1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Bộ Công an nêu 5 giải pháp phòng, chống bạo lực học đường

Bộ Công an nêu 5 giải pháp phòng, chống bạo lực học đường

thứ hai, 22/1/2024 23:48 GMT+07
Nhận định tình trạng bạo lực học đường vẫn còn diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, Bộ Công an đưa ra 5 giải pháp phòng, chống.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Cử tri TP HCM mới phản ánh tới Bộ Công an về việc tình trạng bạo lực trong học đường vẫn tiếp diễn ngày càng nhiều, thậm chí có tổ chức, lập thành các nhóm, hội trên mạng xã hội, nhiều vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Cử tri kiến nghị Bộ Công an có giải pháp hiệu quả khắc phục tình trạng trên.

Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua, lực lượng Công an đã tham mưu với Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm, liên tục triển khai nhiều cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, thực hiện các chương trình, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm đạt được kết quả tích cực, trong đó có tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Qua đó, tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan người dưới 18 tuổi giảm 37,7% số vụ so với cùng kỳ năm 2022.

"Tuy nhiên, một số loại tội phạm, vi phạm pháp luật còn diễn biến phức tạp, xu hướng phạm tội lần đầu và trẻ hóa gia tăng, chiếm tỷ lệ cao. Hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, bạo lực trong học đường có lúc, có nơi gây lo lắng, bức xúc dư luận và như cử tri phản ánh", Bộ Công an nêu.

Theo Bộ Công an, nguyên nhân chủ yếu là do: Đạo đức của một bộ phận xã hội xuống cấp, lối sống thực dụng, hưởng thụ, chạy theo lợi ích vật chất, trong đó có một bộ phận thanh thiếu niên; Các ấn phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực trên internet (game online) tác động tiêu cực, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến thanh thiếu niên đang hình thành nhân cách, phát triển nhận thức, tâm sinh lý; Nhiều gia đình chưa quan tâm đúng mức trong việc quản lý, giáo dục con cái (nhất là gia đình bố mẹ ly hôn, tập trung phát triển kinh tế gia đình, người lớn thiếu gương mẫu) hoặc áp đặt cách giáo dục không phù hợp, thường xuyên bạo hành trẻ em; Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục thanh thiếu niên chưa chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao...

Trước tình hình trên, để chủ động nhận diện, đấu tranh quyết liệt với các hành vi phạm tội do người dưới 18 tuổi thực hiện và vấn đề bạo lực trong học đường, nhất là, việc nhóm thanh, thiếu niên sử dụng mạng xã hội để tụ tập, đánh nhau, Bộ Công an đã và đang chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp, như:

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp... tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhân dân, kết hợp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là xây dựng các chương trình, bài giảng tuyên truyền phù hợp với các lứa tuổi thanh, thiếu niên tại các cơ sở giáo dục. Tiếp tục xây dựng gia đình, trường học, khu dân cư văn hóa, an ninh, an toàn, các mô hình tự quản về an ninh, trật tự. Tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục hiệu quả các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên có nguy cơ cao phạm tội tại cơ sở. Lập hồ sơ đưa các trường hợp đủ điều kiện vào diện quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Thường xuyên rà soát, lên danh sách đầy đủ và quản lý chặt chẽ các băng nhóm tội phạm, băng nhóm thanh, thiếu niên có biểu hiện phạm tội để có biện pháp kiềm chế hoạt động, làm tan rã băng nhóm, ngăn chặn không để gây ra các vụ án bức xúc dư luận xã hội. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn cơ sở. Rà soát đúng, đủ và quản lý chặt chẽ các đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ; thanh, thiếu niên hư. Tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động của các băng, ổ nhóm, đối tượng; các hội, nhóm trên không gian mạng để chủ động phát hiện, ngăn chặn các vụ việc đối tượng tụ tập đâm chém lẫn nhau, đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng. Nhanh chóng huy động lực lượng giải quyết kịp thời khi có vụ việc xảy ra theo đúng phương án của Bộ. Tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật tố giác, tin báo về tội phạm; nâng cao tỷ lệ điều tra, khám phá án, phối hợp Viện kiểm sát, Tòa án đưa ra xét xử nghiêm minh để răn đe, phòng ngừa chung.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý cư trú; quản lý an ninh mạng, hạn chế tác động tiêu cực đến thanh, thiếu niên. Triển khai các Tổ công tác kết hợp nhiều lực lượng tuần tra, kiểm soát công khai, kịp thời ngăn chặn “tội phạm đường phố”, xử lý nghiêm các loại đối tượng lưu manh côn đồ, tàng trữ hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, ma túy khi tham gia giao thông.

