1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. 'Bắt mạch' kinh tế năm 2022

'Bắt mạch' kinh tế năm 2022

thứ tư, 9/2/2022 10:27 GMT+07
(PLM) - Khó có thể dự báo chính xác những gì sẽ diễn ra đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Việt Nam cùng chung bối cảnh ấy. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng có cái nhìn khá lạc quan về bức tranh kinh tế đất nước. Cuộc trao đổi về dự cảm kinh tế năm 2022, cùng nhìn nhận các động lực tăng trưởng mà Việt Nam đã tích luỹ trong thời điểm khó khăn vừa qua, cho phép chúng ta an tâm hơn để làm việc, sản xuất, kinh doanh trong năm Nhâm Dần.

Bàn tròn thực hiện với các chuyên gia: TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS Huỳnh Thanh Điền - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính.

Một năm mới với những khó khăn không có tiền lệ

PV: Năm 2021 là năm đầy thách thức của nền kinh tế Việt Nam với những khó khăn chưa từng có, đó là sự tàn phá của dịch Covid-19 trên tất cả các “mặt trận”. Ý kiến của các ông?

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Năm 2021, kinh tế Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng so với năm 2020. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư tại các tỉnh thành phía Nam mà TP Hồ Chí Minh là “điểm nóng” nhất đã “vô hiệu hóa” hầu hết các cơ hội tăng trưởng mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang có.

Việc bắt buộc phải áp dụng chính sách chống dịch nghiêm ngặt như cách ly tập trung, phong tỏa “vùng đỏ”, chốt chặn bảo vệ “vùng xanh”... gây nhiều khó khăn cho sản xuất và lưu thông hàng hoá trong nước. Các nguồn lực của DN bị đóng băng, không thể lưu thông, thậm chí bị bào mòn do chi phí cố định vẫn phải chi, thậm chí tăng thêm để đáp ứng quy định phòng, chống dịch trong khi doanh thu giảm mạnh hoặc bằng không.

TS. Huỳnh Thanh Điền
TS. Huỳnh Thanh Điền


Những DN có chi phí cố định lớn và vay ngân hàng càng nhiều thì rủi ro càng cao, việc “lệch pha” trong chiến lược “Zero Covid-19” khi thế giới đã chuyển sang thích ứng để phục hồi khiến kinh tế Việt Nam trong quý III/2021 suy giảm nghiêm trọng chưa từng có. Rất may, Chính phủ và các bộ, ngành đã kịp thời điều chỉnh chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Ngay khi được “cởi trói”, các DN đã nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy sự lưu thông hàng hóa trong nước cũng như tận dụng cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Điểm đặc biệt của đợt bùng phát dịch trong năm 2021 là tại các thành phố lớn có mật độ dân cư đông và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp đang là động lực tăng trưởng của cả nước như: Thành phố Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhiều DN ở một số tỉnh, thành đã thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” là “sản xuất - ăn uống - nghỉ ngơi tại chỗ”, nhưng gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.

Các DN vốn đã bị tổn thương từ năm 2020, lại càng gặp nhiều khó khăn hơn khi thị trường tiếp tục ngưng trệ vì giãn cách xã hội ở năm 2021. Đặc biệt, trong khi nguồn lực dự trữ đang cạn dần, các DN vẫn phải mang gánh nặng chi phí như thuê mặt bằng, lương nhân viên, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị… và hàng loạt chi phí sản xuất kinh doanh khác. Chúng ta không chỉ thấy DN nhỏ phá sản, mà nhiều DN lớn cũng bị tác động.

Nhưng thực tế, thời gian qua, bên cạnh chống dịch quyết liệt, Chính phủ đã và đang khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch lớn đa dạng, mục tiêu là dồn các nguồn lực bao gồm cả ngân sách để tạo cú hích mạnh giúp phục hồi kinh tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành.
Tiến sĩ Võ Trí Thành.


Tiến sĩ VÕ TRÍ THÀNH: Tác động tiêu cực lớn nhất của dịch Covid-19 là sự “dịch chuyển ngược” khi hàng triệu người lao động di chuyển từ thành thị, khu công nghiệp về nông thôn. Năm 2021, là năm đầy thách thức với nền kinh tế Việt Nam với những khó khăn chưa từng có, đã làm bộc lộ những vấn đề về thị trường trong nước, chuỗi cung ứng.

Lên kịch bản để khôi phục kinh tế

PV: Trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nguồn lực tài khoá hạn hẹp, sức khoẻ DN suy yếu, nhiều thách thức với vấn đề an sinh, vậy kịch bản phục hồi nên xây dựng ra sao trong năm 2022 thưa các chuyên gia?

