1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Gỡ “thẻ vàng” IUU: Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

Gỡ “thẻ vàng” IUU: Mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm tàu cá vi phạm

thứ tư, 21/9/2022 14:32 GMT+07
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm trên biển và tại các cảng cá.

Ngày 20/9, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU) thực hiện các khuyến cáo của Uỷ ban châu Âu (EC).

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến cấp xã của 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Còn tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài

Báo cáo kết quả thực hiện chống khai thác IUU, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, hiện toàn quốc có 91.716 tàu cả. Tính đến nay, công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá đã có tiến bộ đạt 95,27%, tăng hơn 5% so với trước.

“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; đặc biệt là tại các khu vực vùng biển trọng điểm”, ông Trần Đình Luân nói.

Từ quý IV/2021 đến nay đã kiểm tra, kiểm soát gần 80 nghìn lượt tàu cá.

Các địa phương như Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa đã làm tốt, giảm đáng kể các vụ việc tàu cá vi phạm; đặc biệt là Phú Yên (từ năm 2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc vi phạm).

Dù vậy, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, việc xử lý vi phạm hành chính còn bất cập.

“Các tỉnh thực thi pháp luật không đồng đều, có tỉnh lập biên bản, có tỉnh gọi đến nhắc nhở, có tỉnh thì phạt. Do đó, có tình trạng tàu của tỉnh này chạy sang tỉnh kia”, ông Tiến nêu.

Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, trong đó đề xuất cảnh sát biển có quyền xử phạt.

 Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Đ.Tuân

Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam thông tin, vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Cho nên, cần có chế tài mạnh, xử lý nghiêm hành vi này.

“Đi biển chỗ nào nhiều cá, chỗ nào vùng biển của ta, chỗ nào là vùng biển nước ngoài thì tài công (thuyền trưởng) biết rõ. Hiện việc xử phạt tài công chưa đủ mức răn đe. Ở một số nước, chủ yếu là xử phạt tài công, có nước phạt tù, còn ngư dân thì chỉ phạt tiền”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết, tỉnh đã ra yêu cầu các tàu cá lắp thiết bị hành trình và hỗ trợ thuê bao viễn thông trong 3 năm. Hiện 100% tàu cá đã lắp thiết bị.

Tuy nhiên, theo ông Giang, dù lắp thiết bị nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá ngắt thiết bị hoặc lắp sang tàu khác. Bên cạnh đó, là vướng mắc về xác định ranh giới trên biển đối với việc xử phạt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Cùng chung khó khăn, vướng mắc như ở Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Đinh Văn Thiệu kiến nghị Trung ương đẩy mạnh các dự án trung tâm nghề cá.

Các ý kiến cũng cho rằng, cần điều tra, xử lý, xử phạt dứt điểm hành vi cố tình hoặc các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, khung pháp lý và cơ chế chính sách cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại, bất cập.

Kể về các chuyến kiểm tra cảng cá, quản lý đội tàu, ông cho biết, việc ghi nhật ký đánh bắt sơ sài, có trường hợp gần như không ghi gì. “Nếu không có nhật ký thì rất khó truy xuất nguồn gốc”, ông Tiến nói.

Thêm nữa, tàu lắp đặt VMS nhưng kết nối vào thì không liên tục và thường xuyên, nên “lúc thì đổ cho thiết bị, lúc thì đổ cho thời tiết”. 

Thành lập ngay đoàn liên ngành

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định việc gỡ “thẻ vàng”, không để EC rút “thẻ đỏ” là rất cấp bách, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đến đời sống của ngư dân, ngành xuất khẩu thuỷ sản cũng như uy tín, thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề này và đã có nhiều cuộc tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo cấp cao của Liên minh Châu Âu về cam kết, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU; đề nghị EC sớm gỡ "thẻ vàng" IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chỉ đạo, chỉ thị thực hiện các biện pháp để tháo gỡ vấn đề này.

Theo Phó Thủ tướng, kết quả đạt được có tiến bộ so với trước, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành. Ảnh: Đ.Tuân

Trong đó, việc cấp giấy phép khai thác thủy sản với tàu dài từ 15m trở lên mới đạt 96,7%; tàu dưới 15 mét mới đạt 46,6%. Việc lắp đặt VMS trong năm 2022 còn chậm (mới tăng được 5%).

Đặc biệt, còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản còn nhiều tồn tại.

Phó Thủ tướng lưu ý, đây là vấn đề lớn, nếu không khắc phục được thì không những không gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”.

Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương chỉ đạo các tổ chức, cơ sở, đội nhóm và từng ngư dân phải khắc phục bằng được những tồn tại trong thời gian sớm nhất.

Phó Thủ tướng yêu cầu thành lập ngay các đoàn liên ngành, ở Trung ương do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, ở địa phương do lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách đi kiểm tra cụ thể, kịp thời phát hiện, xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.

Các lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, kiểm ngư, công an các địa phương đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên biển và tại các cảng cá. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đề ngư dân hiểu rõ rủi ro, tác hại, từ đó nâng cao ý thức trong chống khai thác IUU.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Đề án Phòng, chống khai thác IUU đến năm 2025 vừa được Thủ tướng ban hành, phát triển ngành khai thác, chế biến, xuất khẩu thuỷ - hải sản Việt Nam an toàn, bền vững.