1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Hơn 22.000 tỷ đồng đã được ngành giao thông vận tải giải ngân

Hơn 22.000 tỷ đồng đã được ngành giao thông vận tải giải ngân

thứ tư, 7/9/2022 23:33 GMT+07
(PLM) - Lũy kế đến hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến giải ngân được 22.195 tỷ đồng gồm 2.638 tỷ đồng vốn nước ngoài và 19.557 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngày 7/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan tham mưu, chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Sở GTVT các địa phương nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện triển khai, tiến độ giải ngân các công trình, dự án giao thông.

hon 22000 ty dong da duoc nganh giao thong van tai giai ngan hinh 1
Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án tập trung kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện những dự án giao thông. Ảnh minh họa.

Báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Kế hoạch Đầu tư Lưu Quang Thìn cho biết, lũy kế đến hết tháng 8/2022, Bộ GTVT dự kiến giải ngân được 22.195 tỷ đồng, đạt 44,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Với khối lượng giải ngân cao của các Ban quản lý dự án, kết quả giải ngân hết tháng 8/2022 của Bộ GTVT cao hơn bình quân chung của các bộ, cơ quan trung ương (32,36%).

Một số Ban quản lý dự án, chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt, vượt so với kế hoạch là Ban quản lý dự án Thăng Long, Ban quản lý dự án Đường thủy, Ban quản lý dự án 85, Ban quản lý dự án 7, Sở GTVT Kon Tum, Sở GTVT Hà Giang. 

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các Sở GTVT Thừa Thiên Huế, Hòa Bình, Long An, Đắk Lắk đã giải ngân 100% kế hoạch 2022 để thu hồi ứng trước kế hoạch.

Đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngành GTVT đã giải ngân cao hơn cả bình quân chung cả nước khoảng 5%. Tuy nhiên vẫn thấp so với kế hoạch của Bộ GTVT đã đề ra.

Bên cạnh các Ban quản lý dự án, chủ đầu tư vượt kế hoạch giải ngân, có 2 Ban quản lý dự án và 11 Sở GTVT có kết quả giải ngân thấp hơn tỷ lệ bình quân của Bộ. 

Do đó Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Sở GTVT các địa phương nâng cao trách nhiệm, tăng cường năng lực, nhân sự, tập trung kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân theo yêu cầu của Chính phủ.

Đặc biệt quan tâm đến chất lượng các dự án, thủ tục thực hiện đúng theo quy định pháp luật về xây dựng cơ bản. 

Tổng hợp những vấn đề phát sinh về khối lượng, giải phóng mặt bằng, có kế hoạch điều chỉnh quy mô, cân đối lại nguồn vốn được bố trí cho phù hợp.