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Việc khôi phục kinh tế phụ thuộc vào chính sách ứng phó với dịch bệnh. Khi Nhà nước đã xác định thích ứng, chung sống an toàn, tạo điều kiện để các nguồn lực, dòng vốn của DN được lưu thông thì kinh tế sẽ nhanh chóng phát triển theo quy luật thị trường. Các chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn thời gian qua đã đi đúng hướng và từng bước phát huy được hiệu quả. Điển hình như chính sách giãn nợ, khoanh nợ, không để DN rơi vào nhóm “nợ xấu”; hỗ trợ về chi trả tiền lương, bảo hiểm xã hội giúp DN giảm bớt phần nào áp lực về tài chính.

Về chiến lược phục hồi và phát triển bền vững kinh tế thời gian tới, cần đẩy mạnh đầu tư công bởi việc thực hiện các dự án đầu tư công sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho DN, kể cả DN nhỏ và vừa tham gia vào các gói thầu phụ. Đầu tư công cũng kích cầu, thu hút đầu tư từ DN vào các lĩnh vực khác, thúc đẩy chi tiêu của xã hội.

Song song đó, Nhà nước cần mở rộng nguồn vốn tín dụng cho DN tiếp cận phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, cần có giải pháp để hướng dòng vốn vào hoạt động sản xuất thay vì đầu tư chứng khoán hay bất động sản dễ dẫn đến tình trạng đầu cơ, tăng trưởng nóng nhưng không tạo ra hàng hóa cho xã hội.

Theo tôi sẽ có 4 kịch bản tăng trưởng kinh tế. Kịch bản 1 là: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh đúng hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai đúng hướng thì tăng trưởng GDP có thể đạt 6 - 7%. Kịch bản 2: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh chệch hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai đúng hướng thì tăng trưởng GDP đạt từ 5 - 6%. Kịch bản 3: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh chệch hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai thay đổi nhiều thì tăng trưởng GDP dưới 4%. Kịch bản 4: Mức độ ổn định của các quy định kiểm soát dịch bệnh đúng hướng và chính sách tài khoá tiền tệ triển khai thay đổi nhiều thì tăng trưởng GDP đạt 4 - 5%.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Phục hồi kinh tế, tạo điều kiện để kinh tế quay lại guồng tăng trưởng tốt, trước hết vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Cần đưa ra các điều kiện an toàn và lộ trình phù hợp để từ đó xây dựng các kịch bản cụ thể.

Về các gói hỗ trợ trong năm 2022, cơ quan chức năng cần lựa chọn các DN, các lĩnh vực ngành nghề để thực hiện hỗ trợ, trở lại sản xuất phù hợp. Theo đó, đối với ngành nghề sản xuất nhu yếu phẩm, sản xuất công nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu..., nên ưu tiên để hàn gắn lại không bị vết nứt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động, đảm bảo DN có cơ sở tốt nhất để thực hiện đàm phán, ký kết các hợp đồng với bạn hàng trong nước cũng như nước ngoài.

Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc thống nhất các thủ tục, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ để giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian, chi phí vận chuyển, logistics, bến bãi, kho tàng…

PGS. TS Đinh Trọng Thịnh
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh


Tiền đề cho sự tăng trưởng

PV: Nền kinh tế được nhìn nhận là đang vận động nhanh hơn với trạng thái bình thường mới, đồng nghĩa với việc người dân chi tiêu nhiều hơn, nhu cầu tiêu dùng sẽ đi lên. Năm 2022, theo các ông, nền kinh tế sẽ có những tiền đề gì để tăng trưởng?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2022, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng. Các nhóm hàng điện thoại và linh kiện; máy tính, linh kiện và sản phẩm điện tử; máy móc, phụ tùng; dệt may; da giày; gỗ và sản phẩm từ gỗ; sắt thép… tiếp tục đóng vai trò chủ lực để xuất khẩu của Việt Nam lập kỷ lục mới.

Để tận dụng cơ hội này, chúng ta cần tập trung các sản phẩm, hàng hóa chủ chốt đang có lợi thế xuất khẩu, nhất là các mặt hàng công nghệ cao như điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác. Cơ quan chức năng tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong đó chú trọng hỗ trợ DN khai thác tối đa các Hiệp định FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền: Điều chắc chắn chúng ta có được ở năm 2022 là xuất khẩu sẽ tốt. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thứ nhất khi kinh tế thế giới tăng trưởng tốt hơn thì đơn hàng xuất khẩu sẽ tăng. Thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là cơ hội tăng thị phần sản phẩm Việt Nam vào Mỹ, kèm với đó là các hiệp định thương mại các FTAs luôn mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu.

Trân trọng cảm ơn các vị đã tham gia bàn tròn!