1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Hà Nội: Triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hà Nội: Triển khai lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

thứ hai, 24/7/2023 21:04 GMT+07
UBND TP Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai công tác lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quang cảnh Hội nghị,

Bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, việc tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô nhằm tổ chức, phân bổ, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, qua đó, khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, Hà Nội đang tập trung quyết liệt để phấn đấu hoàn thành việc lập quy hoạch Thủ đô theo tiến độ đề ra.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, Hà Nội sẽ bảo đảm tiến độ, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu theo quy định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Báo cáo công tác lập Quy hoạch Thủ đô tại hội nghị, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh đã điểm lại một số dấu mốc cùng tiến độ thực hiện từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 7/3/2022.

Gần đây nhất, ngày 31/5, Viện đã ký Hợp đồng với Liên danh tư vấn, gồm 7 đơn vị, trong đó, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đứng đầu liên danh và 6 Viện nghiên cứu hàng đầu của các Bộ, ngành.

Viện cũng đã chủ trì, phối hợp và tham mưu UBND TP tổ chức gần 60 cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành về công tác lập Quy hoạch, trong đó Chủ tịch UBND TP đặc biệt quan tâm và trực tiếp chủ trì 8 cuộc họp để định hướng về nội dung cũng như công tác tổ chức lập Quy hoạch.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội kiến nghị UBND TP chỉ đạo các sở, ngành; UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục phối hợp Viện và liên danh tư vấn đẩy nhanh tiến độ triển khai các hoạt động lập Quy hoạch Thủ đô đảm bảo chất lượng, hiệu quả; đồng thời, tiếp tục chỉ đạo tổ chức một số hội thảo khoa học quan trọng; phối hợp với các tỉnh, thành tổ chức các hội thảo, tọa đàm các vấn đề có tính liên vùng, liên tỉnh…

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, việc thu thập số liệu kinh tế - xã hội thông qua các ngành, quận huyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong lập quy hoạch. Số liệu đầu vào cần chính xác, đánh giá đúng hiện trạng.

Tới đây, Sở sẽ cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học cấp TP về 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ cho lập Quy hoạch Thủ đô và các công việc nhằm bảo đảm việc lập Quy hoạch trong thời gian ngắn nhưng bảm đảm chất lượng cao nhất.

Đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Thay mặt cho các đơn vị liên danh 7 đơn vị tư vấn báo cáo nhanh một số ý tưởng chính trong quy hoạch Thủ đô, GS. TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh xác định đặc trưng của Hà Nội vẫn là “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Xanh - Thông minh - Thịnh vượng” và là TP kết nối toàn cầu.

Định hướng phát triển các ngành kinh tế xác định kinh tế dịch vụ là động lực, trong đó, dịch vụ đô thị là nguồn chính. Hà Nội định hướng là trung tâm logistics hàng không và phân phối hàng hoá khu vực phía Bắc. Văn hoá, di sản, du lịch và dịch vụ vui chơi giải trí phải trở thành nguồn lực chính cho phát triển.

Đại diện liên danh tư vấn cũng nêu các ý tưởng về nhiệm vụ bảo tồn khu phố cổ và khu kiến trúc Pháp; cải tạo chỉnh trang các khu phố cũ, chung cư cũ; phát triển các trục đô thị hướng tâm kết nối với đô thị vệ tinh và trung tâm vùng; quy hoạch giao thông đường sắt; quy hoạch giao thông đường bộ đô thị; quy hoạch không gian dịch vụ hai bên sông Hồng; quy hoạch con đường di sản văn hoá; quy hoạch khai thác các di sản văn hoá lịch sử theo cơ chế PPP; quy hoạch TP khoa học, TP du lịch - văn hoá và TP thu hút giới tinh hoa cùng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện Quy hoạch.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Hà Nội đang đứng trước cơ hội “khác thường” khi lập, điều chỉnh cả Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) cùng thời điểm.

Hội nghị đã thể hiện quyết tâm của TP để không bỏ lỡ cơ hội định hướng phát triển của Thủ đô trong thời đại mới với sứ mệnh tạo hình mẫu, dẫn dắt cả nước. Ông lưu ý, để lập được bản quy hoạch đúng nghĩa cho Thủ đô Hà Nội cần đánh giá được lợi thế, tiềm năng khác biệt để từ đó biến thành sức mạnh của Hà Nội.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, TP đang trong thời điểm quan trọng bởi đang triển khai đồng bộ 3 nội dung là tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025; tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với thời gian rất gấp.

Nhấn mạnh khối lượng công việc hiện nay là rất lớn để hoàn thành cả 3 nội dung nêu trên với thời gian không còn nhiều, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, sau hội nghị, lãnh đạo các đơn vị, sở ngành, quận huyện chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung công việc được phân công trong thời gian ngắn, đánh giá đầy đủ hiện trạng, cung cấp cơ sở dữ liệu để các đơn vị tư vấn, đơn vị lập, điều chỉnh Quy hoạch thể hiện khát vọng phát triển mỗi địa phương bằng những đồ án, mô hình cụ thể.

Chủ tịch UBND TP cũng đưa ra yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 để cả hai đồ án quy hoạch có sự khớp nối, bảo đảm kịp tiến độ, trình Chính phủ xin ý kiến Quốc hội trước khi xem xét, phê duyệt Quy hoạch trong thời gian tới.