Phối hợp các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói chung; nghiên cứu xây dựng pháp luật tư pháp người chưa thành niên. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng điều tra thân thiện, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó, tiếp nhận, xử lý thông tin về bạo lực trong học đường, xâm hại trẻ em trên không gian mạng cho Công an địa phương; đánh giá kết quả thực hiện quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội, nhất là xử lý hành vi liên quan bạo lực trong học đường; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội trong thực tiễn áp dụng pháp luật.

Thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng phần mềm thống kê công tác quản lý nhà nước về trẻ em được quy định của pháp luật đối với người dưới 18 tuổi để áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng nhằm ngăn chặn từ sớm, từ xa văn hóa phẩm độc hại ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách trẻ em, lôi kéo người dưới 18 tuổi vào các hoạt động phạm tội.

Những vụ bạo lực học đường đau lòng trong năm 2023
- Ngày 4/4/2023, tại Trường THCS Lý Tự Trọng, thành phố Huế, hai học sinh lớp 6 xô xát ngay trong lớp học dẫn đến một em tử vong. Sự việc xảy ra khi em N.Đ.T ăn thạch dừa trong lớp, sơ ý để nước thạch dừa chảy vào tay và đã chùi tay vào tường. Bạn cùng lớp là H.V.G.B nhìn thấy góp ý dẫn tới hai bên cãi nhau. T sau đó xông vào hành hung, xô B ngã đầu đập vào bàn học. B được giáo viên đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi.
- Ngày 16/4, em N.T.Y.N (học sinh lớp 10A15, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) tự tử tại nhà riêng. Gia đình cho biết em bị bạn học cô lập, đả kích một thời gian dài. Cụ thể, N chơi thân với một nhóm bạn ở lớp nhưng đến trước ngày 20/11/2022 thì ngừng chơi. Sự việc khiến N bị tâm lý, thường xuyên chán nản, sợ đi học, sợ đến trường. N liên tục xin nghỉ học vì lý do sức khỏe. Cuối học kỳ I, N nhắn tin cho cô giáo chủ nhiệm hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp, cô giáo nói không có, song không tìm hiểu lý do vì sao. 3 tháng sau đó, N tự tử.
- Ngày 3/6, trong tiệc chia tay, em T.V.V (học sinh lớp 9C, trường THCS Hưng Thủy, Quảng Bình) đã bị một nhóm bạn khối 9 đưa ra sau khu vực nhà vệ sinh hành hung hội đồng. Sau đó em V bị nhiều bạn lao vào đánh đến thương tích. Phải nhập viện trong trạng thái chấn thương và hoảng loạn tinh thần, V bỏ lỡ kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào ngày 7/6. Theo kết luận giám định tâm thần, tỉ lệ tổn thương cơ thể của V là 23% và sau hơn một tháng điều trị, tỉ lệ này giảm xuống 21%.
- Ngày 26/10, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại cảnh em V.V.T.K (học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội), bị nhóm bạn cùng lớp đánh hội đồng lan truyền trên mạng xã hội. Đoạn clip ghi lại từ tháng 6. Đến tháng 9 nhà trường mới phát hiện sự việc. Theo thông tin xác minh từ cơ quan chức năng, đoạn clip chỉ ghi lại một trong nhiều lần cháu K bị bạn đánh hội đồng. Cuối tháng 9/2023, cháu K được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương chẩn đoán bị rối loạn phân ly (một dạng của rối loạn tâm thần).
- Ngày 19//9, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh một nữ sinh bị cô giáo đuổi ra ngoài hành lang và khóc đến mức kiệt sức. Dù học sinh liên tục xin lỗi nhưng cô giáo vẫn tiếp tục mắng khiến nữ sinh hoảng loạn. Thậm chí cô giáo còn túm cổ áo, kéo lê học sinh. Sự việc xảy ra tại trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, Hà Nội và cô giáo trong đoạn clip là giáo viên chủ nhiệm lớp 12D4.
- Đầu tháng 12/2023, mạng xã hội rúng động khi xuất hiện đoạn clip cô giáo bị một nhóm học sinh nhốt trong lớp, dồn vào góc tường, liên tục có hành động xúc phạm, ném dép vào người. Sự việc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang....
Trên đây chỉ là một số vụ bạo lực học đường điển hình trong năm 2023.
Từ năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra gần 700 vụ bạo lực học đường, liên quan đến hơn 2.000 học sinh, trong đó có 800 học sinh nữ.