1. Trang chủ /
  2. Kinh tế - Xã Hội /
  3. Ngắm sắc xuân về trên núi rừng Tây Bắc

Ngắm sắc xuân về trên núi rừng Tây Bắc

chủ nhật, 13/2/2022 07:35 GMT+07
(PLM) - Khám phá các bản làng còn hoang sơ, tham gia vào các lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống, bồng bềnh săn mây trên những cung đường đèo như tiên cảnh, chiêm ngưỡng những thác nước hùng vĩ, đắm mình trong rực rỡ sắc hoa. Sẽ là những trải nghiệm khó quên trên những cung đường Tây Bắc vào mùa xuân.
Ngắm sắc xuân về trên núi rừng Tây Bắc Ngắm sắc xuân về trên núi rừng Tây Bắc

Nhớ đến Tây Bắc là hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ, cảnh sắc nguyên sơ nhưng đậm nét văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số. Là khu vực miền núi phía Bắc, vùng đất này lưu giữ nhiều di tích lịch sử theo dòng chảy của thời gian. Du lịch nơi đây ngày càng nhận được rất sự quan tâm và yêu thích của đông đảo du khách từ mọi miền tổ quốc và bạn bè quốc tế.

Những cung đường Tây Bắc vào mùa xuân có muôn hoa đua nở, trong trắng hoa mận, tươi thắm sắc đào, rực rỡ cải vàng đan xen trong bồng bềnh mây trắng. Trong cái se lạnh cuối đông bừng lên nắng hồng rực rỡ sưởi ấm cả đất trời mùa xuân khiến lòng người cũng được hong khô tươi mới. Đồng bào nơi đây đón năm mới với váy áo xúng xính, với hội xuân náo nhiệt và những trò chơi dân gian vui nhộn.

Vũ điệu trên mây - Tái hiện đám cưới người Dao Đỏ tại Sapa

Nơi hội tụ văn hoá của hơn 20 dân tộc anh em

Điều không thể bỏ lỡ khi đến với Tây Bắc đó chính là văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Theo dòng chảy của thời gian, các bản làng của người Thái, người Mông, người Dao, người Lự, người Hà Nhì, người Giáy… vẫn gìn giữ được nét hoang sơ vốn có, với những nếp nhà truyền thống được xây dựng khéo léo ẩn hiện thơ mộng ven suối hay dưới những tán rừng, chênh vênh bên sườn núi.

Dọc các cung đường Tây Bắc, mỗi bản làng đều có những nét độc đáo, dung dị riêng làm mê đắm lòng người, níu chân du khách. Bản người Thái có đặc điểm dễ nhận biệt nhất đối với nhiều dân tộc khác đó là kiến trúc nhà sàn truyền thống. Nơi người Thái chọn sinh sống chủ yếu tại các cánh đồng lớn, gần các con sông, suối như: khu vực Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái), khu vực Mường Than (huyện Than Uyên, Lai Châu), thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), Thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La)…Những nếp nhà sàn vững trãi bên những lũy tre xanh, nằm nép bên bờ suối, xung quanh có cánh đồng ruộng bậc thang thoai thoải là những khung cảnh nên thơ, lãng mạn khiến du khách nao lòng khi tới thăm.

Bản người Mông, người Dao, người Hà Nhì thì thường ở trên những triền núi cao, nơi thâm sơn, cheo leo, giữa bốn bề núi non trùng điệp. Những nếp nhà gỗ, nhà trình tường hiên ngang bám trụ trên sườn núi đá, dưới những tán rừng, chênh vênh trên đỉnh núi. Nơi đây bốn mùa sương giăng mây phủ, trên những mái nhà cổ kính rêu phong.

Vùng núi Tây Bắc với hơn 20 dân tộc anh em cùng sinh sống khiến nơi đây đa sắc màu văn hóa với những lễ hội dân gian. Hầu hết các lễ hội đặc sắc của đồng bào nơi đây được tổ chức vào mùa xuân. Du khách có thể tham gia rất nhiều lễ hội, cùng hòa mình vào không gian sôi động, náo nhiệt với các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh đu, chọi gà, chọi dê… diễn ra khắp các bản làng. Có thể kể đến như: bản Cát Cát, Tả Van (Sa Pa, Lào Cai); bản Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu); bản Sà Rèn (Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái); Suối Giàng (Văn Chấn, Yên bái); bản Sì Thâu Chải, Bản Hon, bản Nà Tăm (Tam Đường, Lai Châu); bản Cu Vai (Xà Hồ, Trạm Tấu, Yên Bái).

Những thác nước hùng vĩ

Điểm xuyết dưới những triền núi cao trùng điệp là những sông Đà, sông Mã, sông Chu…quanh năm buông chảy. Mùa xuân là thời gian lý tưởng nhất để khám phá những thác nước bởi đây là mùa khô ở Tây Bắc, không có mưa lũ, sông suối đang có dòng chảy ổn định.

