Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”: “Trở đi mắc núi, trở về mắc sông”
Áp lực 3T
Một cuộc toạ đàm trực tuyến về vấn đề này đã được Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) tổ chức sau khi có nhiều DN chế biến gỗ xuất hiện các ca F0, trong đó có chùm 248 ca F0 tại Công ty CP Kỹ nghệ Long Việt ( Dĩ An- Bình Dương).
Ông Phạm Ngọc Phước – Giám đốc điều hành Công ty An Khang Furniture, Ủy viên Ban chấp hành BIFA - cho rằng, nếu nói ở nhà là yêu nước thì những DN làm 3T là yêu nước gấp đôi. “Chúng tôi làm 3T không phải vì lợi ích của DN vì thực tế chi phí đội lên rất nhiều nhưng vẫn chọn phương án này vì có duy trì sản xuất thì công nhân mới có thu nhập…” - ông Phước chia sẻ.
Để triển khai 3T, theo ông Phước, DN này phải trải qua 4 “ải” lớn: Thứ nhất là sự đồng thuận của NLĐ (như An Khang Furniture phải 4 lần họp kêu gọi mới có 65% NLĐ đồng thuận); Thứ hai, test COVID-19 đầu vào, nếu có F0 từ đầu coi như “nghỉ cuộc chơi ; Thứ ba, lo chỗ ăn uống, ngủ nghỉ cho NLĐ (DN có 48 tiếng để chuẩn bị); Thứ tư, nguyên vật liệu đủ cho sản xuất.
Vẫn nguyên trong bộ quần áo bảo hộ và bộ đàm trong tay dự Tọa đàm, ông Lê Xuân Tân - Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) - giải thích rằng để khi có vấn đề gì xuống ngay phân xưởng. Qua màn hình trực tuyến, ông Tân chia sẻ những hình ảnh của DN đang thực chế độ 3T với những kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, theo các lớp, từ hàng rào tôn với dây thép gai, đến khu sản xuất, khu ăn ở, nghỉ ngơi, vệ sinh cho NLĐ, khu bố trí dành riêng cho F0…
Ông Tân cho biết, DN đã xây dựng 55 nhà tắm cho khoảng 300 công nhân, phân theo các khu vực. “Chúng tôi cũng thiết lập 3 lớp hàng rào bảo vệ nhà máy, khu ăn, nghỉ của NLĐ với tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Trước khi vào sản xuất theo mô hình 3T chúng tôi đều test nhanh, test PCR, có người được test tới 5 lần…" – ông Tân nói.
Chi phí để DN đầu tư thực hiện 3T, theo DN này là nhiều vô kể.“Chỉ riêng cồn phun khử khuẩn hàng ngày cho toàn bộ nhà máy không biết bao nhiêu tiền…” - ông Tân nói và cho biết, dù vậy chưa bao giờ DN mong muốn nhưng thứ mình đầu tư không phải sử dụng đến.
“Vỡ mặt” vì F0…
Giám đốc điều hành An Khang Furniture Phạm Ngọc Phước cho biết, hiện DN đang là ngày thứ 10 áp dụng mô hình 3T. “Rất may đến giờ này dây chuyền vẫn ổn. Công ty định kỳ test sàng lọc cho công nhân mỗi tuần một lần. Nếu cuối tuần này xét nghiệm tiếp không phát hiện ca nghi nhiễm thì công ty may mắn sẽ ở vùng xanh an toàn" – ông Phước nói.
Tuy nhiên, đại diện DN cũng đang rất lo lắng vì đã có những ca F0 trong các DN thực hiện 3T ở Bình Dương. Báo cáo sơ bộ của BIFA cho biết, hiện nhiều DN chế biến đồ gỗ tại Bình Dương đã xuất hiện các ca F0 như: Công ty Long Việt, Công ty Hoa Nét, Công ty Tân Nhật, Công ty Minh Dương, Công ty SKS Furniture, Công ty Vietnam Housewares…
Điển hình là Công ty Long Việt, tính đến ngày DN phát hiện 248 NLĐ bị F0 (trong tổng số 288 NLĐ thực hiện 3T) khi DN đã thực hiện 3T được 4 tuần. Trong đơn kêu cứu vì kiệt sức hôm 25/7, DN này cho biết từ ca F0 đầu tiên không rõ nguồn lây (qua test nhanh), phải 3 ngày sau DN mới có kết quả PCR thì gần như toàn bộ NLĐ trong DN thành F0.
