1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Năm 2022, Hải quan sẽ cải cách toàn diện việc kiểm tra, giám sát

Năm 2022, Hải quan sẽ cải cách toàn diện việc kiểm tra, giám sát

thứ hai, 31/1/2022 11:00 GMT+07
(PLM) - Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, song các hoạt động nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ngành Hải quan trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong năm 2022, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành, công tác giám sát, quản lý về hải quan trong tất cả các lĩnh vực.
Cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh) Cán bộ Hải quan làm nhiệm vụ tại cảng Cái Lân (Quảng Ninh)

Triển khai hiệu quả nhiều giải pháp

Công tác kiểm tra, giám sát hải quan năm 2021 vừa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật về hải quan. Ngay từ đầu năm, nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có chỉ đạo nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan tại Công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/1/2021.

Tổng cục Hải quan đã triển khai có hiệu quả các giải pháp như: Nâng cấp hệ thống thông tin để cung cấp các chức năng phục vụ việc tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu nhằm tăng cường đồng bộ các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng; Áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không; Ban hành quy định về định mức soi chiếu tối thiểu và triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn, soi chiếu; Phối hợp với Bộ Công Thương xác nhận lượng hàng hóa tồn đọng để làm thủ tục thu hồi mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất và hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có sử dụng nhiều phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải.

Các giải pháp trên đã có tác dụng ngăn chặn tình trạng trốn giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh có giấy phép. Phát hiện một số lô hàng có dấu hiệu vi phạm và thực hiện kiểm tra thực tế 100% tại cửa khẩu nhập. Số lượt container đưa vào soi chiếu và lượng container vi phạm được phát hiện qua soi chiếu đều tăng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với: các tờ khai nhập khẩu ô tô, xe máy; rượu nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa; hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, hàng khai báo một lần, xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần… Tăng cường quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu và hướng dẫn các Cục Hải địa phương thực hiện thống nhất chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm; Tăng cường quản lý đối với hàng chuyển phát nhanh nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, Kiểm tra chuyên ngành.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động: Đối với đường hàng không đã triển khai tại Sân bay Quốc tế Nội Bài với 3 kho hàng và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ tháng 4/2021 với 2 kho hàng.

Đối với giám sát đường bộ, Tổng cục Hải quan thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng, trong đó có việc khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa.

Chống chuyển tải bất hợp pháp trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Trong năm 2022, ngành Hải quan xác định sẽ tiếp tục triển khai công tác cải cách toàn diện công tác quản lý và kiểm tra chuyên ngành; Tổ chức triển khai Nghị định quy định về thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh công tác giám sát, quản lý về hải quan trong các lĩnh vực kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa, thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Rà soát đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; làm việc với các bộ, ngành có liên quan để giải quyết các nội dung vướng mắc liên quan đến các quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa tiêu thụ nội địa quy định về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Triển khai cập nhật thông tin về hồ sơ liên quan đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trên website Hải quan. Xây dựng triển khai kế hoạch về chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn không đúng định, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Sẽ triển khai có hiệu quả công tác giám sát hải quan: về giám sát tự động đường hàng không, đường bộ; về quản lý hải quan đối với kho, bãi, cảng; về thủ tục hải quan đối với hoạt động thương mại biên giới. Kịp thời đề xuất và phối hợp thực hiện công tác trang bị, quản lý, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị kiểm tra giám sát hải quan, nâng cao hiệu quả trong công tác soi chiếu. Chủ động rà soát và phối hợp với các đơn vị, bộ, ngành đề xuất các giải pháp cải cách trong công tác kiểm tra chuyên ngành; xử lý, giải đáp những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện của doanh nghiệp, của bộ, ngành và các đơn vị hải quan;

Rà soát các quy tắc xuất xứ hàng hóa tại các Hiệp định thương mại tự do để ban hành văn bản hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện. Nghiên cứu, hoàn thiện các nội dung, xây dựng các mô hình thể hiện các yêu cầu quản lý hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu, doanh nghiệp chế xuất của mô hình hải quan hiện đại giai đoạn 2021-2030. Nghiên cứu phương án kết nối, định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi hệ thống camera của doanh nghiệp chế xuất với cơ sở dữ liệu của cơ quan Hải quan. Tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra đối với các doanh nghiệp có hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu.

An Khê