng những tuyến đường mới nhằm giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn diễn ra thường xuyên ở Machu Picchu, đồng thời giúp các cộng đồng bản địa hưởng lợi từ du lịch. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý của Machu Picchu cũng giảm quy mô nhóm tối đa tham quan Machu Picchu từ 16 xuống 12 người. Những du khách có hành vi thiếu tôn trọng và gây tổn hại di tích, bao gồm nằm xuống cỏ, chạy nhảy, la hét, ăn uống và huýt sáo sẽ bị phạt nặng. Những biện pháp này không chỉ góp phần giảm tải từ áp lực quá đông du khách mà còn tăng thêm trải nghiệm cho mỗi chuyến đi không trở thành những chuyến “hành xác”.

Ứng phó với biến đổi khí hậu có thể kể tới một điển hình ở Hy Lạp, các tổ chức liên chính phủ đang sử dụng những công nghệ mới để bảo vệ thánh địa Olympia và Lindos Acropolis, hai di sản thế giới được UNESCO công nhận. Cụ thể, Trung tâm di sản thế giới của UNESCO và nhóm quan sát Trái đất Hellenic (GEO) đã hợp tác để khởi động dự án Đài quan sát khí hậu di sản đô thị (UHCO). Đây là nền tảng toàn cầu sử dụng dữ liệu vệ tinh theo thời gian thực, cảm biến hiện đại và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhanh chóng xác định những thiên tai, ví như cháy rừng, sạt lở đất, lũ lụt,… gần địa điểm di sản, cũng như đánh giá mức độ thảm họa đối với di tích.

Đặc biệt, trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, sự cân bằng, hài hòa, bền vững luôn được coi là mục tiêu hàng đầu, nhất là đối với các cộng đồng bản địa. Tuy nhiên, khi triển khai ở các hoàn cảnh và đối tượng cụ thể, cách ứng xử với các di sản của các bên cũng hoàn toàn khác biệt. Khi ẩm thực với lịch sử 10.000 năm của Mexico được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại từ năm 2010, ẩm thực vùng và địa phương đã trở thành một trong những điểm thu hút mạnh mẽ nhất đối với du lịch trong và ngoài nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho đất nước này. Để phát huy thế mạnh của di sản văn hóa phi vật thể này, Chính phủ Mexico đã công nhận nhiều điểm đến ẩm thực như: bang Oaxaca, Puebla hoặc Yucatan, Nayarit, Colima, Chiapas và thành phố Mexico… Cùng với đó là các chương trình như tuyến đường “Nghìn hương vị” ở Tlaxcala, Puebla và Oaxaca; Chương trình “Con đường của Don Vasco” với sự tham gia của 15 đô thị và 40 làng... Để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản này, sự tham gia của cộng đồng địa phương có vai trò then chốt, cùng với sự định hướng từ chính phủ. Du khách không chỉ thưởng thức văn hoá, trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, nghi lễ, kiến thức lịch sử, kỹ thuật nấu nướng, họ còn yêu thích tìm hiểu phong tục và cách ứng xử của cộng đồng bản địa.