Theo ông Bùi Như Việt - Tổng giám đốc Công ty Long Việt, trước khi triển khai 3T DN đã thực hiện test đầu vào toàn bộ NLĐ có kết quả âm tính. Không biết COVID-19 xâm nhập vào DN bằng cách nào là vấn đề nhiều DN băn khoăn.
Đại diện một DN chế biến gỗ có vốn FDI (DN không muốn nêu tên) cho biết, ngày 15/7, DN bắt đầu làm 3T, ngày 18/7 thực hiện test nhanh, nhưng phải đến ngày 21/7 sau khi test lại lần hai, DN phát hiện ca F0. DN đã nhanh chóng đưa F0 ra khu cách ly, phân luồng F1, F2. Sau đó Ban lãnh đạo đã có cuộc nói chuyện với NLĐ để họ bình tâm lại. Một mặt, DN mời bệnh viện đến làm PCR cho toàn bộ NLĐ, một mặt liên hệ với các cơ quan chức năng để đưa F0 đi điều trị. “Sau 4 ngày liên hệ, đến ngày thứ 5 công ty bất lực. Phải đến ngày thứ 6, sau khi CDC Bình Dương có kết luận về trường hợp F0 của DN, Y tế phường mới liên lạc để đưa F0 đến nơi điều trị...” - DN này cho hay.
Nhưng khi test lại toàn bộ nhà máy (25/7), trong số F2 có 2 trường hợp F0. “Quy trình như trước, hiện 2 F0 này vẫn ở nhà máy và chờ kết quả của CDC, cũng phải mất 6 ngày…” - đại diện DN chia sẻ và cho biết rất thông cảm với độ ngũ y tế vì họ cũng quá tải.
Tiếp tục hay dừng?
"Chúng ta đều rất mong manh trước sự tấn công của COVID-19, chỉ cần có 1 ca F0 thôi là dừng lại, nhưng dù khó vẫn phải cố gắng…” - ông Phạm Ngọc Phước (An Khang Furniture) chia sẻ. Nhưng theo DN này, cũng không thể kéo dài 3T được, cùng lắm là 3-4 tuần, vì NLĐ có nhiều lý do bỏ cuộc, nên việc “giữ lửa” cho NLĐ là rất khó.
Chia sẻ về câu chuyện của DN, đại diện DN có vốn FDI cho biết, DN đã chuẩn bị rất kỹ khi thực hiện 3T nhưng khi có F0, kịch bản thay đổi hoàn toàn. “Quyết định của DN không đúng ngay từ đầu mặc dù cái tâm là để NLĐ có thu nhập, duy trì cuộc sống an toàn hơn là sống ở khu nhà trọ bên ngoài. Nhưng bây giờ thấy sai rồi, tinh thần NLĐ rất mệt mỏi…”- DN này bày tỏ.
Cũng theo DN, sau 8 ngày thực hiện 3T, DN phải để 1 phân xưởng không có NLĐ nhiễm bệnh ra về sau khi test âm tính. Để cho 138 NLĐ quay về, DN phải liên hệ với Công an, Y tế phường, xin giấy đi đường, liên hệ với khu nhà trọ xem NLĐ có quay về được không. Hiện DN còn khoảng 150 người vẫn trong nhà máy, trong đó cơ 15 người khối quản lý, hành chinh vẫn phải chăm sóc các F…
Theo ông Lê Phước Vân – Giám dốc Cty Tư vấn Hạnh gia, Uỷ viên Ban chấp hành BIFA, việc tiếp tục hay dừng tùy thuộc điều kiện mỗi DN. “Nếu ở bên ngoài không an toàn thì tại nhà máy là nơi NLĐ yên tâm hơn!” - ông Vân nói, đồng thời cho rằng nếu DN muốn dừng cuộc chơi cũng không dễ vì NLĐ muốn ra ngoài phải có kết quả âm tính, cách ly 15 ngày, và quan trong ở quê hay khu nhà trọ có chấp nhận cho quay về không?
“Có F0 là điều không tránh khỏi và không ai mong muốn, DN rất mong nhận được sự đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như dư luận xã hội để vững tin thực hiện 3T, duy trì sản xuất trong bối cảnh khó khăn này” - đại diện BIFA đề nghị.