1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Lùm xùm giữa hai 'đại gia': Sunny Island lại bị kiện, dù từng rót vốn“cứu” Quốc Cường Gia Lai ở bên 'bờ vực thẳm'

Lùm xùm giữa hai 'đại gia': Sunny Island lại bị kiện, dù từng rót vốn“cứu” Quốc Cường Gia Lai ở bên 'bờ vực thẳm'

thứ hai, 24/1/2022 13:32 GMT+07
(PLM) - Từng bơm vốn “cứu” Quốc Cường Gia Lai ngay khi công ty này đứng bên “bờ vực thẳm” nhưng Sunny Island lại đang vướng vào kiện tụng với chính Quốc Cường Gia Lai.

Cứu từ vũng lầy

Trong những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu 2021, thị trường bất động sản “dậy sóng” vì Tân Hoàng Minh bỏ cọc và ông Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu FLC. Nhưng không vì thế mà câu chuyện của Công ty CP Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai bị lãng quên.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang chú ý đến vụ kiện tụng giữa Quốc Cường Gia Lai và “ân nhân” một thời - Sunny Island. Theo đó, tháng 12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã nộp đơn khởi kiện Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) liên quan đến tranh chấp phát sinh từ “Hợp đồng hứa mua, hứa bán” dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển.

Tuy nhiên, mới đây, Sunny Island đã gửi đơn tố cáo Quốc Cường Gia Lai “có hành vi gian dối trong việc kê khai khống diện tích đã đền bù, giải phóng mặt bằng 84,1 hecta trong khi thực tế chỉ giao cho Sunny Island 64,2ha nhằm chiếm đoạt 2.882,8 tỉ đồng”.

Trước đó, giữa lúc Quốc Cường Gia Lai đứng bên bờ vực thẳm, một cái “phao cứu sinh” xuất hiện. Đó là Sunny Island. Thực ra, cái tên Sunny Island đã mang đến niềm hy vọng cho cổ đông Quốc Cường Gia Lai từ năm 2016. Cụ thể, trong ngày 15/10/2016, Quốc Cường Gia Lai và Sunny Island ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ. Quốc Cường Gia Lai sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu của Tập đoàn trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny Island.

Một góc dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: TTXVN
Một góc dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: TTXVN


Tuy nhiên, Biên bản nêu trên đã bị thanh lý do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng và hai bên đàm phán lại. Tại ngày 31/3/2017, Quốc Cường Gia Lai đã nhận từ Sunny Island số tiền tạm ứng tổng cộng là 50 triệu USD để tất toán nợ vay với BIDV - chi nhánh Quang Trung. Số tiền này rất quan trọng, giúp dòng tiền của Quốc Cường Gia Lai được cải thiện mạnh, công ty có thêm tiền cho vốn lưu động.

Đây thực sự là “liều doping” cho cổ phiếu QCG. Nhà đầu tư đón nhận thông tin này bằng cách tranh mua QCG, giúp QCG có chuỗi 16 phiên tăng trần liên tiếp. Nhờ đó QCG lấy lại được mệnh giá sau chuỗi ngày rất dài giao dịch dưới mốc 10.000 đồng/cổ phiếu. Chưa dừng lại ở đó, liều “doping” này còn giúp QCG đạt “đỉnh” 26.420 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/6/2017, tăng 22.990 đồng/cổ phiếu, tương đương 670% so với phiên cuối cùng của năm 2016.

Có thể thấy, chính Sunny Island đã đưa Quốc Cường Gia Lai khỏi “vũng lầy”, giúp công ty thoát khỏi cảnh cheo leo bên “bờ vực thẳm”. Và kết quả là Sunny Island bị Quốc Cường Gia Lai kiện ra VIAC. Sunny Island cũng đã kiện ngược lại Quốc Cường Gia Lai.

Vốn hóa bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng

Trước khi Sunny Islanra tay cứu cánh, Quốc Cường Gia Lai khó khăn đến mức có thời điểm thị trường xôn xao, lo ngại công ty có thể phá sản. Sau này, chính bà Nguyễn Thị Như Loan từng chia sẻ: “Nếu không vì cổ đông, nợ ngân hàng thì tôi đã tự tử”.

Do đó, khi Quốc Cường Gia Lai nổ ra lùm xùm với Sunny Island, cùng với việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm đã khiến cổ phiếu QCG lao dốc. Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/1/2022, QCG tiếp tục đà giảm và dừng ở mức 14.050 đồng/cổ phiếu. Như vậy, so với phiên 11/1, cổ phiếu QCG đã giảm 9.150 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 40%. Đà giảm này của QCG khiến vốn hoá thị trường Quốc Cường Gia Lai “bốc hơi” 2.228 tỷ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc cổ đông công ty mất 2.228 tỷ đồng chỉ sau 6 phiên. Đó là chưa kể, Quốc Cường Gia Lai đang đối mặt với pháp luật khi VKSND TPHCM vừa tiếp tục trả hồ sơ vụ sai phạm trong chyển nhượng 32ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công an TPHCM để xác định chính xác thiệt hại vụ án, làm rõ trách nhiệm của Quốc Cường Gia Lai.

Tháng 10/2021, VKSND TPHCM cũng từng trả hồ sơ, đề nghị tiếp tục định giá tài sản để xác định chính xác giá trị tài sản của Công ty Tân Thuận tại thời điểm hai công ty Tân Thuận và Quốc Cường Gia Lai ký hủy hợp đồng chuyển nhượng phần đất đã bồi thường tại dự án Khu dân cư Phước Kiển vào tháng 5/2018.

Trước đó, ngày 20/8/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TP HCM hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM), Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, 100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM) cùng các đồng phạm về cùng tội vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.


Minh Anh