1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Giảm căng thẳng thị trường xăng, dầu

Giảm căng thẳng thị trường xăng, dầu

thứ tư, 12/10/2022 10:21 GMT+07
Cả nước có khoảng 500 doanh nghiệp phân phối và 36 doanh nghiệp nhập khẩu xăng, dầu nhưng vẫn diễn ra tình trạng khan hiếm, những ngày qua hàng trăm cửa hàng “thông báo hết xăng” hoặc bán nhỏ giọt. Câu hỏi đặt ra là, trách nhiệm của liên bộ Tài chính – Công thương ở đâu khi để xảy ra tình trạng này.
Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại cây xăng trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Ảnh: Xuân Ngọc. Người dân xếp hàng chờ mua xăng tại cây xăng trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội). Ảnh: Xuân Ngọc.

Liên bộ chưa đồng thuận

Dự kiến, ngày 12/10 dưới sự chủ trì của Bộ Công thương, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng, dầu, doanh nghiệp sản xuất xăng dầu họp bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho thị trường trong nước. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các cây xăng ngừng bán hàng lan từ Bắc ra Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đồng loạt kêu khó khăn.

Theo quan điểm của Bộ Công thương, tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đóng cửa tại TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk… là không phổ biến, do có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.

Chiều ngày 10/10, trên địa bàn TPHCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết xăng (chiếm 20%). Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung. Đến sáng ngày 11/10, trước thời điểm điều chỉnh giá vài giờ, vẫn ghi nhận tình trạng người dân TPHCM đổ đi mua xăng, khiến nhiều cửa hàng xăng, dầu đông nghẹt, phải dùng thanh chắn để phân luồng khách. Tại Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên, vào sáng ngày 11/10, tại một số cây xăng người dân xếp hàng chờ đến lượt mua xăng khá phổ biến.

Trong khi đó người đứng đầu Bộ Tài chính Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói rằng, cơ quan quản lý nhà nước về xăng, dầu là Bộ Công thương. Việc đảm bảo nguồn cung xăng, dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng, dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Tài chính chỉ có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng, dầu.

Dữ liệu cập nhật từ Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tháng 9, cả nước nhập khẩu 627.652 tấn xăng, dầu các loại, kim ngạch 616,1 triệu USD, tăng 34,8% về lượng và tăng 27,8% về kim ngạch so với tháng trước đó.

Lượng xăng, dầu nhập khẩu trong tháng 9 trở về mức tương đương các tháng gần đây. Cụ thể, tháng 7 là 650.952 tấn, tháng 6 là 617.787 tấn. Từ đầu năm đến nay, tháng 3 ghi nhận lượng nhập khẩu xăng dầu nhiều nhất, lên tới 1,28 triệu tấn.

Như vây có thể thấy rằng, nguồn cung nhập khẩu xăng, dầu không giảm. Một lần nữa câu hỏi đặt ra, tại sao cây xăng lại nghỉ bán hàng?

Trong khi Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa tìm ra được nguyên nhân chính của việc cây xăng ngừng bán đồng loạt thì chỉ có người tiêu dùng khổ nhất, có tiền cũng không mua được xăng.

Công thức tính giá của Bộ Tài chính liệu còn phù hợp?

Chiều ngày 11/10 giá xăng được điều chỉnh tăng sau nhiều lần giảm. Trước đó nhiều ý kiến cho rằng có tình trạng các doanh nghiệp bán nhỏ giọt hoặc ngưng bán là để găm hàng chờ lên giá. Vậy nhưng, một nhân viên tại cây xăng Petrolimex trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội) nói rằng, nếu có hàng mà không bán lực lượng Quản lý thị trường đến kiểm tra sẽ phạt nặng. Tiền lãi mà do găm hàng không bù được tiền phạt. Phần lớn các cây xăng ngừng bán là hết hàng thực sự.

Vậy nguyên nhân sâu xa của cảnh hỗn loạn trên thị trường xăng, dầu là đâu? Trong cuộc trao đổi với phóng viên sáng ngày 11/10, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc tại Trà Vinh, khẳng định các cây xăng không bán hàng là do đứt nguồn cung, mà đứt nguồn cung nguyên nhân là xăng, dầu nhập về bán không có lãi. Còn nguyên nhân sâu xa là công thức tính giá của Bộ Tài chính khiến cho doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt thòi nhất, càng bán càng lỗ.

Nghị định 95 có quy định: Giá xăng, dầu thế giới do Liên Bộ Tài chính, Bộ Công thương xác định theo nguyên tắc tính bình quân theo số ngày có giá giữa 2 kỳ công bố, giá cơ sở căn cứ theo giá các sản phẩm xăng, dầu được giao dịch trên thị trường quốc tế, nghĩa là tính bình quân của khoảng 10 ngày sát gần ngày nhất công bố giá cơ sở.

