1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Học để "làm người" - Viết cho thế giới ngày mai

Học để "làm người" - Viết cho thế giới ngày mai

chủ nhật, 18/9/2022 09:41 GMT+07
Mỗi khi nghĩ về trẻ em, về mùa Trung thu tôi thường nhớ tới bài “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” (nhạc Lê Mây, thơ Phùng Ngọc Hùng) và bài “Em như chim bồ câu trắng” (nhạc và lời Trần Ngọc). Bởi mỗi khi hai ca khúc ấy cất lên, tôi như thấy cả triệu điệp khúc mến thương tuổi niên thiếu trở về.
Trẻ em ở Lễ hội Mặt nạ. Trẻ em ở Lễ hội Mặt nạ.

Đừng bắt trẻ em thực hiện ước mơ của người lớn

Hồn nhiên nhất là trẻ thơ và lắm mơ ước nhất cũng là trẻ thơ. Là người trải qua tuổi thiếu niên như bất cứ ai, giờ tôi cũng là một ông bố có con như hàng triệu ông bố khác. Bố mẹ nào cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái mình. Trong xã hội, ở đâu cũng có thể thấy khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, “Hãy làm những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ”... Nhưng hãy nhìn lại xem chúng ta đã thực sự làm được gì cho các thế hệ con em của chúng ta?

Tác giả bài viết và trẻ em vùng cao.
Tác giả bài viết và trẻ em vùng cao.

Lâu nay, chuyện cha mẹ đặt ước mơ lên vai con cái đã trở nên phổ biến và chục năm qua, nhiều bậc cha mẹ thúc em con cái học hành, đạt điểm cao, đỗ vào trường uy tín. Nhiều em còn bị cha mẹ định hướng, ép học thêm các môn năng khiếu mặc dù các em chưa có đam mê, hứng thú. Điều đó đã đặt lên vai con cái áp lực học hành, đến nỗi các em đã phải phản kháng bằng nhiều hình thức tiêu cực. Như thể các em bị dồn vào đường cùng, bị tra tấn trong mớ bòng bong ước mơ của người lớn. Đúng hơn, các em đã phải nỗ lực, vất vả để thực hiện ước mơ của bố mẹ, để đến mức lâm vào trạng thái trầm cảm, chán sống. TS Vũ Thu Hương, giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 1 cho rằng, nhiều phụ huynh không nắm rõ được mục tiêu học tập của học sinh gồm nhiều thứ như kỹ năng sinh tồn, sống tốt, sống thành công, sống hạnh phúc chứ không phải chỉ dồn vào mục tiêu học thật giỏi kiến thức trong sách vở. Nhiều phụ huynh ngày nay không chấp nhận việc con mình thua kém bạn bè, học dốt, thậm chí không chấp nhận việc con bị đúp. Chính áp lực này đã dồn lên đứa trẻ.

Áp lực đổ lên đầu học sinh không chỉ từ sự thúc ép của gia đình, mà ở trường lớp thầy cô cũng yêu cầu quá cao. Cũng bắt các em phải “ghi điểm” trong bảng thành tích của nhà trường. Nhiều năm qua, chuyện dạy và học luôn trở thành đề tài nóng, nhất là việc dạy học cho trẻ em. Chuyện đổi mới giáo dục, chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực người học đã được bàn đến nhưng việc thực hiện chưa được bao nhiêu. Biết bao chuyên gia đã phân tích rất kỹ, đa chiều về “bệnh thành tích” trong giáo dục. Nhưng điều đó dường như vẫn chưa có thuốc đặc trị. Nếu cứ chăm chăm vào truyền đạt kiến thức là đi trái với sứ mệnh trường học. Trường học, vốn dĩ phải là nơi vui vẻ, hạnh phúc vì đó là nơi truyền thụ kiến thức, ươm mầm những tài năng nhưng học sinh lại cảm thấy khổ sở khi phải theo học do chương trình nặng, cách dạy học thiên về truyền thụ kiến thức. Chưa kể, bệnh thành tích trong nhà trường đã trở thành “nỗi sợ hãi” trong một số học sinh.

Bước vào năm học 2022 - 2023 khối THPT, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh xác định: “Học để làm người công dân tốt, có kỹ năng để thích ứng với đô thị thông minh và quá trình hội nhập quốc tế; Học để làm con hiếu thảo, có trách nhiệm, thấu hiểu “công ơn” và hành động để thể hiện “biết ơn”; Học để có nghề nghiệp hiệu quả, nuôi mình và gia đình; Học để đóng góp cho thành phố và đất nước”... Nhiều trường học ở Hà Nội bước vào năm học mới đã chọn những chủ đề năm học hướng tới giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh như “Năm học bảo vệ môi trường”, “Năm học nhân ái”, “Năm học biết ơn”... Song, đó thực ra mới là những mục tiêu, những khẩu hiệu. Để đạt những mục tiêu ấy thành hiện thực, thành những sản phẩm là lứa học sinh nhận biết được tầm quan trọng của việc học làm người, đòi hỏi sự nỗ lực của cả giáo viên, cha mẹ học sinh và các cơ quan chuyên môn. Không nên biến nó thành những khẩu hiệu suông, hoặc chỉ là theo phong trào, rồi đâu lại vào đấy, với những cuộc thi đua điểm cao đầy áp lực, cuộc đua vào trường công, rồi như ở đâu đó gần như học sinh cả lớp đều có giấy khen.

