1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Mua sắm Tết vẫn còn… dè dặt

Mua sắm Tết vẫn còn… dè dặt

thứ sáu, 21/1/2022 12:08 GMT+07
(PLM) - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nhâm Dần nhưng thị trường hàng hóa mua sắm Tết vẫn còn khá… đìu hiu. Người mua vẫn còn dè dặt trong việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán.

Chỉ mua sắm hàng thiết yếu

Khảo sát của PLVN tại một loạt các siêu thị lớn ở Hà Nội cho thấy, lượng người mua sắm Tết thời gian gần đây dù có đông hơn nhưng so với mức độ mua sắm cùng kỳ năm ngoái thì không đáng kể. Thậm chí, có những siêu thị còn chưa thấy có bất kỳ một dấu hiệu mua sắm Tết nào dù các giỏ hàng Tết được trưng bày ngay lối vào cửa như siêu thị V+ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Tại siêu thị này, lượng người mua sắm vào giờ đẹp cuối tuần qua vẫn khá thưa thớt, vẫn có một số quầy thu ngân đóng cửa, khác hẳn với hình ảnh hoạt động hết công suất vào cùng kỳ năm ngoái. Siêu thị Thành Đô (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ghi nhận số lượng khách đông hơn những ngày trước đó nhưng người dân vẫn chủ yếu mua nhu yếu phẩm hàng ngày, chưa có những đơn hàng mua sắm Tết lớn.

“Con phố bánh kẹo” Mạc Thị Bưởi (Hà Nội) vốn ngày thường và các dịp Tết trước cũng khá tấp nập do lượng khách buôn từ nhiều nơi đổ về nhập hàng nhưng thời điểm này cũng vẫn khá thông thoáng, không còn cảnh hàng đoàn xe tải trọng tải lớn nhỏ nối đuôi nhau dời đi. Đáng chú ý, số lượng cửa hàng giao buôn bánh kẹo, nước ngọt ở con phố này cũng đã giảm đáng kể, dù trước đây hầu như nhà nào cũng tham gia vào hoạt động bán hàng.

Do ảnh hưởng của đại dịch khiến cho sức mua của người dân trong dịp tết suy giảm nghiêm trọng

Ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Co.opmart khu vực miền Bắc cho biết, 2 ngày cuối tuần vừa rồi thời tiết đẹp nên lượng khách cũng khá hơn, gấp đôi so với ngày thường nhưng sự kỳ vọng vào sức mua tăng trong tuần này không khả quan dù Tết đã khá cận kề. “Tôi hy vọng sang tuần sau, sau Tết ông Công, ông Táo, người lao động được nhận tháng lương thứ 13, một số đơn vị cũng sẽ ứng tiền lương tháng 1 thì tình hình sẽ được cải thiện” - ông Liêm nói.

Đại diện một số siêu thị cùng bày tỏ sự lo lắng về sức mua của Tết Nhâm Dần năm nay bởi các năm trước vào thời điểm này đều đã tiêu thụ được nhiều lượng hàng dự trữ, hàng hóa phải liên tục đưa từ kho phân phối vùng ngoại ô về các kho siêu thị ở trung tâm. Theo dự báo, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, sức mua giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách có tăng trưởng so với 1-2 tuần trước đó nhưng đa phần vẫn còn khá dè dặt khi lựa hàng hóa phục vụ Tết. Nhiều siêu thị không chỉ lượng khách mua thưa thớt mà trung bình chi tiêu trên mỗi một đơn hàng cũng giảm mạnh.

Ông Liêm cho rằng, với sức mua hiện tại thì chắc chắn ngành hàng thực phẩm vẫn là ngành then chốt mang lại doanh thu cho siêu thị, bởi hiện nay đa phần người dân chỉ mua hàng thiết yếu. Các mặt hàng phi thực phẩm thường mang lại doanh số cao thì không tiêu thụ được nhiều, trong khi bình thường hàng năm, Tết thường là dịp để các gia đình dọn dẹp nhà cửa, thay thế đồ dùng trong gia đình. Do đó, doanh số các ngành hàng khác chắc chắn sẽ giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Đào quất ít người… qua

Năm nay, giá và số lượng hoa cây cảnh được cung ứng ra thị trường dịp Tết đã giảm đáng kể so với những năm trước. Ví dụ, tùy thuộc vào kích thước, mỗi cành đào sẽ có một giá khác nhau, trung bình từ 80.000 - 200.000 đồng/cành; các loại đào dáng huyền cũng được trưng bày nhiều với mức giá từ khoảng 200.000-500.000 đồng/cành. Với những gốc đào cổ thụ, đào thế sẽ có giá cao hơn nhưng cũng thấp hơn các năm từ 10-15%. Nhưng dù thế, số lượng người tìm mua các loại cây cảnh thời Tết cũng thưa vắng hẳn so với các năm trước.

Sức mua các loại hoa, cây cảnh chơi tết suy giảm

Điểm bán hoa xuân ở cạnh trung tâm thương mại Aeon (quận Long Biên) khá lớn với đủ các loại hoa trực chờ đón Tết nhưng không thấy mấy người dân qua lại hỏi han mua bán. Điểm bán hoa ở Công viên Tuổi Trẻ (quận Hai Bà Trưng) lại vắng bóng cả người mua lẫn người bán vì số lượng người bán ở đây chỉ bằng khoảng 30% so với năm ngoái, trong khi người mua cũng chỉ lác đác.

Chị Hoàng Thị Nga (bán hàng tại Công viên Tuổi Trẻ) cho biết, hiện nay, hầu như khách chỉ đến xem và hỏi giá chứ ít có người trả giá để mua cây. Trên vườn đào Nhật Tân cũng chỉ đa phần là khách buôn mua hàng, ít gặp người mua lẻ. Đa phần khách buôn lên tận nơi tìm mối hoa đẹp mà giá cả lại phù hợp để hy vọng “kích thích” khách mua hàng.

“Mấy chị em tôi ở các điểm bán khác nhau vẫn thông tin cho nhau về điểm bán nào đông khách để huy động thêm hàng đến nhưng năm nay chưa phải… chi viện cho điểm nào” - chị Nga nói.

Theo nhiều người buôn hoa cây cảnh, vào thời điểm này các năm trước, các cây đào, quất thế đẹp, giá cao đều đã “theo chủ” về nhà để đón Tết sớm nhưng nay nay đa phần vẫn… nằm im. Nhiều chủ vườn đào, quất còn cho biết mới chỉ bán được khoảng 20-30% và hầu hết đều lo lắng cho Tết Nhâm Dần sắp tới, khi bao công chăm bón có nguy cơ lại… bỏ sông, bỏ bể vì không tiêu thụ được bao nhiêu.

Nhật Thu