1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

Lạm dụng thực phẩm ngọt: Suy giảm sức khỏe gia đình

thứ hai, 15/4/2024 16:05 GMT+07
Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần, gây nguy hiểm cho sức khỏe bởi những tác nhân từ bệnh không lây nhiễm. Con số đáng báo động này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cảnh báo tại Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường vừa diễn ra vào đầu tháng 4/2024.
Trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. (Ảnh minh họa - Nguồn: Shutterstock)

Trẻ nghiện ngọt dễ dẫn đến thay đổi tâm lý

Trẻ em hỏng răng vì thói quen ăn ngọt - vấn đề này không mới nhưng các bác sĩ răng hàm mặt vẫn phải liên tục lên tiếng cảnh báo trước thực trạng các bệnh về răng miệng liên quan đến đồ ăn, thức uống có nhiều đường ngày càng gia tăng. Thông tin tại Trung tâm Kỹ thuật cao khám, chữa bệnh răng hàm mặt của ĐH Y Hà Nội cho thấy có những bệnh nhân rất nhỏ tuổi nhưng đã bị sâu cả hàm răng do thói quen ăn vặt, ăn quá nhiều bữa, ăn nhiều bánh kẹo và uống nước ngọt. Những thực phẩm này khiến cặn bám vào răng nhiều và chuyển hóa thành acid phá hủy men răng, dẫn đến sâu răng.

Không chỉ mắc bệnh về răng miệng, thói quen ăn ngọt còn khiến trẻ em gặp nhiều nguy hiểm cho sức khỏe. Bằng chứng là bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp có tuổi đời ngày càng trẻ.

Trao đổi với truyền thông, bà Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia từng cho biết, mỗi người chỉ nên sử dụng 20 gam đường mỗi ngày, trong khi đó uống hết một lon nước ngọt, là đã dùng tới 36 - 63 gam đường. Phụ huynh ngày nay có điều kiện chăm sóc vật chất và ăn uống cho con tốt hơn, nên nhiều trẻ đã nạp quá nhiều đường vào cơ thể, dẫn đến việc tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã từng tiếp nhận bệnh nhân mới 9 tuổi đã bị tiểu đường type 2.

Một vấn đề đáng lo ngại nữa là có sự khác biệt giữa trẻ ăn nhiều đường và trẻ không hoặc ít ăn đường. Theo nghiên cứu của GS. Li Meijin - chuyên gia tâm lý nổi tiếng của Trung Quốc, nếu trẻ thích ăn và nghiện đồ ngọt một thời gian dài, nếu như không được đáp ứng nhu cầu ăn thỏa thích sẽ dễ nổi nóng, cáu gắt, tâm thần bất an. Và cũng theo nghiên cứu của GS. Li Meijin, không chỉ trẻ em, người lớn cũng lâm vào tình trạng này nếu hảo ngọt.

Lý giải của bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Bệnh viện Quân y 175 TP HCM cho thấy, khi ăn thực phẩm chứa đường, các hormone vui vẻ như dopamine, endorphine được giải phóng, làm giảm cảm giác căng thẳng. Não cũng cần nguồn năng lượng chính từ glucose, do đó khi ăn ngọt khiến não bộ có cảm xúc, hưng phấn, giúp xoa dịu tâm trạng hiệu quả.

Tuy nhiên, lạm dụng đường sẽ khiến tuyến tụy hoạt động quá mức, tăng lượng insulin để điều chỉnh lượng đường trong máu. Thói quen này cũng làm cạn kiệt khả năng sản xuất insulin của tụy và đề kháng insulin khiến tế bào bị đói glucose, kể cả tế bào não. Ngoài ra, chế độ ăn nhiều đường liên quan đến suy giảm nhận thức, rối loạn lo âu, trầm cảm và nghiện.

“Lạm dụng đồ ngọt không phải phương pháp lâu dài để điều trị stress, giải tỏa căng thẳng. Nhiều người cảm thấy giảm stress khi ăn đồ ngọt, nhưng lâu dần bị nghiện ngọt, dẫn đến bệnh tật”, theo bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa.

Hành động quyết liệt để giảm đồ uống có đường

Ngày 5/4 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về tác hại của đồ uống có đường. Tại Hội thảo, PGS Trương Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia đã cho biết, nước ngọt hiện đang là đồ uống gây nghiện, nhiều người yêu thích, tỷ lệ thuận với tình trạng béo phì.

Tại Việt Nam, số liệu thống kê năm 2020 cho thấy 19% số học sinh thừa cân béo phì, khu vực thành thị như TP HCM và Hà Nội, tỷ lệ có thể lên tới 40%. Ở người trưởng thành, con số này khoảng 20%, riêng TP HCM là 30%.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2002, trung bình một người Việt tiêu thụ 6,04 lít đồ uống có đường. Năm 2021, con số này là 55,78 lít, tức tăng gấp 10 lần. Kết quả điều tra sức khỏe học sinh, sinh viên năm 2019 của WHO tại Việt Nam cho thấy 34% học sinh 13 - 17 tuổi sử dụng nước ngọt có gas ít nhất một lần trong ngày, trong khi điều tra tương tự vào năm 2013 ghi nhận con số này là 30%.

Theo bà Angela Pratt - Trưởng đại diện Văn phòng WHO tại Việt Nam, trong 10 năm qua, trung bình mỗi người Việt uống 1 lít đồ uống có đường/tuần. Tiêu thụ nhiều đồ uống có đường dẫn đến thừa cân, béo phì và hàng loạt bệnh lý đi kèm. Thanh, thiếu niên từ 15 - 19 tuổi, cứ 4 người ở độ tuổi này có 1 người thừa cân, béo phì.

Trước thực tế đáng lo ngại này, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hành động quyết liệt để đảo ngược xu hướng lạm dụng nước uống có đường, giảm thừa cân, béo phì. Trên thế giới, một biện pháp phổ biến giảm đồ uống có đường là tăng giá thông qua tăng thuế đồ uống có đường.

Hiện hơn 100 quốc gia áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Nghiên cứu cho thấy, nếu giá thành đồ uống có đường tăng 10% sẽ giảm 11% nhu cầu tiêu thụ. Người dân chuyển sang thức uống lành mạnh hơn, ngăn chặn thừa cân, béo phì, giảm nguy cơ bệnh không lây trong tương lai.

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tùy vào cấu tạo sẽ có những loại đường khác nhau là: đường đơn, đường đôi và đường đa. Đường đôi, đường đa thường có trong những thực phẩm tự nhiên như gạo, trái cây, trong khi đường đơn là những loại đường thường đã qua chế biến, tinh luyện có trong bánh kẹo, nước ngọt... Đường đôi, đường đa nhanh mang lại cảm giác no nên có thể kiểm soát tốt hơn lượng nạp vào. Khác với đường đôi và đường đa, ăn bánh kẹo, uống nước ngọt chứa đường đơn luôn chưa có cảm giác no nên dẫn đến ăn nhiều, làm tăng nguy cơ bệnh tật. Hiện nay, nhiều người bớt ăn cơm nên lượng gạo sử dụng hằng ngày đã giảm, nhưng lượng bánh mì trắng, mì ăn liền, bánh ngọt lại tăng gấp đôi trong 10 năm trở lại đây, từ 16 gam/người/ngày tăng lên 33 gam/người/ngày.