1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Mua vaccine COVID-19: Doanh nghiệp sẵn sàng “chia lửa” với Chính phủ

Mua vaccine COVID-19: Doanh nghiệp sẵn sàng “chia lửa” với Chính phủ

thứ tư, 1/9/2021 01:57 GMT+07
(PLM) - Trả lời PLVN, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam cho rằng vấn đề vaccine hiện nay rất cấp thiết với các doanh nghiệp thuộc ngành hàng này; nếu sớm có vaccine thì doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động, tránh tình trạng đóng cửa. Riêng về vấn đề kinh phí, các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia.
Nhiều doanh nghiệp ngành da giày muốn sớm có nguồn vaccine tiêm phòng để không bị đứt gãy sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp ngành da giày muốn sớm có nguồn vaccine tiêm phòng để không bị đứt gãy sản xuất.

Được biết, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam đã cùng 3 hiệp hội khác đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ nhập khẩu vaccine từ nguồn tự tìm kiếm, đàm phán. Bà có thể cho biết cụ thể về vấn đề này?

- Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu đều có đối tác từ nhiều nước trên thế giới. Thông qua các đối tác này, chúng tôi đã tìm được nguồn cung ứng vắc xin từ Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) để tiến hành đàm phán nhập khẩu. Tuy nhiên, do chúng tôi không có chức năng liên quan nên đã kiến nghị nhà nước tham gia hỗ trợ để nhập về Việt Nam.

Chúng tôi tìm được nguồn vaccine từ cuối tháng 5/2021 và đã gửi thư nhờ các cơ quan ngoại giao ở UAE tiến hành xác minh những thông tin mà chúng tôi nhận được từ đối tác UAE cũng như cơ quan liên quan trong nước.

Bà có thể cho biết nhu cầu vaccine của các doanh nghiệp cũng như phương án tài chính?

- Chúng tôi vẫn đang tập hợp để xem tổng thể nhu cầu từ phía DN. Hiện các DN có tâm lý cứ đăng ký danh sách tiêm vaccine với bất kỳ chỗ nào có thể, từ địa phương đến hiệp hội. Ở đâu được tiêm trước thì họ sẽ tiêm nên có thể gây ra tình trạng danh sách ảo, lãng phí vaccine. Do đó, tôi nghĩ chúng ta cần có một “nhạc trưởng” cầm trịch việc phân bổ này, lên kế hoạch rõ ràng và thông báo với các địa phương, đơn vị để tất cả cùng chủ động và sau đó quyết định chờ nguồn từ nhà nước hay tự tìm kiếm nguồn vaccine cho mình.

Riêng về vấn đề kinh phí thì các DN sẵn sàng tham gia. Khi Bộ Y tế hoàn tất mọi thủ tục để có thể nhập khẩu, Hiệp hội sẽ đứng ra huy động đóng góp từ các DN. Chúng tôi mong muốn có sự phối hợp của Bộ Y tế để đẩy nhanh tiến độ nhập khẩu và kiểm định. Hiện nay, DN sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao bởi nếu không thì cái giá phải trả sẽ còn cao hơn nhiều!

Với DN da giày, phương án 3 tại chỗ đang được triển khai không thể thực hiện được. Do đó, nếu chủ động được nguồn vaccine từ sớm thì giảm được thiệt hại đáng kể. Hơn nữa, nếu được tiêm vaccine đầy đủ, DN được trở lại sản xuất sớm, như thế nguồn chi phí đầu tư cho vaccine vẫn còn rẻ hơn nhiều so với việc phải đóng cửa nhà máy.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng tìm kiếm các cơ sở y tế để tự thu xếp tiêm cho người lao động của mình. Đây cũng là một cách giảm tải nguồn lực cho nhà nước trong thời điểm khó khăn này.

Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày và Túi xách Việt Nam

Bà có đề xuất gì để cộng đồng DN chủ động hơn nữa trong phòng, chống dịch COVID-19?

- Thực tế, hiện tại DN chúng tôi rất sốt ruột với tình hình chung. Làm sao phải tái khởi động sản xuất càng sớm càng tốt bằng rất nhiều mô hình ứng dụng, không thể chỉ là “3 tại chỗ”, không thể chỉ bằng “1 cung đường 2 điểm đến” mà còn là “2 tại chỗ kèm test nhanh” như nhiều DN đã đề xuất.

Chúng tôi mong muốn được tự xây dựng phương án, giám sát và tự kiểm tra, tự chịu trách nhiệm với an toàn của đơn vị mình dưới sự chỉ đạo chung của chính quyền địa phương. Bởi DN nào cũng muốn phải đảm bảo an toàn của mình đầu tiên nên chúng tôi cho rằng Chính phủ nên tin tưởng vào trách nhiệm của DN trong cuộc chiến chống COVID-19.

Điều mà DN cần là sự đào tạo của ngành y tế cho mỗi DN, để làm sao trong mỗi cơ quan, xí nghiệp nhà máy chúng tôi có thể có những “CDC thu nhỏ” để từ đó có thể biết mình phải đối phó, phản ứng, xử lý, cách ly như thế nào nếu có ca F0 xảy ra; Cần có những quy định cụ thể, ở mức nào thì DN tự giải quyết, ở mức độ nào thì DN buộc phải chờ y tế địa phương xử lý. Nên để DN tự test nhanh và tự chịu trách nhiệm với kết quả của mình. Chính phủ hoặc địa phương chỉ cần đưa ra một tiêu chí để DN thực hiện và DN sẽ tự thực hiện theo cách phù hợp nhất với mình nhằm đảm bảo an toàn, để có thể chủ động xây dựng phương án sản xuất.

Xin cảm ơn bà!