Cách tính này được cho là bất hợp lý là vì có nội dung "thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng, dầu có tổ chức hệ thống phân phối xăng, dầu phải bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng, dầu bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng".

Điều đó có nghĩa một doanh nghiệp mua xăng, dầu lại chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng, dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy, nếu 10 ngày trước đó mua giá cao thì xem như doanh nghiệp lỗ trắng 10 ngày của giai đoạn trước nếu chu kỳ điều hành giá bán lẻ kỳ này giảm.

Tương tự, nếu giá xăng, dầu thế giới liên tục giảm và các kỳ điều hành giá bán lẻ liên tục giảm thì doanh nghiệp đầu mối liên tục bị lỗ, kéo theo chiết khấu liên tục bị bóp lại đến 0 đồng, thậm chí là âm khi cộng thêm phí vận chuyển.

Ngược lại, nếu giá thế giới liên tục tăng thì doanh nghiệp luôn có lãi, do chi phí hàng tồn kho, giá vốn của 10 ngày dư ra đó thấp. Như vậy, nếu giá thế giới tăng liên tục qua các kỳ điều hành giá thì doanh nghiệp có lãi. Nhưng khi doanh nghiệp lãi thì cơ quan quản lý lại tăng các loại thuế phí, chẳng hạn như thuế bảo vệ môi trường từ 1.000 đồng/lít xăng, dầu, rồi tăng lên 2.000 đồng/lít, 3.000 đồng/lít, thậm chí là 4.000 đồng/lít để điều chỉnh lợi nhuận của công ty đầu mối, đồng thời có lúc trích quỹ bình ổn trên 1.000 đồng/lít.

Do vậy theo ông Giang Chấn Tây cần phải thay đổi công thức. Nhiều chủ cây xăng cũng cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ không có quyền gì trong kinh doanh xăng, dầu. Chiết khấu do đầu mối quy định, hàng phân phối cũng do đầu mối cấp. Sự bất ổn trên không chỉ do giá xăng chưa được tính đúng, tính đủ khiến các cửa hàng bán lẻ càng bán càng lỗ mà còn do nguồn cung thiếu hụt.

Ở góc nhìn chuyên gia, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, việc các cây xăng đóng cửa có 2 nguyên nhân. Thứ nhất là nguồn cung khan hiếm. Thứ hai là do chi phí kinh doanh không hợp lý, lợi nhuận cho người bán không thỏa đáng dẫn đến càng bán càng lỗ. Trong đó, ông Long nhấn mạnh chi phí kinh doanh và premium là hai chỉ tiêu hết sức quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu. Tuy nhiên, cách tính chi phí kinh doanh từ lâu đã lỗi thời so với hiện nay. Khi đó doanh nghiệp không bù đắp được chi phí bỏ ra sẽ thua lỗ. Từ đó doanh nghiệp chiết khấu cho các đại lý thấp đi, việc chiết khấu thấp khiến các đại lý không đảm bảo được mức lãi, không đủ trang trải chi phí, lỗ và họ sẽ ngừng kinh doanh.

“Mấu chốt hiện nay là giải quyết bài toán bù đắp chi phí cho doanh nghiệp. Tuy nhiên mức điều chỉnh bao nhiêu mới là vấn đề quan trọng cần do Bộ Tài chính nghiên cứu” - ông Long nhấn mạnh.

Giá xăng, dầu tăng trở lại

Sau điều chỉnh, từ 15h chiều ngày 11/10, mỗi lít xăng RON 95 có mức giá mới là 22.000 đồng; xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng. RON 95-III là loại phổ biến chiếm trên 60% lượng xăng bán trên thị trường và được liên Bộ Công thương - Tài chính điều hành. Với mức tăng thêm hôm nay, giá xăng RON 95 trở lại ngưỡng giá 22.000 đồng, về ngang giá hồi tháng 12/2021.

Ở kỳ điều hành này, các mặt hàng dầu đồng loạt tăng mạnh (trừ dầu mazut). Theo đó, dầu diesel tăng 1.960 đồng một lít, lên 24.160 đồng; dầu hoả đắt thêm 1.140 đồng, có giá mới 22.820 đồng. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá bán là 14.090 đồng một kg.

Mức trích lập vào quỹ với xăng RON 95-III giảm 50 đồng, về 400 đồng một lít; E5 RON92 cũng hạ 200 đồng, còn 200 đồng một lít. Nhà chức trách ngừng trích lập quỹ với dầu hoả, dầu diesel; còn mức trích lập vào quỹ với dầu mazut giảm 33 đồng, về 708 đồng một kg. Nhà điều hành cũng đã tăng chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và premium trong nước (chi phí bình quân lượng xăng dầu doanh nghiệp đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở.


Có thể bạn quan tâm