Để các em nói tiếng trẻ thơ

Trở lại với ca khúc “Em như chim bồ câu trắng”. Người lớn hãy để các em được như chim bồ câu tung cánh giữa trời. Các em bay theo cách của các em, nói tiếng nói và trưởng thành theo cách của các em. Em có năng khiếu thể thao thì đừng ép con phải theo học làm ca sĩ, có năng khiếu kinh doanh đừng bắt con phải học giỏi môn vẽ để trở thành họa sĩ… PSG, TS Nguyễn An Chất - chuyên gia nghiên cứu tâm lý cho rằng, ở độ tuổi mầm non, các bé có xu hướng thích được vui chơi. Một số phụ huynh còn “mua chuộc” con đi học bằng cách hứa mua cho con những món quà vật chất, điều này nảy sinh ra tâm thế thụ động, ỷ lại. Lớn lên, làm gì cũng phải “được cái gì đó” thì mới làm việc. Cái thiếu hụt lớn nhất của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo Việt Nam là không phát hiện được tiềm năng của trẻ.

Những đường thêu đầy ước mơ của các em nhỏ.
Những đường thêu đầy ước mơ của các em nhỏ.

Thực tế, ở các thành phố lớn đã từng diễn ra các hội thảo mà ở đó, đa phần đại biểu là trẻ em. Các em được chia sẻ, nói tiếng nói của mình, nêu nguyện vọng của mình đối với chính quyền địa phương, đối với ước mơ của chính các em. Tuy nhiên, những hội thảo như thế vẫn còn quá ít ỏi, chưa đủ sức tác động đến xã hội.

Có rất nhiều trẻ em ước mơ trở thành cảnh sát giao thông, trong đó có những em khuyết tật, mắc bệnh xương thủy tinh. Tôi còn nhớ rất rõ, vào năm 2015, em Đỗ Tuấn Dũng, bệnh nhi ung thư máu có ước mơ một lần được làm cảnh sát giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông Đà Nẵng đã giúp em được toại nguyện, đã trở thành một câu chuyện vô cùng xúc động. Sáng 21/11/2015, đúng ngày sinh nhật Dũng, từ ngoài cổng bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc (Trưởng phòng cảnh sát giao thông - Công an TP Đà Nẵng) dẫn đường tiến vào sân. Dũng được chính Đại tá Ngọc mặc lên người bộ cảnh phục, đội mũ kê-pi ngay ngắn. Nhận từ tay “thần tượng” của mình chiếc còi, gậy ma-trắc, quân hàm chiến sỹ bậc 1; cậu bé mới 9 tuổi dõng dạc chào mọi người theo điều lệnh rồi bắt đầu hai tiếng “tuần tra” như đúng ước nguyện của em. Hình ảnh cháu bé ung thư ở Đà Nẵng được hiện thực hóa giấc mơ làm cảnh sát giao thông khiến cộng đồng xúc động. Từ đó nhiều nơi đã lan tỏa câu chuyện, giúp cho nhiều ước mơ trẻ em khác trở thành sự thật.

Nhiều trẻ em khuyết tật mơ ước được đến trường, được học, được khỏe mạnh. Nhiều em được sống trong điều kiện vật chất đầy đủ thì ước mơ gia đình hạnh phúc, lớn lên trở thành giáo viên, bác sĩ, kỹ sư… Có những em ước mơ trở thành người bình thường. Tất cả những ước mơ của các em, tiếng nói của các em đều đáng được lắng nghe, chia sẻ, tiếp sức. Bởi chính các em là những người vẽ hình hài tương lai thế giới sau này.

Giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt
Trong một phát biểu tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), bà Andrey Azouley, Tổng giám đốc UNESCO cho rằng, Việt Nam rất coi trọng giáo dục. Theo bà, để vượt qua được những thách thức trong thế kỷ XXI, đòi hỏi sự vào cuộc, nỗ lực không ngừng của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc giáo dục trẻ. Năm nay, ngành giáo dục và nhiều trường đã chọn những chủ đề năm học hướng tới việc giáo dục kỹ năng sống, đạo đức, lòng nhân ái. Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục chú trọng phát triển kỹ năng, hài hòa “đức, trí, thể, mỹ”. Dường như các trường đều trăn trở và hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc, để mỗi thầy cô luôn hạnh phúc, tự hào với nghề. Học sinh được bình đẳng tiếp cận giáo dục và không trẻ nào bị bỏ lại phía sau. Hơn hết, giáo dục cần tôn trọng sự khác biệt, giúp các em trở thành người bản lĩnh, tự tin. Người dạy phải giúp các em thấu hiểu chính mình, biết sống với đam mê và chủ động giải quyết các vấn đề trong cuộc sống... Nhưng để làm được điều đó cần có “kiềng ba chân”: Nhà trường - gia đình - xã hội. Đúng như lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nói: “Nếu thiếu đi sự thấu hiểu, đồng hành, chia sẻ từ phía phụ huynh cũng như xã hội thì việc đổi mới rất khó khăn”.