1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. DOANH NGHIỆP VIỆT VÀ BÀI TOÁN “CÔNG NGHỆ XANH”: Bài 1: Kinh nghiệm hay từ Hòa Phát và Canon Vietnam

DOANH NGHIỆP VIỆT VÀ BÀI TOÁN “CÔNG NGHỆ XANH”: Bài 1: Kinh nghiệm hay từ Hòa Phát và Canon Vietnam

thứ hai, 29/8/2022 07:57 GMT+07
(PLM) - Tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia (197 quốc gia) Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết đưa ra mục tiêu tiết kiệm năng lượng, hiện thực hóa giảm phát thải, trung hòa carbon vào năm 2050. Cam kết của Việt Nam cũng chính là nỗ lực của các doanh nghiệp (DN) trong nước giai đoạn vừa qua trong việc quản lý năng lượng hiệu quả. Tuy nhiên, việc tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng là một “bài toán” khó, chi phí đầu tư rất lớn, khiến nhiều DN “đau đầu”.

Thực tế, việc cải tiến trang thiết bị; đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo; tái sử dụng nguồn nhiệt thải… là cách nhiều DN trong nước ứng phó với chi phí điện, nhiên liệu tăng cao hiện nay. Đặc biệt, nhận thức được sự sống còn của việc tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững, mang đến các “sản phẩm xanh”, nhiều DN đã chấp nhận đầu tư khoản chi phí lớn để đạt được hiệu quả lâu dài.

Hòa Phát và công nghệ “tuần hoàn khép kín”

Năm 2021 và 2022, phụ tải điện liên tiếp lập “đỉnh” tại Việt Nam. Năm 2021, phụ tải đỉnh vượt hơn 3.200MW so với 2020 thì năm 2022 vượt 3.300MW so với 2021. Trong khi, công suất của hai Nhà máy Thủy điện Sơn La và Lai Châu cộng lại mới chỉ bằng 3.200MW. Nếu cứ mỗi năm có một ngày thời tiết cực đoan, phụ tải đỉnh tăng với mức tăng lớn hơn công suất 2 Nhà máy thủy điện (nằm trong top 3 nhà máy lớn nhất Việt Nam) cộng lại; thì hệ thống điện quốc gia sẽ gặp rất nhiều nguy cơ.

Ở tầm vĩ mô, Quốc hội đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào 2010. Chính phủ cũng ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm; các Chỉ thị về tiết kiệm điện theo từng giai đoạn...

Trước thực tế trên, hàng loạt DN đã có những động thái hưởng ứng tích cực. Hòa Phát là một trong những DN điển hình, đi đầu trong tiết kiệm năng lượng khi nhiều năm gần đây đều tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng tiền điện/năm từ việc sử dụng “công nghệ xanh” trong sản xuất.

Có thể lấy một con số để dễ hình dung, 6 tháng đầu năm 2022, số tiền tiết kiệm được từ tự chủ nguồn điện của Hòa Phát tương đương khoảng trên 2.200 tỷ đồng; khi tổng lượng phát điện của các nhà máy nhiệt điện thuộc Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát tại Hải Dương và Dung Quất đã đạt hơn 1,4 tỷ kWh,.

Phó Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Cty Thép Hòa Phát Dung Quất, ông Bùi Đức Nam cho biết, chính giải pháp công nghệ hiện đại “tuần hoàn khép kín” giúp Hòa Phát thu hồi triệt để mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện lò coke, luyện gang lò cao để vận hành máy phát điện đã giúp Hòa Phát chủ động được nguồn điện cho các đơn vị.

Điều này không những giúp giảm tải cho hệ thống điện quốc gia mà còn là một giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Canon và giải pháp tích trữ năng lượng giờ thấp điểm

Còn tại Cty TNHH Canon Vietnam, ông Komatsu Hirokazu, Giám đốc bộ phận Thiết bị & Môi trường, khẳng định, từ khi thành lập Cty đến nay, Canon luôn chú trọng vào việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm giảm gánh nặng cho môi trường.

Trong 5 năm gần đây, Canon đã đầu tư nhiều dự án tiết kiệm năng lượng như hợp tác với BQL Khu công nghiệp lắp đặt và sử dụng hệ thống cung cấp điện mặt trời. Canon còn lắp đặt bể đá nhằm tích trữ năng lượng trong giờ thấp điểm để sử dụng năng lượng trong giờ cao điểm. Theo ông Komatsu Hirokazu, hoạt động này đóng góp vào giảm tải lưới điện quốc gia các giờ cao điểm, cân bằng lượng tiêu thụ...