Trong hành trình rong ruổi các cung đường Tây Bắc, du khách còn được chiêm ngưỡng những thác nước hùng vĩ. Thác Háng Đề Chơ, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, được nhiều người ví là “đệ nhất thác” Tây Bắc.

Thác Háng Đề Chơ được ví như "đệ nhất thác" của Tây Bắc (Ảnh: Báo Yên Bái)

Qua những cung đường đèo uốn lượn, quanh co bám vào sườn núi, có đoạn đường đi chênh vênh sát mép vực, lòng đường là lối mòn nhỏ chỉ vừa một bánh xe. Nhưng khi đến được với thác nước Háng Đề Chơ cao hàng trăm mét, buông chảy như một bản hùng ca giữa núi rừng tạo nên không gian vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng sẽ là trải nghiệm khó quên.

Hay như đến với Thác Tác Tình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu), nơi đây được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình giữa núi rừng Tây Bắc. Bắt nguồn từ dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, thác Tác Tình có độ cao hơn 100m, đổ xuống theo phương thẳng đứng, nhìn như mái tóc của cô gái Dao đang chải chuốt bên bờ đá.

Từ xa, thác nổi bật giữa không gian núi non trùng điệp, phủ xanh cây cỏ. Dưới chân thác Tác Tình, nước tụ lại thành một hồ tròn nhìn như hồ bơi vô cực, rất siêu thực. Khi trời nắng lên, thác Tác Tình lấp lánh trong ánh cầu vồng huyền ảo. Vào mùa xuân, thác có vẻ đẹp dịu dàng như người thiếu nữ miền sơn cước.

Một thác nước không thể không kể đến của Tây Bắc đó là Thác Bạc (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Nằm trên đèo Hoàng Liên Sơn, Thác Bạc từ lâu đã là địa điểm không thể bỏ qua khi đến với Sa Pa. Vào mùa xuân khu vực quanh thác có hoa Đỗ Quyên nở rực rỡ làm đắm say lòng người.

Men theo bậc thang lên chiếc cầu vòm vắt ngang qua dòng thác, chúng ta sẽ có cảm tưởng như thác nước đang đổ về phía mình, trên là màn bụi nước lan tỏa như vệt mây, dưới là bọt nước trắng xoá. Leo tiếp lên Thác Bạc Sapa, toàn cảnh phố núi Sapa sẽ ôm trọn trong tầm mắt, thung lũng Sín Chải với bản làng thấp thoáng trong mây mờ ảo, bao quanh là những dãy núi điệp trùng.

Săn mây trên những cung đường hiểm trở

Mùa xuân cũng là mùa săn mây của Tây Bắc. Nhiều người ví mây như là một đặc sản trời ban đặc biệt cho miền đất này. Mây trắng tuôn như những dòng sông bồng bềnh, huyền diệu. Mây chảy trôi giữa những đỉnh núi điệp trùng; Mây sà xuống mặt đường lấp lối chân qua; Mây ôm lấy ta như những người bạn tri kỷ. Đứng trên mây giữa núi rừng đại ngàn trong tiếng chim kêu, vượn hú bạn ngỡ như mình lạc vào cõi bồng lai tiên cảnh.

Một góc Tà Xùa vào lúc bình mình lên (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái)

Đứng trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên, nơi mây núi và đất trời hoà hợp vừa dung dị mà nhỏ bé. Săn mây, điểm đến có thể ghé qua như: đỉnh Tà Xùa (Trạm Tấu, Yên Bái); Phìn Hồ, Hồng Thu, Làng Mô (Sìn Hồ, Lai Châu); đèo Khau Phạ (Mù Cang Chải, Yên Bái); đèo Hoàng Liên Sơn (Tam Đường, Lai Châu); Y Tý, Sapa (Lào Cai); Tà Tổng, Thu Lũm (Mường Tè, Lai Châu); đẹp nhất là đỉnh Phan Xi Păng, nóc nhà Đông Dương.

Tây Bắc còn được ví là xứ sở ngàn hoa. Trong nắng ấm mùa xuân muôn hoa của núi rừng Tây Bắc bung nở, đi đâu bạn cũng đắm chìm trong rực rỡ sắc hoa. Những vạt cải vàng hoang hoải khắp triền nương. Những rừng đào, rừng đỗ quyên hồng thắm, những rừng mận, lê trinh nguyên. Rồi xa xa, rừng ban trắng muốt, ngay cả những vạt cỏ dại bên đường cũng rực rỡ, “Tây Bắc mùa xuân đẹp vô ngần”./.

Có thể bạn quan tâm