1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Giải pháp công nghệ “Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”

Giải pháp công nghệ “Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”

thứ năm, 25/8/2022 16:00 GMT+07
(PLM) - Sáng 25/8 tại Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội (HUCE) chủ trì phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Đại học Xây dựng (NUCETECH), Liên minh Quyền nhà ở châu Á (ACHR) và Công ty Cổ phần Đầu tư Tiếp thị Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai giải pháp công nghệ “Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ”.


Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Đây cũng là một trong những hoạt động của đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở các đô thị Việt Nam, thí điểm tại Hà Nội”. Mô hình này khi được thực hiện góp phần bổ sung vào các mô hình xã hội hóa hiện có, thúc đẩy việc giải quyết vấn đề chung cư cũ. Mô hình cũng có thể coi như một dạng công nghệ nguồn để có thể nhân rộng tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết: Trên cả nước, hiện có hàng nghìn khu chung cư cũ, nhà chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, cần cải tạo và xây dựng lại; song kết quả công tác này lại còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã và đang được chính quyền thành phố hết sức quan tâm, tìm các giải pháp và nguồn lực để giải quyết nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tại, HUCE, NUCETECH cũng đang thực hiện một số đề tài khoa học công nghệ có liên quan, trong đó có đề tài cấp Bộ: “Nghiên cứu đề xuất giải pháp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ ở các đô thị Việt Nam, thí điểm tại Hà Nội”; Mã số: B2022-XDA-08; Thời gian thực hiện: 2022 – 2023.

PGS.TS. Phạm Xuân Anh – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo.


Đánh giá về tính cấp thiết, thực tiễn của Hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Anh khẳng định: Hội thảo sẽ là cơ hội tốt để mở ra các diễn đàn trao đổi những vấn đề, giải pháp công nghệ cho việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội, đồng thời kết nối các bên liên quan, các tổ chức phi Chính phủ, phi lợi nhuận để hỗ trợ cho người dân trong việc cải thiện chất lượng nhà ở, đem đến một chất lượng sống tốt cho người dân đô thị.

Tham dự và phát biểu tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã trình bày một số nội dung về thực trạng cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội; những kinh nghiệm pháp lý liên quan đến xử lý chung cư cũ ở một số quốc gia; mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tư vấn, hỗ trợ cộng đồng hộ dân quy hoạch, thiết kế, giám sát thi công xây dựng…

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Minh Hiếu – Đại diện nhóm nghiên cứu đề tài khoa học công nghệ cấp Bộ của HUCE đã có những chia sẻ về kinh nghiệm pháp lý liên quan đến xử lý, cải tạo chung cư cũ tại một số nước trên thế giới như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc. Theo đó, kinh nghiệm pháp lý về xử lý, cải tạo chung cư cũ tại Trung Quốc là công khai lợi ích của nhân dân khi cải tạo chung cư cũ để có được sự đồng thuận cao nhất; chú ý đến vấn đề tham vấn và sự hài lòng, đồng thuận của cộng đồng trong quá trình cải tạo chung cư cũ. Trung Quốc quan niệm rằng, cải tạo chung cư cũ không chỉ là một dự án sinh kế lớn mà còn là một dự án phát triển.


Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã trình bày một số tham luận liên quan tới vấn đề cải tạo chung cư cũ.

Tại Hàn Quốc, người dân góp tiền cùng doanh nghiệp tư nhân để kinh doanh thu lợi nhuận về cho dự án và cho chính bản thân. Để thực hiện mô hình hợp tác này, các chủ sở hữu các tài sản trong khu dân cư được chính quyền thành phố chỉ định phải tái phát triển tập hợp lại và thành lập một hiệp hội các chủ sở hữu một cách dân chủ.

Tại Singapore, các tòa nhà xuống cấp sẽ được phá hủy hoặc xây mới. Chú trọng tham vấn ý kiến cư dân trong việc xử lý, cải tạo chung cư cũ. Nếu người dân đồng ý thì Chính phủ sẽ mua lại toàn bộ khu nhà, đền bù tiền cho người dân để mua một ngôi nhà khác. Tiếp đó, Chính phủ toàn quyền quyết định việc xây dựng lại khu chung cư. Nếu người dân chưa đồng ý, thì được tiếp tục sinh sống cho đến khi thời gian sở hữu (90 năm).

Trình bày tham luận về mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, TS. Phạm Đình Tuyển – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch HUCE cho biết: Trong nhiều năm, Thành phố Hà Nội chỉ mới cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ khoảng hơn 1,2%, từ đó cho thấy đây là vấn đề không đơn giản. Mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ là mô hình xã hội hóa phổ biến tại nhiều quốc gia. Song tại Việt Nam, đây là mô hình vẫn còn mới mẻ nên còn nảy sinh nhiều vấn đề cần thảo luận, trao đổi và hoàn thiện trong thực tiễn.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, đặt ra nhiều câu hỏi xoay quanh các nội dung liên quan. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm hiện thực hóa mô hình cộng đồng hộ dân tổ chức liên kết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, góp phần giải quyết vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang vô cùng bức xúc trong giai đoạn hiện nay.

Khánh Hòa – Tiến Hào


Có thể bạn quan tâm