1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, công nhân hãng Heineken đình công

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, công nhân hãng Heineken đình công

thứ bảy, 15/1/2022 15:16 GMT+07
(PLM) - Việc khoảng 250 công nhân tham gia đình công đã khiến hoạt động của hai nhà máy bia Heineken ở thành phố Den Bosch (miền Nam Hà Lan) và tại Zouterwoude (gần La Haye) bị đình trệ trong ngày 14/1.

Ngày 14/1, hàng trăm công nhân thuộc hai nhà máy của hãng bia Heineken ở Hà Lan đã tổ chức đình công sau khi các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua giữa nghiệp đoàn và ban lãnh đạo của hãng về vấn đề tiền lương rơi vào bế tắc.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1994, hãng bia lớn thứ hai thế giới này phải đối mặt với làn sóng đình công của công nhân.

Việc khoảng 250 công nhân tham gia đình công đã khiến hoạt động của hai nhà máy bia Heineken ở thành phố Den Bosch (miền Nam Hà Lan) và tại Zouterwoude (gần La Haye) bị đình trệ trong ngày 14/1.

Người phát ngôn của Liên đoàn Lao động Hà Lan (FNV) Niels Suijker cho biết: "Mục đích của chúng tôi không phải là tiến hành đình công nhưng rõ ràng đã không có tín hiệu tích cực nào từ hãng. Mọi người đã phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm suốt hai năm qua khi đại dịch COVID-19 hoành hành. Nhu cầu tăng lương của chúng tôi còn thấp hơn cả mức lạm phát và sự khó chịu hiện đã lên đến mức tột độ."

Các công nhân cho biết đề nghị hiện tại của ban quản lý về việc tăng 3,5% lương là quá thấp so với tình hình lạm phát gia tăng ở Hà Lan, vốn ở mức 5,7% trong tháng 12/2021.

Ngoài ra, FNV cũng đang yêu cầu ban lãnh đạo Heineken xem xét kế hoạch hưu trí tốt hơn cho công nhân và các công việc lâu dài hơn cho người lao động tạm thời.

Theo truyền thông sở tại, hiện ban lãnh đạo Heineken vẫn mong muốn tiếp tục thương lượng với người lao động.

Giám đốc chuỗi cung ứng của Heineken - ông Maarten Koudenburg - khẳng định cuộc đình công trên sẽ không khiến đứt gãy nguồn cung về bia Heineken do các khách hàng sẽ được cung cấp từ nguồn dự trữ hiện có.

Các quán bar và nhà hàng không bị ảnh hưởng nhiều vì hoạt động đình công này, do Hà Lan đang áp đặt các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội để phòng ngừa sự lây lan của dịch COVID-19.

Lần gần đây nhất các công nhân của Heineken tiến hành đình công là vào tháng 4/1994, cũng liên quan vấn đề tiền lương. Tuy nhiên, sau đó họ đã buộc phải giải tán theo lệnh của tòa án.

Thanh Phương (TTXVN/Vietnam+)