1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Bất động sản lại nóng

Bất động sản lại nóng

thứ năm, 17/2/2022 16:56 GMT+07
(PLM) - Thị trường bất động sản phía Nam tiếp tục “nóng” ngay sau Tết. Các chuyên gia bất động sản nhận định, trong năm 2022, thị trường có nhiều khả năng sẽ thiết lập mặt bằng giá mới, cao hơn nhiều so với năm 2021.
Bất động sản khu vực Nam bộ tiếp tục chứng kiến sự leo thang không ngừng về giá. Bất động sản khu vực Nam bộ tiếp tục chứng kiến sự leo thang không ngừng về giá.

Nhiều nơi tăng bất thường

Giá nhà đất hầu như tăng đều ở nhiều quận, huyện ở TP HCM, với mức tăng giá chào bán sơ cấp trong biên độ 12-15% đối với chung cư và tăng trung bình khoảng 20% đối với đất nền.

Tại các vùng giáp ranh TP HCM như TP Dĩ An, TP Thuận An (Bình Dương), giá nhà đất liền thổ có mức tăng dao động từ 20 - 30%, tùy khu vực. Riêng đối với chung cư mức tăng từ 15-20%. Còn tại Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, tuy mức độ tăng không mạnh bằng TP HCM và Bình Dương nhưng cũng có biên độ tăng khá lớn, trung bình từ 10 -25%.

Giá đất tăng cao nhất phải kể đến các vùng thuộc huyện Bù Gia Mập, Bù Đốp, TP Đồng Xoài (Bình Phước); huyện Di Linh, Đức Trọng và TP Bảo Lộc (Lâm Đồng). Đây là những vùng cách khá xa TP HCM nhưng giá đất liên tục tăng, thậm chí tăng gấp đôi chỉ trong vòng chưa tới nửa năm.

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản (BĐS) cho rằng, giá BĐS ở TP HCM và các vùng phụ cận tăng bởi tác động của các cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm, tại đây đã xác lập đỉnh giá, điều đó đã tác động dây chuyền đến sự “leo thang” BĐS.

Riêng tại các khu vực thuộc tỉnh Bình Dương, ngoài ảnh hưởng trên thì giá đất bị đẩy lên còn có nguyên nhân do đồn đoán quốc lộ 13 sắp được mở rộng và đặc biệt là cơ sở hạ tầng Bình Dương tương đối hoàn thiện, môi trường sống khá thuận lợi.

Riêng về hiện tượng “sốt” đất ở Bình Phước, Lâm Đồng chủ yếu là do “cò” tự đẩy giá. Thực tế ở các địa phương này (trừ các đô thị) quỹ đất còn rất lớn, dân cư thưa thớt, nhu cầu thực không lớn nhưng bằng nhiều chiêu thức khác nhau, “cò” đẩy giá lên rất cao để hưởng lợi. Vì vậy, nguy cơ “bong bóng” ở khu vực này đang dần hiện hữu.

Thực tế cho thấy, thị trường BĐS vẫn có nhiều lợi thế khi thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả nội lẫn ngoại. Với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 - 40 chiếm tỷ lệ 55% thì nhu cầu nhà ở và sức mua sắm vẫn rất lớn.

Ông Nguyễn Đình Cường - Giám đốc một doanh nghiệp BĐS dự báo, thị trường BĐS phía Nam vẫn còn nhiều khả năng tăng trưởng về giá trong năm nay. Tuy nhiên, diễn biến thị trường nhà đất TP HCM và vùng phụ cận khó xảy ra tình trạng tăng giá đại trà khắp nơi như năm 2021. Thay vào giá đất tăng có khả năng rơi vào những khu vực có tiềm năng kinh tế tốt hoặc hạ tầng được đầu tư mạnh.

Vẫn ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông

Đề cập đến các nguyên nhân giá BĐS tăng không ngừng trong những tháng gần đây, ông Phạm Lâm - Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS cho rằng, thời gian qua việc điều hành tín dụng với lãi suất gửi tiết kiệm ở mức thấp đã kích thích dòng tiền chảy vào các kênh đầu tư khác, trong đó BĐS chiếm tỷ trọng khá lớn.

“Lãi suất gửi tiết kiệm thấp khiến nhu cầu tìm kênh trú ẩn an toàn cho dòng vốn tăng lên và đó cũng là lý do khiến thị trường nhà đất vẫn giữ chân được nhà đầu tư cũ, đồng thời đón nhận thêm nhiều nhà đầu tư mới.

Nhiều khảo sát về tiềm năng đầu tư BĐS cho thấy trong vòng 12 tháng tới dự báo nhiều nhà đầu tư F0 (nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường BĐS) vẫn tiếp tục tăng lên. Nguồn cầu tăng trong khi nguồn cung tạm thời chưa tăng kịp, giá bán BĐS có xu hướng đi lên”, ông Lâm nhận định.

Ngoài những yếu tố trên, ông Lâm phân tích, vẫn còn các yếu tố có thể đẩy giá nhà đất “leo thang” trong năm 2022 như: Thuế thu nhập BĐS tăng khi quản lý thuế siết chặt, chi phí vật tư, nhân công, chi phí tài chính cho cả chu kỳ phát triển sản phẩm... đều tăng.

Lãnh đạo Hội Môi giới BĐS nhận định, hàng loạt các biến số cực lớn và nhiều yếu tố cấu thành nên giá nhà đất vẫn còn tồn tại là những lực đẩy mạnh mẽ khiến giá BĐS năm 2022 có xu hướng tiếp tục tăng lên.

“Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý cần tăng cường thêm các chính sách hỗ trợ nhà giá rẻ trong năm nay và các năm tới để đảm bảo nguồn cung, bởi trên thị trường đều đã vươn lên vùng giá rất cao, người có thu nhập thấp khó với tới” - ông Lâm đề nghị.

Một nguyên nhân nữa cũng được đề cập tới đó là các nút thắt trong chính sách dần được tháo gỡ và khả năng phục hồi nền kinh tế. Đây sẽ là các động lực quan trọng để đưa BĐS chuyển động nhanh, thành điểm sáng của năm 2022, nhất là khi có các chính sách tích cực để giải ngân cho các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, khi đầu tư công, nhất là các dự án về hạ tầng được triển khai sẽ là động lực giúp thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh trong năm 2022 và những năm sau đó. Tuy nhiên, cũng cần phải có những chính sách, nhất là chính sách thuế, công khai quy hoạch, phát triển đô thị... để loại bỏ những cơn sốt đất ảo do đầu nậu, cò đất tung tin thổi giá làm nhiễu loạn thị trường.