Canon cũng thúc đẩy dự án tiết kiệm năng lượng từ việc thiết lập KPI năng lượng hàng năm, phân bổ chỉ tiêu tiêu thụ và giảm thiểu năng lượng cho từng phòng, ban; xây dựng kế hoạch giảm thiểu, thực hiện, giám sát hàng tháng. Với nhiều biện pháp, Canon đã đạt được thành tựu đáng kể, là giảm thiểu lượng tiêu thụ điện năng khoảng 23% giai đoạn 2016 - 2021. Trung bình mỗi năm chi phí tiết kiệm năng lượng của Cty đạt khoảng 400 – 500 ngàn USD.

Câu chuyện tiết kiệm năng lượng của Hòa Phát, Canon là điển hình tiêu biểu, bởi thay thế, chuyển đổi các thiết bị tiết kiệm điện là một hình thức đầu tư không có rủi ro và sinh lợi nhìn thấy. Thời gian qua, đối mặt “cơn bão” xăng dầu, nhiều DN đã phải tính toán tái cơ cấu hoạt động kinh doanh để giảm thiểu chi phí sử dụng nhiên liệu từ nguyên nhiên liệu hóa thạch; thay đổi quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ, thay thế máy móc, sử dụng năng lượng tái tạo để thay thế nhiên liệu truyền thống ngày càng đắt đỏ và khan hiếm… để tiết kiệm năng lượng. Thực tế, chi phí bỏ ra lớn, nhưng tiết kiệm có được là hiện hữu và lâu dài. Hiệu quả “nhiều trong 1” còn ở chỗ ngoài tiết kiệm chi phí, việc sử dụng nguồn năng lượng sạch giúp sản phẩm tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra khu vực và thế giới.

Chi phí đầu tư lớn, DN vẫn nên làm

Dù đã có nhiều DN nhận thức được việc cần làm ngay để tiết kiệm năng lượng, nhưng theo Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Võ Quang Lâm, thì hiệu quả của các chương trình tiết kiệm điện vẫn chưa được như mong muốn.

l Nhà máy Canon Thăng Long lắp đặt bể đá nhằm tích trữ năng lượng trong giờ thấp điểm để sử dụng năng lượng trong giờ cao điểm.


Cùng quan điểm, ông Chu Bá Thi, chuyên gia năng lượng cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, kết quả tiết kiệm năng lượng của Việt Nam đạt được trong những năm qua còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, đặc biệt trong ngành công nghiệp khi tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể lên tới 20 - 30%.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra, là do chi phí đầu tư tiết kiệm năng lượng khá lớn. Nhiều DN thực hiện tiết kiệm năng lượng hiệu quả chia sẻ “đầu tư ban đầu cho tiết kiệm năng lượng thực sự lớn và quá sức so với nhiều DN trong nước”. Ông Đặng Việt Thanh, Trưởng phòng Công nghệ, Cty CP Thép Hòa Phát Hải Dương cho biết, ở Hòa Phát, chi phí cho thiết bị xử lý môi trường lên đến 30% tổng chi phí cố định. “Nhưng xét về hiệu quả đem lại lâu dài thì nên làm và chắc chắn không ít DN sẵn sàng dám làm”, ông Thanh nói: “Nhiều nhà máy lớn trên thế giới đều chấp nhận đầu tư để tối ưu thiết bị và hiệu quả sản xuất. Lý do là tiết kiệm năng lượng vừa giải quyết tốt vấn đề môi trường, vừa tối ưu hóa chi phí (khi giảm phụ thuộc vào điện lưới quốc gia), qua đó tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm”.

Giám đốc bộ phận Thiết bị & Môi trường, Cty TNHH Canon Vietnam, ông Komatsu Hirokazu cho biết, Canon Vietnam đã thực hiện các hoạt động giảm thiểu năng lượng hơn 10 năm nay. Hiện tại, khi áp dụng hoạt động tiết kiệm năng lượng, dù chi phí đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn lâu, tuy nhiên với phương châm “Cộng sinh - Sống và làm việc vì lợi ích chung”, cùng với cam kết đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam, Canon Vietnam đã đưa vấn đề tiết kiệm năng lượng lên hàng đầu trong chính sách bảo vệ môi trường.

“Tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam chưa hiệu quả là do nhiều DN không đủ tiềm lực đầu tư cho việc này. Thực tế, đây cũng là một trong những khó khăn mà Canon gặp phải. Nhưng chúng tôi cho rằng với DN, thì cần xem xét việc cân bằng giữa kinh phí đầu tư và lợi ích thu về, đặc biệt lợi ích tiết kiệm năng lượng có ý nghĩa lâu dài. Bởi vấn đề không chỉ là tiết kiệm chi phí mà còn có nhiều ý nghĩa khác như bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính công nhân viên, từ đó quyết định các biện pháp hài hòa với quy mô, tiềm lực của DN”. Ông Komatsu Hirokazu cho hay.

(Còn tiếp)

(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 241 ra ngày 29/8/2022)